Nhà văn Uông Triều. |
- Ý tưởng về một lớp học cách viết văn nhen nhóm trong anh từ khi nào?
- Sau đại dịch, tôi thấy con người rất cô đơn và họ tìm đến văn chương như một hình thức giải tỏa, một sở thích mới trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, nhiều người mong muốn tôi mở lớp dạy cách viết văn cơ bản. Nhận thấy nhu cầu chính đáng này, tôi quyết định mở lớp học trực tuyến, đến nay đã được 5 khóa.
Lợi thế từ công việc biên tập viên với kỹ năng sư phạm giúp tôi truyền đạt kiến thức hiệu quả để hướng dẫn các học viên thực hành ngày một tiến bộ hơn. Bản thân các bạn đã có năng khiếu, nhưng đa phần đều viết tự phát và chưa được đào tạo bài bản. Nếu chịu khó trau chuốt kỹ thuật viết, học trò của tôi hoàn toàn có thể tự tin theo nghề văn.
- Ngoài mở lớp dạy trực tuyến, anh cũng tạo nên những sân chơi đa dạng cho những người yêu thích văn xuôi?
- Tôi sáng lập ra nhóm Cộng đồng văn xuôi từ tháng 3. Ngoài chỉ đạo và mở ra những cuộc thi viết văn, tôi trực tiếp chọn ra những tác phẩm dự thi xuất sắc gửi đến các tờ tạp chí văn nghệ địa phương.
Khi đi vào hoạt động, nhóm thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đến giờ đã lên đến hơn 6.000 thành viên. Ngoài việc tạo ra một sân chơi cho những cây viết chuyên lẫn không chuyên, chúng tôi cũng đăng tải nhiều bài viết hướng dẫn kỹ năng nghề, một số tác phẩm kinh điển để các bạn nghiên cứu.
- Còn nhóm 'Viết sáng tạo' là để phục vụ đối tượng nào?
- Nhiều người nói Uông Triều phân biệt đối xử vì nhóm không đăng thơ. Một phần tôi thấy, có quá nhiều nhà thơ ở Việt Nam, đi đâu cũng có thể bắt gặp nhà thơ, sợ “quá tải” nên chưa dám đả động đến thể loại này. Sau đó, tôi lập thêm nhóm Viết sáng tạo, đồng thời mở ra cuộc thi Thơ tình tuổi hoa niên để khu biệt chủ đề.
Thực chất, đối tượng ban đầu nhóm Viết sáng tạo hướng tới là những người trẻ, bởi tôi không muốn lớp trẻ phải cạnh tranh với thế hệ trước. Nhưng các bạn ấy quá bận rộn nên không tham gia được nhiều, trong khi đó nhu cầu văn thơ của những người trên 40 tuổi ngày càng cao nên tôi không thể “nhắm mắt làm ngơ”.
Nhóm mới thành lập từ ngày 28/10 nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên. Qua đó, mới thấy rằng đời sống văn học hiện nay rất mạnh. Sách có thể không ai mua, nhưng nhu cầu được thể hiện bản thân qua thơ văn nhiều vô kể.
- Học viên của anh có nhiều người theo đuổi con đường viết chuyên nghiệp?
- Khoảng 30-40% học viên có định hướng kiếm sống bằng nghề viết văn, phần lớn trong đó là các giáo viên, công chức, họ tranh thủ thời gian viết báo kiếm thêm thu nhập. Tôi nghĩ rằng, nếu chịu khó và biết cách viết sẽ giúp gia tăng nguồn thu nhập hàng tháng.
Ngoài ra, một số học trò của tôi viết theo sở thích cá nhân và đoạt giải trong các cuộc thi ngành nghề.
- Uông Triều có một số tác phẩm được đưa vào sách tham khảo, bổ trợ trong chương trình giáo dục và anh cũng đề cao tính sáng tạo, đổi mới trong chương trình giảng dạy phổ thông?
- Chúng tôi vẫn đang tranh luận về vấn đề chương trình giảng dạy chỉ đưa những tác phẩm cũ kinh điển. Các nhà văn giai đoạn 1930-1945 đã hoàn thành vai trò của họ, nhưng văn đàn hiện đại có rất nhiều cây bút xuất sắc như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương…
Chúng ta vẫn bảo lưu ý kiến rằng tác phẩm thế hệ trước là kinh điển, như vậy làm sao lớp nhà văn bây giờ có cơ hội được xuất hiện trong sách giáo khoa. Bối cảnh hiện đại không còn như những năm 1930-1945, hoặc 1970-1980, vì vậy tôi cho rằng văn học cần có sự kế thừa.
Mới đây, tôi đã có cuộc trao đổi với học sinh trường V. về chi tiết người vợ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) cắn răng chịu trận để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Có thể quan điểm của tác giả đúng với tâm thế thời đại 30 năm trước, nhưng giới trẻ hiện nay không thể chấp nhận chuyện đó.
Vì vậy, ngoài gìn giữ những tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… phải đưa các tác phẩm mới vào sách giáo khoa để cập nhật “hơi thở thời đại”.
- Anh nghĩ sao về việc chấm môn Ngữ văn nhưng điểm dựa theo barem như môn Toán?
- Việc giảng dạy và chấm thi Ngữ văn thường mắc phải căn bệnh chung đó. Ở mỗi góc nhìn người ta có quyền cảm nhận tác phẩm văn học theo các khía cạnh khác nhau. Vì vậy, tôi không phản đối chuyện độc giả hiểu khác ý nhà văn.
Nếu giáo viên áp đặt chỉ có một cách hiểu duy nhất đối với tác phẩm, học sinh sẽ chán học. Cùng vấn đề, ở những điểm văn hóa, độ tuổi khác biệt, mỗi người lại có suy nghĩ khác nhau, không thể có mẫu số chung, vì đó là văn hóa - nghệ thuật, không phải luật pháp.
Quan điểm của người viết không phải là tất cả, khi tác phẩm ra mắt và trở thành sản phẩm tinh thần của cộng đồng, độc giả có quyền cảm thụ theo cách riêng của họ.
- Là một người nghiện sách, anh có "truyền lửa" văn hóa đọc tới các con?
- Các con tôi rất thích đọc sách, mỗi khi hỏi muốn đi đâu, các bạn ấy đều xin bố tiền đến hiệu sách thay vì đến những địa điểm vui chơi. Muốn trẻ đọc sách, phải rèn luyện từ rất sớm, đặc biệt trong nhà phải có giá sách. Bố mẹ bận rộn có thể không đọc thường xuyên, nhưng để tủ sách trong nhà sẽ kích thích sự tò mò cho các con.
Hiện số sách của tôi có khoảng 5.000 cuốn. Sau những lần chuyển nhà, tôi cũng đem tặng người khác và gửi cho các thư viện vùng cao hàng nghìn cuốn nữa.
Theo tôi, đợi đến tuổi trưởng thành rèn đọc sách rất khó. Là một người dạy học, phần nào tôi hiểu rằng, nhiều người chỉ đọc khi có mục đích, sẽ không hiệu quả nếu bắt họ tìm đến sách để bồi bổ kiến thức mà không đi kèm mục tiêu.
- Trong gia đình anh có ai đang đeo đuổi nghiệp "cày chữ"?
- Mặc dù gia đình không định hướng nhưng con gái lớn của tôi đang theo đuổi con đường viết lách và học ngành báo chí, truyền thông. Có lẽ ngoài ảnh hưởng từ gen, được sống trong bầu khí quyển văn chương từ bé đã khiến con chữ ngấm dần vào cháu.
Vợ tôi ngoài việc dạy học thì cũng làm thơ. Mỗi người một mảng giúp việc trao đổi, góp ý giữa hai vợ chồng càng trở nên thuận lợi vì “nước sông không phạm nước giếng”. Cùng là văn nghệ sĩ, chúng tôi thông cảm và thấu hiểu những khó khăn trong công việc của nhau.
Nhà văn Uông Triều
Nhà văn Uông Triều (tên thật là Nguyễn Xuân Ban) sinh năm 1977 tại Quảng Ninh, vốn là một thầy giáo dạy ngoại ngữ, hiện anh công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Một số giải thưởng: Uông Triều từng đoạt giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2009 - 2010 với hai truyện: Đôi mắt Đông Hoàng, Nước mắt sông Cầm. Truyện ngắn Trong đám tang của mình nhận giải Khuyến khích của báo Văn nghệ trong cuộc thi năm 2011 - 2012
Năm 2019, 2020, hai cuốn tản văn Hà Nội quán xá phố phường và Hà Nội dấu xưa phố cũ được đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12, 13.
Năm 2023, truyện dài Vua Ngan xóm Hồ (bản thảo) đạt giải thưởng Khát vọng Dế mèn - Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.