Theo CNN, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng kỷ lục, bởi rất ít nhà sản xuất sẵn sàng, hoặc đủ khả năng thay thế lượng dầu của Nga bị Mỹ cấm vận và các quốc gia khác "tẩy chay". Tuy nhiên, hôm 10/3, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - đã ủng hộ tăng sản lượng dầu.
"Chúng tôi muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích OPEC tăng nguồn cung", đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba nói với CNN.
Bình luận của ông khiến giá dầu lao dốc mạnh. Giá dầu WTI có thời điểm giảm hơn 15 USD, tương đương 12%, xuống 108,7 USD/thùng. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2021.
Còn giá dầu Brent giảm 16,8 USD, tương đương 13%, xuống 111,1 USD/thùng rồi tăng nhẹ trở lại. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020.
UAE - một thành viên OPEC - vừa công khai ủng hộ tăng sản lượng dầu. Ảnh: Reuters. |
Hạ nhiệt giá dầu
Nếu UAE thuyết phục được các thành viên khác, đây sẽ là bước ngoặt lớn đối với thị trường dầu thế giới. Tuần trước, OPEC+ (OPEC và các đồng minh) cho rằng giá dầu tăng cao vì yếu tố địa chính trị nhiều hơn là thiếu hụt nguồn cung. Tổ chức này thống nhất không tăng thêm sản lượng.
OPEC+ đã đặt mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng và từ chối lời kêu gọi tăng cung từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu khác. Nhưng trong tuần này, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho rằng nguồn cung dầu đang ngày càng tụt lại so với nhu cầu.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+.
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Giới quan sát cảnh báo rằng lệnh cấm dầu khí và khí đốt của Nga là đòn giáng mạnh lên thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã đe dọa đóng đường ống dẫn khí sang Đức và cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng Nga.
"Việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh.
"Đà tăng của giá có thể nằm ngoài dự đoán. Giá có khả năng lên tới 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông cảnh báo.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các đồng minh phương Tây "tẩy chay" dầu khí Nga. Ông lập luận rằng mua dầu Nga đồng nghĩa với việc trả tiền cho cuộc thảm sát "đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ukraine".
Giảm phụ thuộc
Châu Âu - các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào dầu Nga - chưa đưa ra lệnh trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng Nga. Tuy nhiên, theo CNN, những lệnh trừng phạt đối với các nhà băng của Nga, cùng với những lo ngại về khả năng vận chuyển dầu của nước này, đã tạo ra một "lệnh cấm ngầm" đối với ngành năng lượng Nga.
Điều đó làm giảm đáng kể nguồn cung dầu của Nga vào thị trường toàn cầu. Trong khi đó, phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nơi khác, bao gồm các thành viên OPEC là Iran và Venezuela.
Trước khi bị Mỹ cấm vận, Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Washington cũng bắt đầu các cuộc thảo luận với Venezuela - một quốc gia khác bị Mỹ áp lệnh cấm dầu mỏ. Nhưng trên thực tế, ngay cả trước lệnh cấm, sản lượng dầu của quốc gia Nam Mỹ này đã không lớn.
Ở chiều ngược lại, OPEC có khả năng tăng nhanh nguồn cung do Saudi Arabia và UAE có năng lực sản xuất lớn. "Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC cân nhắc tăng sản xuất", ông Otaiba chia sẻ.
UAE đang nói với Saudi Arabia and Kuwait rằng: "Hãy dùng năng lực sản xuất lớn của chúng ta để châu Âu không còn phải phụ thuộc vào Nga nữa"
Ông Andy Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Associates
Bình luận của ông phát đi tín hiệu rằng một thành viên OPEC có thể sẵn sàng hành động để giữ giá dầu không vượt tầm kiểm soát.
Giới quan sát lo ngại rằng đà tăng phi mã của giá dầu có thể khiến người tiêu dùng, hành khách và doanh nghiệp thay đổi thói quen. Điều đó sẽ làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu, vốn đang gượng dậy từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Động thái từ phía UAE có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu của Nga. "UAE đang nói với Saudi Arabia and Kuwait rằng: 'Hãy dùng năng lực sản xuất lớn của chúng ta để châu Âu không còn phải phụ thuộc vào Nga nữa'", ông Andy Lipow - Chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Associates - bình luận.
Hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, thứ mà ông cho là “cần thiết” đối với an ninh năng lượng của lục địa này.
Ông nêu rõ hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu nhằm phục vụ hoạt động đi lại, sưởi ấm, xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách thức nào khác trong thời điểm này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga đóng vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng khó có thể dừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga chỉ trong một đêm. "Đó là điều mà không quốc gia nào trên thế giới có thể thực hiện", ông nhấn mạnh.
"Đó là một sự thay đổi 180 độ", ông Lipow bình luận về lập trường của OPEC. Theo ông, các nhà lãnh đạo OPEC dường như lo ngại rằng kịch bản hồi năm 2008 sẽ lặp lại. Vào thời điểm đó, giá dầu vọt lên 145 USD/thùng rồi sụp đổ chỉ vài tháng sau đó, khi nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.
"Các vị có thể đẩy thế giới rơi vào suy thoái", ông cảnh báo.