Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse cho biết, giai đoạn trước đây Việt Nam đã có cơ hội đón nhận dòng vốn FDI nhưng chưa thực sự thành công. Việt Nam trở thành nơi gia công cho các doanh nghiệp FDI và phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp FDI trốn thuế…
Cơ hội đón nhận dòng vốn FDI mới
Năm 2003, thương hiệu Sunhouse là của Hàn Quốc, ông Phú nhận góp vốn 30% của Hàn Quốc để mở ra Sunhouse Việt Nam và vẫn nắm quyền chi phối, nhưng hiện tại thương hiệu là của Việt Nam hoàn toàn.
Ông Phú nhấn mạnh: “Việc liên doanh, liên kết để từ làm thuê sang làm chủ mới là quan trọng. Nghệ thuật đón nhận vốn mà chúng tôi đã làm là thời gian đầu phải khôn khéo để có thể gia công, làm thuê nhưng học được công nghệ, hiểu được nhu cầu của khách hàng. Khi nắm được công nghệ, tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ, châu Âu, bán các sản phẩm có thương hiệu của mình, chúng ta mới làm ông chủ được”.
Ông Phú chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều công ty trên toàn cầu phải co cụm, nên doanh nghiệp có thể đón làn sóng dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất tại Việt Nam.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI”. |
"Làn sóng dễ nhất là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ việc đánh thuế hoặc Covid-19", ông Phú đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đồng tình với ông Phú khi nói đến sự dịch chuyển của đơn hàng. Ông Toàn dẫn chứng câu chuyện nhiều năm trước, doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam không mở nhà máy mà liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Nhật Bản bỏ vốn, công nghệ để cùng làm ra sản phẩm. Đó là những sản phẩm chất lượng cao.
Gần đây, khi đi khảo sát cho giải thưởng mà ông Toàn là thành viên, ông đã đến một doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản nhưng 100% vốn Việt Nam, chỉ có công nghệ là của nước bạn. Doanh nghiệp này sản xuất lồng nuôi hải sản với công nghệ mới.
“Tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác để có thể tham gia vào chuỗi giá trị, cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có thì không thành sản phẩm được. Việt Nam vẫn đang tham gia ở mức độ khá thấp trong chuỗi cung ứng”, ông Toàn nói.
Chuẩn bị những gì đón sóng FDI?
Theo thống kê, trong 67% doanh nghiệp định chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phú cho biết để sẵn sàng đón sóng FDI, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hệ thống quản lý toàn diện như chăm sóc con người, tuân thủ luật pháp… đảm bảo đơn vị cung ứng không vi phạm gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuối cùng, doanh nghiệp cần tập trung đào tạo, hướng dẫn người lao động.
Nhà máy Narae Sunhouse System của Sunhouse có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD |
Hiện tại, Sunhouse tập trung đầu tư nhà máy, máy móc hiện đại để dần tự chủ toàn bộ trong sản xuất. Đơn vị này sở hữu nhà máy Narae Sunhouse System có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD, nằm trong định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Trải qua 3 năm đầu khó bắt nhịp công nghệ mới và biến động thị trường ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng gia công bản mạch điện tử cho các công ty lớn trong và ngoài nước.
Nhà máy Lighting sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường Mỹ, châu Âu |
Mới đây, Sunhouse khai trương nhà máy Lighting vào cuối năm 2019 với 3 dây chuyền đèn LED panel, một dây chuyền LED UFO cùng các dây chuyền cơ khí, phun sơn tự động nhập khẩu khác. Hai loại đèn này hiện nay xuất đi Bắc Mỹ, nhà máy và sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường Mỹ, châu Âu…
Với việc mở rộng nhiều nhà máy và chế tạo sản phẩm khác nhau, Sunhouse cho thấy sự sẵn sàng đầu tư để gia tăng giá trị thương hiệu, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.
Bình luận