Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Có gì đặc biệt ở dự án nghìn tỷ - Thiên đường sữa Mộc Châu?

Với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, Thiên đường sữa Mộc Châu được kỳ vọng trở thành “kỳ quan Tây Bắc” trong tương lai.

Với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, Thiên đường sữa Mộc Châu được kỳ vọng trở thành “kỳ quan Tây Bắc” trong tương lai.

"Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" được hai tên tuổi lớn trong ngành sữa là Vinamilk và công ty thành viên Mộc Châu Milk bắt tay xây dựng tại vùng đất được xem là “cái nôi” ngành sữa - Mộc Châu, Sơn La. Dự án hội tụ nhiều yếu tố để trở thành tổ hợp kinh tế - nông nghiệp - du lịch nổi bật ở vùng đất Tây Bắc.

Cách Hà Nội khoảng 200 km, cao nguyên Mộc Châu (thuộc tỉnh Sơn La) thường được gọi là Đà Lạt của Tây Bắc. Không kém Australia và New Zealand, Mộc Châu có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển đàn bò sữa.

Nằm ở độ cao 1.050 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 18-20 độ C, độ ẩm trên 85%, cao nguyên này quanh năm mát mẻ, đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào. Đây là những điều kiện thiên phú, phù hợp chăn nuôi và phát triển đàn bò sữa. Cụ thể, đàn bò có thể giảm thiểu quá trình thải nhiệt khi nhiệt độ cao, đồng thời tăng khả năng sinh sản lẫn cho sữa.

Để Mộc Châu trở thành vùng nguyên liệu sữa tươi hàng đầu miền Bắc, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) có sự đóng góp không nhỏ. “Di sản” chăn nuôi bò sữa tại cao nguyên này khởi nguồn từ năm 1958, khi nông trường Mộc Châu - tiền thân của Mộc Châu Milk - được thành lập, đặt nền móng cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.

Gần 65 năm, từ nông trường chăn nuôi vỏn vẹn 100 con bò nội, trong đó có 24 con cho sữa, Mộc Châu Milk hiện có hơn 3.000 bò sữa tại trang trại và 24.500 con được chăn nuôi tại 600 nông hộ. Doanh nghiệp này có thêm 3 trung tâm giống bò sữa lớn. Nhờ bầu không khí sạch trong, chế độ dinh dưỡng quy chuẩn, những cô bò tại Mộc Châu cho dòng sữa mát lành và tươi ngon. Đàn bò cho năng suất trên 25 lít sữa/con/ngày với chất lượng cao, hương vị thơm ngon đặc trưng.

Nhằm giúp thương hiệu sữa có lịch sử 65 năm tiếp tục phát triển cũng như sẵn sàng cho giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, đầu năm 2020, Vinamilk thực hiện thành công thương vụ sáp nhập, đưa Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của tập đoàn.

Chỉ hai năm với nhiều chiến lược tái cấu trúc, đầu tư cho nhân lực, quản trị, công nghệ, Mộc Châu Milk ngày càng hoàn thiện các mô hình quản trị, thực hành chăn nuôi - sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Gần đây, Vinamilk và Mộc Châu Milk công bố các dự án chiến lược, mở ra bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến sữa tại Mộc Châu, Sơn La, xa hơn là góp phần đưa địa phương này trở thành thủ phủ ngành sữa cả nước.

Không chỉ có những trang trại xanh, Mộc Châu, Sơn La là cái tên quan trọng của hành lang du lịch Tây Bắc, theo quốc lộ 6.

Sơn La được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: “Tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh”. Trong khi đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La định hướng phát triển du lịch trọng tâm giai đoạn 2021-2030 là xây dựng cơ chế chính sách có tính đột phá để thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung mọi nguồn lực xây dựng khu du lịch quốc gia Mộc Châu để được công nhận vào năm 2025.

Trên nền tảng phát triển du lịch Mộc Châu gắn liền chiến lược phát triển nông nghiệp Sơn La - trong đó chủ lực là ngành chăn nuôi bò sữa - Vinamilk và Mộc Châu Milk xây dựng "Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị đồng cỏ vốn là bản sắc vùng cao nguyên này. Đây là một trong những dự án về nông nghiệp công nghệ cao mà hai “ông lớn” ngành sữa cùng phát triển, sau 2 năm “về chung nhà”.

Vinamilk,  Thien duong sua anh 1

Mô hình này sẽ tạo nên hệ sinh thái khép kín từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến sữa công nghệ cao đi kèm mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp du lịch sinh thái. Theo đó, tư duy khác biệt cùng tầm nhìn của những ông lớn đứng sau "Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" là cơ sở để mô hình chiến lược này thành công sau khi được đưa vào vận hành.

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk - cho biết: “Dự án với trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế tại Mộc Châu là tổ hợp liên hoàn, khác hoàn toàn với những mô hình trang trại hiện có của Vinamilk. Đây là hạt nhân để phát triển ngành sữa địa phương và đưa thương hiệu sữa Mộc Châu ngày càng lớn mạnh”.

Vinamilk sở hữu thế mạnh về kinh nghiệm xây dựng và vận hành mạng lưới nhà máy và trang trại theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống 13 trang trại quy mô lớn, công nghệ cao trải dài cả nước kết nối 13 nhà máy hiện đại tạo thành chuỗi sản xuất quy mô, cũng là thế mạnh của doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa Việt Nam.

Dự án "Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" cùng công ty thành viên Mộc Châu Milk là minh chứng cho nỗ lực mở rộng quy mô ngành sữa nội địa của Vinamilk, trên cơ sở khai thác tiềm năng của Mộc Châu, Sơn La về chăn nuôi bò sữa. Dự án tạo tiền đề cho sự phát triển của thương hiệu sữa Mộc Châu ở thị trường trong nước và mở đường cho xuất khẩu.

Việt Nam hiện vươn lên vị trí thứ 6 tại châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò sữa. Theo báo cáo được Hiệp hội sữa Việt Nam công bố vào tháng 2, tổng đàn bò sữa cả nước hiện có gần 400.000 con, chủ yếu tập trung ở các khu vực Ðông Nam Bộ, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy năm 2021, sản lượng sữa bò tươi nguyên liệu đạt khoảng 1.200 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, Vinamilk đang quản lý và khai thác sữa từ đàn bò có quy mô 160.000 con, sản lượng sữa tươi nguyên liệu vượt mốc 1 triệu lít/ngày.

Theo “Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030”, đàn bò sữa Việt Nam dự kiến đạt quy mô từ 650.000 đến 700.000 con, trong đó khoảng 60% được nuôi ở các trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, việc tăng cường hệ thống trang trại tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc là dự án mang tính đột phá, góp phần đưa ngành sữa phát triển nhanh, hiệu quả theo hướng công nghệ cao và bền vững.

Điều kiện thiên nhiên trù phú, môi trường đầu tư thông thoáng là những yếu tố thuận lợi để phát triển tổ hợp sữa tại Mộc Châu. Hơn thế, nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân trong nước ngày càng cao giúp ngành sữa Việt nói chung và dự án của Vinamilk cùng Mộc Châu Milk nói riêng rộng đường phát triển.

Trong ngày khởi công dự án “Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc đầu tư bài bản, nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng của Mộc Châu Milk và Vinamilk.

“Với số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 500.000 lít sữa/ngày, giai đoạn 2 là 1 triệu lít/ngày, dự án đang theo lộ trình đầu tư từng bước một. Tôi tin chắc với sự phối hợp giữa hai bên, bước đi của dự án sẽ rút ngắn và nhanh hơn”, Thủ tướng nói về dự án nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu - một hạng mục chính của "Tổ hợp thiên đường sữa".

Tại Việt Nam, ngành sữa còn nhiều dư địa phát triển khi sản xuất sữa nguyên liệu mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, việc các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho đàn bò sữa, phát triển ngành công nghiệp chế biến sẽ tạo ra những bước tiến tích cực.

Trước khi nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu”, hai ông lớn Vinamilk cùng Mộc Châu Milk dành hơn 2 năm nghiên cứu để phát triển dự án, với quy mô đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng.

Nơi này được kỳ vọng trở thành điểm nhấn về nông nghiệp - kinh tế - du lịch theo định hướng phát triển bền vững. Bài toán đặt ra cho Vinamilk và Mộc Châu Milk là bảo vệ môi trường, hướng đến mô hình kinh tế xanh. Đây là yêu cầu quan trọng vì cao nguyên Mộc Châu không chỉ phát triển chăn nuôi mà là chăn nuôi kết hợp du lịch, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch.

Quy mô “khổng lồ” đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư ở tầm chiến lược, tập trung cho quản lý hệ thống chăn nuôi song hành mục tiêu sinh thái. Từ đòi hỏi trên, “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu” ra đời với hai hạng mục chính: Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu.

Thứ nhất, hạng mục “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu” là mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái có diện tích 150 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng.

Dự án thành phần đầu tiên là trang trại bò sữa công nghệ cao với quy mô 4.000 con bò sữa, vốn đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa/năm.

Theo chuẩn quốc tế của Vinamilk, trang trại tại “Tổ hợp thiên đường sữa” được đầu tư công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, tỷ lệ phát thải, thân thiện môi trường. Trang trại ứng dụng quản lý nguồn đất bền vững, canh tác nông nghiệp tiên tiến, năng lượng xanh và tái tạo, quản lý chất thải, biến thành tài nguyên.

Bên cạnh đó, Vinamilk và Mộc Châu Milk xây dựng khu du lịch, cảnh quan sinh thái đồng cỏ với mức vốn 300 tỷ đồng (gồm công trình dịch vụ tiện ích, văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm tìm hiểu hoạt động chăn nuôi bò sữa). Điều này nhằm giới thiệu văn hoá, đặc sản địa phương và quảng bá thương hiệu sữa Mộc Châu.

Khu vực đồng cỏ rộng lớn kết nối trang trại, cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh, sạch, chuẩn quốc tế cho đàn bò sữa 4.000 con. Mộc Châu Milk cũng đầu tư thêm 150 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Trung tâm giống bò sữa Mộc Châu II lên 2.000 con bò sữa, giúp tăng nguồn sữa tươi nguyên liệu và con giống cho thị trường trong nước.

Vinamilk,  Thien duong sua anh 2

Hạng mục thứ 2 là “Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu”, có diện tích 26 ha. Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy là 2.000 tỷ đồng, công suất gần 500 tấn sữa/ngày giai đoạn 1 (có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2).

Nhà máy được thiết kế mô hình kiến trúc xanh phù hợp cảnh quan thiên nhiên Mộc Châu. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 toàn diện trong hệ thống quản lý và vận hành nhà máy góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, tuân thủ tiêu chí về phát triển bền vững.

Theo bà Mai Kiều Liên, nhà máy chế biến sữa Mộc Châu có mô hình tương đương nhà máy thông minh, tự động hóa hoàn toàn tại Bình Dương, từng được Vinamilk triển khai cách đây 9 năm.

“Chúng tôi áp dụng công nghệ mới nhất cho nhà máy tại Mộc Châu vì đây là vùng đất có khí hậu phù hợp để phát triển bò sữa, mở rộng vùng nguyên liệu”, bà cho biết.

Mô hình đảm bảo định hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số - thế mạnh của Vinamilk. Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con các dân tộc, phát triển nông nghiệp bền vững và đóng góp ngân sách địa phương.

“Mục tiêu trước giờ của Vinamilk không đổi, phát triển ngành sữa địa phương kèm sinh kế nông dân. Những hộ chăn nuôi bò sữa Mộc Châu sẽ hợp tác cùng chúng tôi để cải tiến quy trình chăn nuôi, nâng tầm quy mô nhỏ đến lớn, đảm bảo phát triển bền vững”, bà Liên nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La - kỳ vọng “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Dự án không chỉ trở thành “kỳ quan Tây Bắc” mà còn hứa hẹn đóng góp vào mục tiêu xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Dự án “Tổ hợp thiên đường sữa” được xem là chương mới trong hành trình phát triển cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, đưa vùng đất này thành thủ phủ bò sữa công nghệ cao của Việt Nam, điểm nhấn về kinh tế - nông nghiệp và du lịch của khu vực Tây Bắc. Đặc biệt, với nguồn lực từ hai doanh nghiệp, dự án hứa hẹn trở thành bước tiến mới trong hành trình đưa ngành sữa Việt Nam vươn tầm quốc tế, theo hướng phát triển hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Giang Chi Anh - Yến Lệ

Bình luận

Bạn có thể quan tâm