Chịu ảnh hưởng chung do dịch Covid-19, thị trường bất động sản đóng băng hơn một năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán đây sẽ là “ngành” bật dậy sớm nhất khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Đặc biệt là bất động sản ven biển.
Trong giai đoạn 2016-2019, thị trường du lịch khu vực Nam Trung bộ có sự phát triển vượt bậc khi lượng khách du lịch trong và ngoài nước ồ ạt đến nghỉ dưỡng. Điều này kéo theo sự phát triển "nóng" của thị bất động sản (BĐS).
Giai đoạn này đã chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ vốn thực hiện các dự án “khủng” với hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, loại hình BĐS nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch phát triển nhanh chóng và được xem là kênh “hái ra tiền” thời điểm đó.
Chững lại vì dịch
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, cộng thêm tính pháp lý căn hộ du lịch, biệt thự du lịch vẫn chưa hoàn thiện khiến loại hình này đóng băng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam (DKRA Vietnam), cho rằng giai đoạn 2016-2019, thị trường BĐS các tỉnh Nam Trung bộ nổi lên như một kênh đầu tư tầm cỡ, trong đó nổi bật nhất ở phân khúc nghỉ dưỡng.
Sau thời gian phát triển nóng, bất động sản nghỉ dưỡng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu bão hòa. Ảnh: An Bình. |
Ông cho rằng, từ khi dịch bùng phát, đa phần ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng riêng BĐS ven biển vẫn có giao dịch, dù không rầm rộ như trước.
“Một số dự án nắm lợi thế về vị trí vẫn có giao dịch ở phân khúc cao cấp. Đây là những khách hàng có tiền và họ ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhóm này không nhiều", ông Hoàng nói.
Còn Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS (KAREB) tỉnh Khánh Hòa Phan Việt Hoàng, đánh giá dịch bệnh như “cơn bão” đã gây thiệt hại rất lớn cho thị trường BĐS nói chung và BĐS ven biển nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Việt Hoàng, tại Khánh Hòa và một số địa phương ven biển như Ninh Thuận, Phan Thiết (Bình Thuận) mảng BĐS vẫn có giao dịch tại phân khúc đất nền và shop villa.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS Việt Nam như Novaland, Hưng Thịnh, Sunshine… vẫn rót tiền vào hoạt động nghiên cứu và phát triển một số dự án BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa
“Khánh Hòa và Bình Thuận là 2 địa phương có nhiều lợi thế để các nhà đầu tư rót tiền. Tôi ví dụ, ở Khánh Hòa dự kiến cung cấp khoảng 1.000 sản phẩm mới cho thị thường dịp cuối năm 2021. Đây là các sản phẩm nằm ở các dự án mới được tái khởi động sau kết luận của các cấp Trung ương và đây sẽ là phân khúc BĐS hứa hẹn ‘làm nóng’ cho thị trường giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022”, ông Phan Việt Hoàng nhận định.
Tổng Thư ký KAREB Khánh Hòa cho rằng dù dịch phức tạp, nhưng các doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS Việt Nam như Novaland, Hưng Thịnh, Sunshine… vẫn rót tiền vào hoạt động nghiên cứu và phát triển một số dự án BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị. Ông cho rằng điều này minh chứng cho việc thị trường BĐS dự đoán hồi phục nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
Cơ hội cho các thị trường chưa được khai phá
Giám đốc DKRA Vietnam cũng cùng quan điểm, nhưng lưu ý rằng việc dự đoán thị trường du lịch sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến loại hình BĐS ven biển trong thời gian tới.
“Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 18 triệu, còn khách nội địa khoảng 100 triệu lượt. Lượng khách giai đoạn này ở các tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, hay Phú Quốc tăng đột biến. Điều này đã kéo theo sự phát triển ồ ạt thị trường BĐS ở các địa phương trên”, Giám đốc DKRA Vietnam phân tích.
Nhiều dự án BĐS ven biển đã hoàn thành chờ phân phối ra thị trường ở khu vực Bãi Dài, TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: An Bình. |
Theo Giám đốc DKRA Vietnam, Nha Trang và Đà Nẵng có thể coi là đã bắt đầu bão hòa về thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Đây là cơ hội cho những địa phương ven biển còn lại ở khu vực Nam Trung bộ.
“Những địa phương còn lại ở Nam Trung bộ có rất nhiều tiềm năng, nhưng giai đoạn đầu bị ‘che khuất’ bởi các ông lớn như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Giờ những nơi này đã định hình về chính sách đầu tư chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp lớn chú ý đến”, Giám đốc DKRA Vietnam nhận định.
Ngoài ra, ở các tỉnh này hiện có lợi thế về quỹ đất rộng, giá đất còn hấp dẫn, nhiều ưu đãi và có thể xây dựng những dự án quy mô lớn, quy hoạch bài bản, đồng bộ để hấp dẫn khách du lịch.
Có thể đơn cử một số khu vực tiềm năng như vùng Phước Dinh, Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận), nơi đây là những sa mạc đồi cát kéo dài cả trăm km. Hay như khu vực "tiểu sa mạc Shahara" (Bàu Trắng) ở tỉnh Bình Thuận; Vịnh Xuân Đài tỉnh Phú Yên...
Với tỉnh Bình Thuận, các chuyên gia cho rằng đây là địa phương thời gian gần đây đã có bước tiến vượt bậc về cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư.
“Bình Thuận đã đầu tư gần 1.600 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng tuyến đường ven biển đoạn từ mũi Kê Gà đến Tân Thiện. Ngoài ra, dự án sân bay Phan Thiết đã được khởi công là một lợi thế cực lớn không chỉ thị trường BĐS mà du lịch sẽ hưởng lợi trong thời gian tới”, ông Phan Việt Hoàng nói.
Chính sách, môi trường đầu tư tốt sẽ nắm lợi thế
Ngoài lợi thế về địa hình, điều kiện tự nhiên thì chính sách đầu tư là điều kiện quyết định để nhà đầu tư quyết định rót vốn.
“Một doanh nghiệp bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng làm dự án, ngoài vị trí thì cái họ quan tâm nhất là chính sách đầu tư của địa phương đó. Nếu địa phương nào có chính sách tốt, môi trường đầu tư ‘sạch’ và có ưu đãi sẽ kéo nhà đầu tư xuống tiền”, Tổng Thư ký KAREB Khánh Hòa nói.
Bình Thuận là địa phương đang thu hút nhiều dự án BĐS lớn thời gian qua. Ảnh: An Bình. |
Chia sẻ với Zing, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, khẳng định tỉnh luôn cầu thị tiếp thu có sửa đổi để tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào địa phương.
Theo ông An, để tạo môi trường đầu tư tốt nhất, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thúc đẩy, thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An
Ngoài ra, hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định, trước mắt địa phương sẽ hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện. Đồng thời, Bình Thuận sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 51 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
"Địa phương sẽ tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ trong chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan để triển khai các dự án ngoài ngân sách, nhất là các dự án tổ hợp du lịch - thương mại - dịch vụ, thúc đẩy phát triển du lịch khi dịch bệnh được khống chế”, Bí thư Dương Văn An nói.