Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 453,260 tấn dầu cọ từ Malaysia và trong 6 tháng đầu năm nay là 242,700 tấn. Mức tăng trưởng này một phần là do sản phẩm của Malaysia có giá cả cạnh tranh, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế tốt trong nước. Điều đó cũng khẳng định mối quan hệ hợp tác giao thương và tìm kiếm cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước ngày càng phát triển.
Trong khuôn khổ phát triển kinh tế giữa hai quốc gia, hội thảo và triển lãm dầu cọ đã được tổ chức. Vừa qua, bà Teresa Kok - Bộ trưởng Công nghiệp Malaysia, đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội chợ và Hội thảo thương mại Dầu cọ Malaysia - Việt Nam (POTS) tại khách sạn Sheraton Saigon.
Bà Teresa Kok (trang phục vàng) cắt băng khai mạc sự kiện. |
Với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác và tìm hiểu cơ hội", sự kiện này phản ánh những cơ hội to lớn mà thương mại dầu cọ mang, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp dầu cọ Malaysia phát triển, hướng tới tăng cường quan hệ đối tác thương mại và ươm mầm cho các liên kết giao thương mới với Việt Nam.
Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả là những doanh nhân nổi tiếng trong ngành công nghiệp địa phương và các chuyên gia quốc tế đến từ Malaysia, Việt Nam, Anh và Đức. Các diễn giả sẽ chia sẻ các chủ đề về dầu và chất béo, từ những thách thức về thị trường, triển vọng giá cả đến các ứng dụng của dầu cọ.
Tại buổi hội thảo và triển lãm dầu cọ, bà Teresa Kok nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến lớn thứ 8 đối với xuất khẩu dầu cọ của Malaysia, đem lại doanh thu trị giá 8,24 tỷ USD trong năm 2018.
Các đại biểu chia sẻ tại buổi họp báo Hội chợ và Hội thảo thương mại Dầu cọ Malaysia - Việt Nam (POTS). |
Việt Nam chủ yếu sử dụng dầu và chất béo nhập khẩu cho tiêu dùng nội địa, vì sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Gần 1 triệu tấn dầu và chất béo đã được nhập khẩu vào năm 2018, trong đó 880.000 tấn dầu và chất béo nhập khẩu là dầu cọ, với 56% từ Malaysia.
Con số trên cho thấy Việt Nam là một đối tác thương mại chiến lược và quan trọng đối với Malaysia, với các mặt hàng như gia vị, quần áo, thực phẩm, dầu cọ, dầu khí, hóa chất và hàng hóa thành phẩm. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Malaysia và Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện một số sáng kiến hợp tác để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại đối với mặt hàng này.
Các bên liên quan cần làm việc cùng nhau để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam. Cơ hội là vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân ở cả Việt Nam - Malaysia, để định hình lại các phương thức kinh doanh dưới hình thức hợp tác và liên doanh chiến lược, hoặc tạo lập các kế hoạch mới để mở rộng mảng kinh doanh dầu ăn và dầu cọ.
Sự kiện mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. |
Hội chợ và Hội thảo thương mại Dầu cọ Malaysia - Việt Nam (POTS) lần thứ 59 có nhiều điểm đặc biệt khi được phối hợp tổ chức bởi Hội đồng dầu cọ Malaysia (MPOC) và Ban Dầu cọ Malaysia (MPOB).
Trong đó, MPOC là một hội đồng thuộc Bộ Công nghiệp Malaysia. MPOC có vai trò thúc đẩy việc mở rộng thị trường dầu cọ Malaysia và các sản phẩm dầu cọ bằng cách nâng cao hình ảnh, chất lượng. Đồng thời, MPOC hướng tới tạo sự tiếp nhận tốt hơn từ phía khách hàng, thông qua việc nhận thức được các lợi thế kinh tế và công nghệ (lợi thế kinh tế - kỹ thuật) và sự bền vững về môi trường.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hai nước. |
Hội đồng đã thiết lập mạng lưới gồm mười văn phòng trên toàn thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc (Thượng Hải), Ấn Độ (Mumbai), Pakistan (Lahore), Bangladesh (Dhaka), Trung Đông (Istanbul và Cairo), châu Âu (Brussels và Nga), châu Phi (Accra) và châu Mỹ (Washington DC) để hỗ trợ, thúc đẩy và xây dựng chiến lược kinh doanh ở các khu vực mới cho ngành dầu cọ.
Hiện tại, ngành dầu cọ có đóng góp lớn vào nền kinh tế Malaysia trên phương diện xuất khẩu và tạo công ăn việc làm. Cùng với sự kiện kinh tế lớn được tổ chức thường xuyên, mối quan hệ hợp tác chiến lược cùng phát triển kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia sẽ ngày càng bền vững, lâu dài.