Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cơ hội hợp tác cho xuất bản Việt từ các hội sách quốc tế

Theo chị Hoàng Thanh Vân, những sự kiện như hội sách sẽ là cơ hội tốt để các đơn vị xuất bản Việt Nam và quốc tế giao lưu, hiểu nhau hơn, tiến tới các cơ hội hợp tác.

Ngày 14/3, bước sang ngày cuối tại Hội sách London (London Book Fair), Hoàng Thanh Vân - giám đốc Andrew Nurnberg Associates (ANA) Hà Nội - vẫn tất bật với công việc, các cuộc hẹn dồn dập. Công ty chị hiện đại diện độc quyền cho hơn 50 nhà xuất bản và agency bản quyền lớn trên toàn thế giới tại Việt Nam. Vì vậy, tham dự các sự kiện xuất bản, đặc biệt như hội sách lớn này là công tác không thể thiếu.

Tranh thủ lúc 4h sáng theo giờ London, chị Vân dành thời gian chia sẻ với Tri thức - Znews về những cảm nhận, trải nghiệm của chị nhân sự kiện lần này.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam

London Book Fair là hội sách lớn thứ hai thế giới, chị Vân không ngạc nhiên khi sự kiện năm nay được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo nhà xuất bản nhiều nước và độc giả tham dự. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị nhận xét hội sách đã gần như hồi phục hoàn toàn.

hoi sach london anh 1

Chị Thanh Vân đang tham dự Hội sách London.

Hội sách năm nay cũng có nhiều khu vực để các nhà xuất bản “phô diễn” lực lượng, tầm vóc qua các gian trưng bày, cũng là để giới thiệu các sản phẩm, dự án mới.

Với các nhà xuất bản hay đại diện agency như chị Vân, thời gian diễn ra hội sách cũng là lúc mọi người tất bật với những cuộc gặp gỡ, trao đổi để kết nối, giao lưu với các khách hàng tiềm năng, chia sẻ kinh nghiệm cùng các đơn vị khác.

Nhân sự kiện, đại diện ANA Hà Nội cũng nhận xét về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.

“Hiện nay tôi thấy thị trường xuất bản Việt Nam vẫn đang phát triển hơi cục bộ, chúng ta vẫn chưa biết cách kết nối ngành xuất bản với các loại hình truyền thông giải trí khác, trong khi ở quốc tế, do đã có lịch sử phát triển lâu dài, thị trường xuất bản nói chung và sách nói riêng là nơi khởi nguồn của rất nhiều loại hình nội dung khác như phim, kịch, khóa học hay thậm chí là trò chơi".

Chị cho hay ở phương Tây, lượng phim mua bản quyền, chuyển thể từ các tiểu thuyết, truyện, hồi ký, phóng sự, nghiên cứu… là rất lớn, và sự phát triển của các loại hình phái sinh này mang lại nguồn doanh thu lớn cho cả nhà xuất bản, đặc biệt là các tác giả sách, tạo động lực cho họ liên tục nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo.

"Chữ viết, ngôn ngữ là một trong những hình thức thể hiện đầu tiên của các ý tưởng, và vì vậy, sách là hình thức thể hiện cơ bản nhất, trước khi có thể phát triển xa hơn thành các chương trình, phim truyện, hoạt hình, game, hay các dạng nội dung khác. Tôi cho rằng là sớm muộn ngành xuất bản Việt Nam sẽ dần phát triển theo hướng này, đưa sách về đúng vị trí đáng có, thay vì bị coi là một hình thức cũ kỹ, hay thậm chí hết thời”, chị nói.

Với kinh nghiệm tham gia nhiều sự kiện xuất bản, hội sách quốc tế, chị Vân cho biết ngành xuất bản các nước đang phát triển rất nhanh, kết nối đa lĩnh vực, đa phương tiện. Sự kết nối này sẽ là động lực cho sự phát triển của không chỉ ngành sách, mà cả các ngành như giải trí và giáo dục, giúp cho nội dung trở nên phong phú, sâu sắc và có nền tảng vững chắc hơn.

Đẩy mạnh tiếp xúc giữa xuất bản Việt Nam và quốc tế

Chị Vân kỳ vọng trong tương lai, một mặt các bản thảo chất lượng của Việt Nam có thể được các nhà xuất bản quốc tế biết tới và mua nhiều hơn, mặt khác có thể thu hút thêm nhiều nhà làm sách thế giới đến Việt Nam.

Thông qua các hội sách lớn như London Book Fair, những người làm sách Việt Nam cũng có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

“Các đơn vị xuất bản nước ta rất nỗ lực trong việc chọn những đầu sách hay nhất để gửi tới độc giả, và họ đang làm rất tốt. Tuy nhiên chọn được các đầu sách tốt là chưa đủ, vì để tạo ra một đầu sách best-seller còn đòi hỏi sự đầu tư vào marketing để giúp cuốn sách tiếp cận được tới đúng đối tượng độc giả của mình. Nên nhìn nhận bản thân như một đơn vị trong ngành truyền thông, sáng tạo nội dung để quảng bá tốt hơn".

Ở nước ngoài, dù các bản thảo tốt và nhiều như thế nào, họ vẫn xem việc quảng bá tốt là yếu tố cốt lõi để độc giả tiếp cận được những cuốn sách hay.

Chị Vân cũng thấy có một số mô hình từ nước ngoài người làm sách Việt Nam có thể tham khảo. Ví dụ trên đường phố London, chị thấy nhiều hiệu sách có phần “book review”, ngoài trưng bày sách như bình thường sẽ có thêm phần giới thiệu, review ngắn các ấn phẩm do chính người bán thực hiện.

“Họ là người bán nhưng cũng là người đọc sách. Những chia sẻ cá nhân của họ với tư cách độc giả tạo được sự gần gũi, thân thiện và dễ theo dõi. Nghĩa là họ đưa yếu tố con người vào nhiều, bên cạnh đưa ra những con số ấn tượng”.

Chị Vân cũng đặt mục tiêu thông qua các sự kiện tương tự hội sách, có thể giới thiệu nhiều hơn về thị trường sách Việt Nam cho quốc tế với tư cách là cầu nối trung gian. Theo chị, khoảng 10 năm trở lại đây, các giao dịch bản quyền giữa nhà xuất bản Việt và thế giới đã nhiều hơn song sự hiểu biết của nhiều nhà xuất bản quốc tế dành cho nước ta vẫn còn hạn chế.

“Thông qua các báo cáo, sự kiện gặp gỡ, hy vọng xuất bản Việt Nam và quốc tế sẽ hiểu nhau nhiều hơn, tạo ra những triển vọng hợp tác”, chị chia sẻ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Bài liên quan

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm