Das Grosse Stammbuch của Philipp Hainhofer là cuốn sách bằng hữu cổ với chữ ký của nhiều người nổi tiếng ở châu Âu vào thế kỷ 17.
Augustus II là một quý tộc Đức và cũng là người xây dựng thư viện Herzog August. Năm 1648, ông cố gắng mua cuốn sách nhưng không thành. Vừa qua, thư viện Herzog August, Đức mua thành công sách với giá hơn 3,3 triệu USD
Có gì trong cuốn sách triệu đô?
Cuốn sách quý Das Grosse Stammbuch có khổ giấy 208 x 160 mm, bao gồm 10 trang lời tựa; 108 trang nội dung (trong đó có 9 trang trống); 13 trang giấy cùng hai trang bìa cứng; hai trang có dán bảng thêu họa tiết, một trang tranh vẽ trên lụa; một trang có tranh họa màu; một trang có bản in, 10 trang giấy nằm ở cuối cùng.
Ngoài ra, các trang giấy lời tựa và sáu trang cuối cùng được làm bằng giấy Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuốn sách được đánh số trang từ 1-227. Tới nay, một số trang giấy bị xước, nhăn nhẹ, có đốm hoặc vết bẩn nhỏ.
Bìa sách làm bằng nhung đỏ phủ trên bảng gỗ, các trang giấy thường được gắn trên các tấm bảo vệ. Phần bọc nhung đỏ bên ngoài sách được cố định lại bằng dây. Hộp sách màu đỏ làm bằng da Maroc.
Người đã tạo ra cuốn sách này là Philipp Hainhofer (1578-1647). Sau khi học ở Padua, Cologne và Hà Lan, ông noi gương cha mình thành lập một hãng buôn vải ở thành phố quê hương Augsburg.
Không chỉ buôn bán mặt hàng chủ lực là lụa Italy, ông còn mở rộng hoạt động giao thương ra các loại xa xỉ phẩm.
Philipp đã đi khắp nơi để thực hiện các nhiệm vụ về ngoại giao, nghi thức. Ông lưu lại chữ ký, bút tích của nhiều nhân vật nổi tiếng châu Âu, và đưa vào bản thảo cuốn sách như ta thấy hiện nay.
Sách bằng hữu ra đời ở châu Âu từ giữa thế kỷ 16. Lúc đầu, các sinh viên thu thập chữ ký của những người họ gặp trong các chuyến du lịch. Dần dần những cuốn sách này mang nhiều nét sáng tạo cá nhân hơn, hình thức của cuốn sách cũng được để ý nhiều hơn.
Tuy vậy, không cuốn sách nào có thể so sánh được với bộ sưu tập của Philipp Hainhofer. Cuốn sách này được coi là một tuyệt phẩm mà ông tạo ra.
Tranh vẽ bởi Hoàng đế La Mã Rudolf II trong Das Grosse Stammbuch. Ảnh: Thư viện Herzog August. |
Vào những năm cuối đời, Philipp đã có năm cuốn Stammbuch, ba cuốn trong số đó chỉ là những bộ sưu tập khiêm tốn (hai cuốn dành cho gia đình Augsburg, đang ở thư viện Stadtbibliothek của thành phố và một cuốn nhỏ ở thư viện Herzog August Bibliothek, Wolfenbüttel).
Cuốn Stammbuch quan trọng nhất tập hợp chữ ký và phù hiệu của những nhân vật cấp cao, có uy tín tại châu Âu.
Vào năm 1613, Hainhofer quyết định phân loại bộ sưu tập của mình, cuốn Grosse Stammbuch dành cho những người danh giá và cuốn Kleinere dành cho giới quý tộc, những người yêu nước và bạn bè.
Cuốn cuối cùng là một phần của gia sản mà Augustus đã mua sau khi Hainhofer phá sản và buộc phải bán đi. Cuốn sách này vẫn còn trong thư viện ở Wolfenbüttel.
Cuốn Grosse Stammbuch là nguồn tư liệu vô giá để nâng cao hiểu biết về tòa án, luật pháp cũng như các nhân vật lớn ở châu Âu thời đó.
Dấu ấn lịch sử
Cuốn sách có các bức tranh hoặc bản vẽ của Lucas Kilian, Anton Mozart, Tobias Bernhard, Jacopo Ligozzi, Georg Behem, Johann Mathias Kager và Joseph Heintz.
Bên cạnh đó, nhiều trang sách là tác phẩm giá trị, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được danh tính của nghệ sĩ tạo ra nó.
Trước khi qua đời, Hainhofer đã cho (hoặc bán) một số trang sách, chúng không còn được tìm thấy trong cả cuốn Grosse Stammbuch và cuốn sách ở Wolfenbüttel.
Chắc chắn rằng Philipp đã giữ lại những trang quan trọng nhất đối với bản thân (có thể vì chất lượng nghệ thuật hoặc địa vị cao của người ký). Cuốn sách cũng tập hợp bút tích của một số vị vua, hoàng hậu và hoàng tử từ các phe đối lập trong Chiến tranh Ba mươi năm.
Cuốn sách là một tài liệu lịch sử hấp dẫn ghi lại những động thái, tuyên bố của những người cai trị châu Âu thời bấy giờ. Có thể dễ dàng liệt kê một số trang sách nổi bật.
Trang đầu tiên của cuốn sách được đề năm 1600, với ba câu trích dẫn bằng tiếng Pháp, tiếng Italy và Latin. Trên đường viền là hình vẽ các công cụ đại diện cho hòa bình - nghệ thuật, khoa học và chiến tranh trên nền đen.
Trang 50 có bút tích của Adolf, Công tước xứ Schleswig-Holstein-Gottorp (1600-1631). Trên trang là khẩu hiệu của ông, đề năm 1620 và được trang trí bằng hình ảnh một nữ thần chiến tranh đang cầm khiên, huy hiệu.
Một trang trong cuốn sách Das Grosse Stammbuch. Ảnh: Thư viện Herzog August. |
Đến trang 100 là dấu ấn của Friedrich Achilles xứ Württemberg (1591-1630), em trai của Johann Friedrich. Ở giữa là chữ ký cùng khẩu hiệu của ông ghi năm 1619, được bao quanh bởi một đường viền họa tiết tinh xảo cùng các thiên thần nhỏ cầm khiên và huy hiệu của ông.
Trang 160 là bút tích của Jehan Phelipaux, cố vấn và thư ký của vua Henri IV, Pháp. Khẩu hiệu, chữ ký và các công trạng của ông được đề trên trang này. Trang sách có chữ ký năm 1609 ở Augsburg, trên và dưới là hình quốc huy với nhiều tán lá bao quanh.
Trang 200 là của Hugoldt Beer auf Hugoldtsdorff. Trên trang là khẩu hiệu và chữ ký của ông, đề năm 1614, được trang trí với các dải ruy băng và cờ hiệu ở trên và dưới hình quốc huy.