Mặc dù hiện tại người ta nói nhiều về tình trạng quá tải của bệnh viện do Covid-19, câu chuyện lâu dài hơn có thể là cách 99% dân số tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ đại dịch, mà không cần đặt chân đến phòng mạch, và đến bệnh viện thì còn ít hơn nữa.
Thay đổi trong thời Covid-19
Việc bắt buộc áp dụng khám chữa bệnh từ xa hứa hẹn sẽ mở ra một mặt trận mới với nhiều đổi mới trong cuộc chiến chống lại gánh nặng chi phí của hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã gãy đổ của chúng ta.
Tương tự, việc bắt buộc áp dụng phương pháp học tập từ xa có thể thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học nhờ chi phí thấp hơn và tỷ lệ nhập học cao hơn, đồng thời khôi phục vai trò của đại học đối với việc dịch chuyển lên tầng lớp xã hội và kinh tế cao hơn của người Mỹ.
Sách Thời kỳ hậu Corona. Ảnh: Saigonbooks. |
Thậm chí còn cơ bản hơn cả giáo dục, ngành dinh dưỡng cũng đang trên đà đổi mới khi việc giao nhận hàng hóa tạo cơ hội để phân phối hiệu quả hơn, mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường của hàng thực phẩm tươi sống, gia tăng sử dụng hàng địa phương.
Ẩn dưới những thay đổi này, việc lớn lên trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể tạo ra một thế hệ chín chắn, có cách nhìn nhận mới mẻ về cộng đồng, tinh thần hợp tác và đức hy sinh - một thế hệ tin rằng lòng thương không phải là điểm yếu và giàu có không phải là lợi thế.
Thật dễ để tin rằng điều đó sẽ không xảy ra với chúng ta ngày nay, rằng “điều đó không thể xảy ra ở đây”. Nhưng nghĩ lại mà xem, khi đại dịch bắt đầu bùng phát trên thế giới, không ai trong chúng ta nghĩ rằng nước Mỹ có thể mất hàng nghìn người mỗi ngày vì một loại virus mà các quốc gia khác đã chặn đứng được.
Phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng này đã không tạo được niềm tin. Mặc dù chúng ta có thời gian chuẩn bị lâu hơn, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào và tin tưởng rằng nước Mỹ hiện thời là xã hội tiên tiến nhất trong lịch sử, nước Mỹ - với số dân khoảng 5% tổng dân số thế giới - đã chiếm đến 25% ca nhiễm bệnh và tử vong của toàn cầu. Mỹ đã tốn đến 10 năm để tạo ra 20 triệu việc làm và rồi mất đến 40 triệu chỉ trong 10 tuần lễ.
Du lịch giảm, nhà hàng đóng cửa, doanh số bán đồ uống và súng ngắn tăng cao. Hơn 2 triệu người thuộc thế hệ Z1 đã quay về sống với cha mẹ, và 75 triệu thanh thiếu niên đang đi học trong bối cảnh bất ổn, xung đột và nguy hiểm.
Thất bại hay cơ hội?
Các nhà sử học có thể mổ xẻ những sai lầm đã dẫn chúng ta đến đây. Nguyên nhân sâu xa của sự thất bại của chúng ta đã rõ ràng.
Hãy xem xét hai cuộc chiến tranh. Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai trong 3 năm 8 tháng và 407.000 người Mỹ đã thiệt mạng. Bất chấp áp lực tài chính thời chiến, các hộ gia đình vẫn được yêu cầu vét túi để mua trái phiếu chiến tranh.
Các nhà sản xuất thiết kế lại nhà máy để sản xuất máy bay ném bom và xe tăng, đồng thời tốc độ giao thông trên cả nước bị giới hạn ở 56 km/h “để tiết kiệm nhiên liệu và cao su cho chiến tranh”. Chúng ta đưa học sinh và giáo viên nhập ngũ, và họ đã hy sinh cuộc sống vì tự do.
Sau chiến tranh, chúng ta đầu tư vào những quốc gia từng là kẻ thù của mình và tạo ra nhiều của cải, thịnh vượng hơn bất kỳ xã hội nào cho đến nay. Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã phân phối của cải một cách công bằng hơn bao giờ hết. Chúng ta thay đổi nơi sống và cách sống, bắt đầu cân nhắc về sự bất bình đẳng sâu sắc nhất của xã hội chúng ta về sắc tộc và giới tính.
Quân đội Mỹ đã chiến đấu ở Afghanistan trong 19 năm và 2.312 quân nhân tử trận. Xung đột lan rộng thành bạo lực trên một nửa thế giới với hàng trăm nghìn thường dân thiệt mạng.
Trong thời gian đó, tôi đã nhìn thấy nhiều chiếc SUV dán dòng chữ “Ủng hộ các quân nhân” chạy trên đường phố, nhưng cuộc sống của tôi vẫn diễn ra bình thường và êm đẹp, tôi không gặp khó khăn gì khi tìm mua sô-cô-la hoặc bất cứ thứ gì mình cần tại cửa hàng hoặc trên điện thoại.
Càng kiếm được nhiều tiền, mức đóng thuế của tôi càng thấp, và không ai yêu cầu tôi mua trái phiếu chiến tranh hoặc đăng ký nhập ngũ. Nói cách khác, tôi (hay chúng ta) đã giao khoán cuộc chiến ở Trung Đông cho một đội quân tình nguyện gồm những người trẻ thuộc tầng lớp lao động; cuộc chiến đã lấy đi của ngân sách 6,5 nghìn tỷ USD và thế hệ tương lai sẽ phải bù đắp lại khoản thâm hụt này.
Lòng yêu nước từng là sự hy sinh, giờ đây nó là liều thuốc kích thích. Trong đại dịch, nước Mỹ và các nhà lãnh đạo của đất nước đã lên tiếng bằng hành động: Hàng triệu người Mỹ đã chết vì đại dịch là điều tồi tệ, nhưng sự suy yếu của Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ (NASDAQ) sẽ là thảm kịch.
Kết quả nhận được thật không cân xứng. Nhóm người có thu nhập thấp hơn và người da màu có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, khả năng bệnh có thể trở nặng cao gấp đôi so với những người thuộc các hộ gia đình có thu nhập cao hơn.
Đối với những người giàu có, họ càng có thêm thời gian dành cho gia đình, cho Netflix, có thêm tiền tiết kiệm và giá trị chứng khoán đầu tư đều tăng vì quãng đường đi làm và chi phí đều giảm.
Việc nước Mỹ đạt tới một tương lai tươi sáng hơn hay một kết cuộc không tốt giống như phim Trò chơi sinh tử (Hunger Games) là phụ thuộc vào con đường mà chúng ta chọn sau thời kỳ corona.