Khi thời trang và nghệ thuật đương đại hợp nhất
Khi chính thức khai mạc triển lãm, Công Trí cũng như những người làm nên chương trình liên tục nhắc đi nhắc lại về nguồn năng lượng từ sự im lặng. Nhà thiết kế 41 tuổi cho biết anh tìm thấy bình yên, ý tưởng và thậm chí cả sức mạnh khi giữa bản thân chìm trong im lặng. Việc không ngừng nói về "im lặng" không hẳn là vô nghĩa, đặc biệt khi buổi triển lãm thời trang của Công Trí còn kết hợp với trình diễn nghệ thuật đương đại. Còn gì hợp và đích xác hơn việc hợp nhất thời trang với nghệ thuật đương đại, dùng không lời để diễn tả hàng trăm nghìn lời muốn nói hay dùng bất động để miêu tả chuyển động. Những người có mặt tại buổi khai mạc triển lãm dành cho Công Trí nhiều mỹ từ, những lời khen có cánh hay thậm chí gọi anh là thiên tài nghệ thuật. Đó không phải là những lời nói vuốt ve, làm quá. Bởi từ điện ảnh, múa đương đại, nghệ thuật thị giác, kiến trúc tới nghệ thuật sắp đặt không gian... tất cả đều thay chủ nhân buổi triển lãm biểu đạt ý nghĩa của tên "Cục im lặng" một cách tài tình. Bước vào 10 khối hộp phủ kín của Nguyễn Công Trí, người xem sẽ nhìn thấy hệ mặt trời với chuỗi các hành tinh xoay quanh tinh cầu rực lửa, dòng thời gian xoay chuyển vần vũ hay những vẻ đẹp vô hình trong mắt người đời và sự vươn lên không ngừng nghỉ của nhà thiết kế 41 tuổi trong suốt 20 năm làm nghề.
Sáng tạo thời trang từ những điều bình dị, đời thường nhất
Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế Việt hiếm hoi được cho là tiệm cận với cảnh giới thời trang cao cấp Haute Couture. Anh đưa sản phẩm của mình tới với những sàn diễn ở Anh, Pháp, Italy, Mỹ... và gửi gắm chúng cho cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama hay các ngôi sao hàng đầu thế giới như Beyoncé, Rihanna, Katy Perry, Naomi Campbelll... Nhưng ít ai biết rằng những thiết kế đẹp đẽ ấy lại xuất phát từ những điều bình dị nhất mà chúng ta có thể bắt gặp ở vỉa hè, khu chợ hay thói quen sử dụng công nghệ trong cuộc sống thường ngày của người Việt. Chẳng hạn, bộ sưu tập Em hoa từng gây chú ý vào năm 2017 được lấy ý tưởng những người lao động nghèo khổ chở theo sau lưng gánh hoa rực rỡ. Đó là bộ sưu tập Cãi lại được truyền cảm hứng từ cô gái có nhiều hình xăm nhưng chuộng mặc lên mình bộ áo dài. Hay bộ sưu tập Cảm là hình ảnh lãng mạn hóa của những sản phẩm mây tre đan, của nghề thủ công truyền thống dân tộc. Đáng nể bậc nhất có lẽ là Cắt lớp - bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hình ảnh giải phẫu cơ thể người. Có thể sẽ có người rùng mình trước chiếc áo mô phỏng em bé nằm trong bụng mẹ hoặc cảm thấy "gờn gợn" đứng trước bộ bodysuit thêu hình các bó cơ và mạch máu trong cơ thể. Nhưng, lý giải điều này, Nguyễn Công Trí nói: "Tôi thấy cơ thể con người là tác phẩm tuyệt đẹp, một mẫu thiết kế hoàn hảo của tạo hóa. Ở đó phập phòng sự sống và kỳ diệu như một khu vườn cổ tích".
Sự quan tâm của công chúng với một triển lãm quy mô quốc tế
MC Tùng Leo tiết lộ anh từng phải ra nước ngoài để xem những buổi triễn lãm nghệ thuật tương tự như Cục im lặng. Chưa khi nào nam MC nghĩ rằng mình có thể chứng kiến mô hình tầm cỡ quốc tế đó xuất hiện tại Việt Nam. Và Nguyễn Công Trí đã làm được. Trái với nhiều nghi ngại ban đầu về việc liệu bao nhiêu khán giả có thể hiểu và cảm nhận về những vẻ đẹp có phần trừu tượng quá đỗi, dòng người xếp hàng chờ vào xem những sáng tạo của Công Trí đã cho thấy nghệ thuật luôn có sức hút mãnh liệt, bằng một cách nào đó. Không khó để bắt gặp các ca sĩ, diễn viên, người đẹp góp mặt trong hàng người chờ xem triển lãm. Có thể thấy những chân dài tên tuổi như Hương Ly, Thùy Trang... hay thậm chí cả Hoa hậu Hoàn vũ 2007 Riyo Mori bước đi trên sàn diễn với tư cách người mẫu. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là hình ảnh hàng nghìn người mặc trang phục đẹp đẽ, chỉn chu và kiên nhẫn xếp hàng 10-15 phút để bước chân vào các khối hộp lặng thinh chứa đựng 20 năm đeo đuổi thời trang của Công Trí. Đó là khi chúng ta nhận ra sáng tạo nghệ thuật không có bất kỳ ranh giới nào và tình yêu với cái đẹp thì ai cũng có.