Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo làm tình nguyện viên ở siêu thị 0 đồng tại TP.HCM

Chứng kiến nhiều bà con đứt bữa trong mùa dịch, một số trường học tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân (TP.HCM) tổ chức siêu thị 0 đồng để giúp người nghèo vượt qua khó khăn.

“Bà ơi, để con xách phụ cho, bà cứ lựa đi”, Như (sinh năm 1996), giáo viên tại trường Tiểu học Tây Bắc Lân (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), vừa cầm giỏ giúp một bà cụ lớn tuổi vừa giới thiệu những mặt hàng trên quầy.

Nói với Zing, cô Như cho biết mình đăng ký làm tình nguyện viên ngay khi nhận tin nơi công tác sẽ hỗ trợ địa điểm cho siêu thị 0 đồng. Từ sáng sớm, cô giáo trẻ và các đồng nghiệp đã có mặt để bày trí hàng hóa lên kệ hàng. Trong sáng ngày 2/7, cô Như đã đón tiếp khoảng 60 người dân trong khu vực gần đó đến mua sắm.

“Đây là hoạt động ý nghĩa nên mình thấy vui khi được góp sức. Nhiều bà con tâm sự với mình trong giai đoạn này họ chỉ ở nhà, không có thu nhập nên thấy có chợ hay siêu thị miễn phí, họ rất mừng. Có người còn kể mấy ngày nay không có gì để ăn, nghe thấy thương lắm”, cô giáo trẻ nói.

Những “khách hàng” của siêu thị 0 đồng là người lao động mất việc làm, hộ gia đình nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Cac co giao lam tinh nguyen vien o sieu thi 0 dong tai TP.HCM anh 1

Như cẩn thận xếp hàng hóa ngay ngắn lên kệ.

Hiệu trưởng, giáo viên cùng làm tình nguyện viên

Huyện Hóc Môn có 2 địa điểm tổ chức siêu thị mini 0 đồng. Mỗi điểm hỗ trợ cho 300 hộ dân và diễn ra trong vòng 3 ngày. Nhằm tránh tụ tập đông người, những tấm phiếu phát cho bà con đều được ghi rõ tên người đại diện và thời gian đến mua sắm.

Cô Trịnh Thị Lan (49 tuổi), hiệu trưởng trường Mầm non Mỹ Hoà (xã Tân Xuân), cho biết hôm nay có 6 giáo viên đến hỗ trợ. Từ tối qua, các cô giáo đã nán lại để hoàn tất khâu chuẩn bị, sắp xếp nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng hóa lên kệ.

Đúng 7h, người dân bắt đầu đến theo giờ hẹn. Tất cả đều xếp hàng đúng vị trí giãn cách, khai báo y tế và rửa tay sát khuẩn theo yêu cầu của ban tổ chức. Trong quá trình mua sắm, mọi người còn được các tình nguyện viên giúp đỡ, tính lại các món hàng để không vượt quá giá trị phiếu tặng.

Cac co giao lam tinh nguyen vien o sieu thi 0 dong tai TP.HCM anh 2

Cô Lan kiểm tra lại các loại rau củ, trái cây để cung cấp cho người dân những thực phẩm tươi ngon.

Ngoài hỗ trợ tại siêu thị 0 đồng, trước đó vài ngày, các cô giáo còn tham gia phát quà, cơm chay cho khu phong tỏa gần đó.

“Các bạn trẻ thì góp sức trẻ, còn các cô lớn tuổi thì đóng góp theo kiểu khác. Tôi thấy hạnh phúc khi được giúp một phần nào. Những hoạt động này rất thiết thực nên tôi nhận lời hỗ trợ ngay. Tôi cũng mong rằng có thêm nhiều siêu thị thế này để san sẻ với bà con, giảm bớt gánh nặng cho họ trong mùa dịch”, cô Lan bày tỏ.

Lần đầu được đi siêu thị 0 đồng

Trong sáng ngày 2/7, một siêu thị 0 đồng khác tại trường Tiểu học Bình Trị 1 cũng đón hơn 100 người dân gặp khó khăn trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM.

Khệ nệ túi hàng trên tay, chị Lê Thị Phong (ngụ ở đường Lê Văn Quới) cho biết nhận được phiếu mời từ chính quyền địa phương.

Người phụ nữ 45 tuổi là thu nhập chính trong nhà, hôn nhân tan vỡ, chị một mình nuôi 2 con nhỏ ăn học. Trước khi dịch bùng phát, 3 mẹ con chị Phong dựa vào gánh bún riêu để sống qua ngày. Song từ khi có chỉ thị ngừng các hoạt động buôn bán đường phố, nhà chị gần như “đứt bữa”.

Cac co giao lam tinh nguyen vien o sieu thi 0 dong tai TP.HCM anh 3

Người dân đến mua sắm được các tình nguyện viên hỗ trợ.

Ngồi tâm sự với phóng viên, giọng chị run run khi nói về hoàn cảnh của gia đình mình. Chị kể đây là lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác mua sắm ở một siêu thị mà không tốn tiền như thế này. Dạo quanh các kệ hàng, chị chọn mua gạo, mắm muối, dầu ăn và một ít sữa cho con gái nhỏ.

“Nhiêu đây là tạm đủ sống qua ngày. Tôi lấy vừa đủ để chừa cho người đến sau. Giờ chỉ mong mau chóng hết dịch để kiếm tiền nuôi con, đó là niềm vui lớn nhất với tôi lúc này”, chị Phong nói.

Không chỉ các phụ huynh, cô chú lớn tuổi đến mua hàng, nhiều bạn trẻ cũng hào hứng khi được giúp bố mẹ “đi chợ”. Đinh Văn Cường (17 tuổi, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) kể vì mẹ đi làm cả tuần nên em đến một mình để mẹ ở nhà nghỉ ngơi.

“Ở đây có nhiều quầy hàng, mỗi kệ lại được sắp 3-4 món khác nhau. Lúc xem em cũng hơi lúng túng vì không biết phải chọn gì, may mà có các chị giúp đỡ”, chàng trai 17 tuổi hào hứng khoe.

Anh Huỳnh Văn Tẩn (sinh năm 1977), trưởng ban tổ chức, cho hay đơn vị của anh đã mở 5 siêu thị 0 đồng tại TP.HCM. Tùy theo tình hình của mỗi địa phương, các địa điểm sẽ kéo dài thời gian để phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu cho người dân.

Mỗi nơi đều đảm bảo có hơn 60 mặt hàng để bà con thoải mái chọn lựa. Theo anh Tẩn, ban tổ chức dự kiến sẽ mở thêm mô hình tương tự tại các quận huyện ở TP.HCM và tỉnh thành khác.

“Cuộc sống có nhiều thử thách bất ngờ nhưng hãy luôn lạc quan, tích cực, quan trọng là chung tay dìu nhau đi qua khó khăn. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn lan tỏa. Những đợt dịch trước, nhiều người chưa có cơ hội để đóng góp nhưng thông qua dịp này, họ được giúp sức mình”, anh Tẩn chia sẻ.

Những bữa cơm ấm lòng tặng người khó khăn trong dịch ở TP.HCM

Những điểm phát cơm từ thiện, quán ăn 0 đồng là nơi tiếp thêm động lực, san sẻ gánh nặng cho người dân trong giai đoạn khó khăn.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm