Bỗng một sáng mùa đông, anh phục vụ ở quán cà phê kế bên Nhà hát thành phố - Stockholm Konserhus (ở Stockholm, Thụy Điển) hỏi tôi rằng “bạn là người Trung Quốc à” ngay sau đơn đặt hàng. Tới chiều hôm đó, trong lúc tôi đón bọn trẻ ở trường tại Hammarby Sjöstad, các phụ huynh bất ngờ dồn dập hỏi “nhà bạn đến từ Trung Quốc phải không”…
Người Thụy Điển vốn thanh lịch trong lời nói, họ ít hỏi chuyện riêng tư hoặc nói những lời khiến bạn có cảm giác bị phân biệt. Thế nhưng, giữa lúc dịch bệnh virus corona, còn được biết tới với cái tên nCoV-2019, lan rộng, bạn có thể bắt gặp những ánh mắt tò mò liếc qua trên tàu điện thay vì vẻ thờ ơ như thường lệ.
"Tôi không phải virus"
Trong một ngày, cô gái từng học rồi làm việc tại Thụy Điển nhiều năm, gắn bó với đất nước này như quê hương thứ hai, bỗng dưng ít nhiều cảm thấy xa lạ với những ánh mắt nghi ngại "có phải người Trung Quốc không", tôi đã đăng đôi dòng lên mạng xã hội kèm hashtag "#Jenesuispasunvirus" (Tôi không phải virus). Lập tức, nhiều người bạn cùng cảnh ngộ cũng chia sẻ tâm tư của tôi, thậm chí có người kể rằng chỉ cần ho thôi là bị nhìn một cách kỳ thị ngay.
Một anh bạn của tôi làm việc cho tập đoàn IT lớn của Thụy Điển có nhiều lao động nước ngoài, kể rằng công ty có bạn vừa về Trung Quốc nghỉ lễ năm mới và chuẩn bị quay lại, các đồng nghiệp dù biết không phải anh ấy về Vũ Hán nhưng cũng hy vọng anh ấy sẽ làm ở nhà thay vì đến văn phòng. Điều này có thể không mấy xa lạ ở các quốc gia châu Âu khác, thậm chí là cả làn sóng tẩy chay người châu Á như ở Pháp, nhưng với tôi đó thực sự là một chút cảm giác lạ lùng.
Bệnh viện ở Jönköping, nơi xác nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên tại Thụy Điển. Ảnh: AFP. |
"Mình đeo khẩu trang sợ người ta nghĩ mình bị bệnh"
Khi cơn sốt khẩu trang và nước rửa tay khô đang rầm rộ nơi quê nhà, tôi cũng tạt vào hiệu thuốc tìm mua thì không tìm được chiếc khẩu trang nào. Tôi cũng chẳng chút ngạc nhiên vì từ ngày đặt chân đến đây vài năm rồi tôi chưa từng thấy ai đeo khẩu trang ngoài đường trừ các khách du lịch từ nơi khác tới. Nhưng nỗi lo của bạn bè, gia đình ở Việt Nam từng giờ từng phút được cập nhật trên mạng xã hội khiến tôi "đứng ngồi không yên". Tôi tiếp tục tìm kiếm trên các trang bán hàng điện tử và tất cả đều đã bán hết. Tôi bắt đầu nhận ra người dân ở đây, họ không bình thản như vẻ bề ngoài.
Và tất cả có lẽ bởi dịch nCoV-2019 đã khiến mọi người đều lo lắng.
Cuối cùng, một cô bạn của tôi, cũng ở Stockholm, may mắn mua được vài hộp khẩu trang, hứa sẽ chia sẻ cho gia đình tôi một hộp (gồm 10 cái) để trước hết là... giải tỏa tâm lý. Bởi theo lời cô, cô "cũng chưa dám đeo vì chưa thấy ai đeo, mình đeo khẩu trang sợ người ta nghĩ mình bị bệnh".
Sau hơn một tuần công bố đại dịch từ Trung Quốc, Thụy Điển cũng công bố trường hợp đầu tiên nhiễm cúm nCoV-2019 ngày 31/1. Một phụ nữ vừa trở về từ Vũ Hán với những triệu chứng ho sốt, tự điều trị tại nhà và đã chủ động liên hệ với trung tâm y tế địa phương khi các dấu hiệu bệnh không đỡ. Bệnh nhân được cách ly ngay lập tức.
Cơ quan y tế cộng đồng Thụy Điển, Bệnh viên trung ương Karolinska đều cho rằng không có khả năng lây lan cúm nCoV-2019 trên diện rộng tại Thụy Điển. Những khuyến cáo được truyền đi một cách ngắn gọn và rõ ràng: một là hãy rửa tay sạch sẽ thường xuyên; hai là hãy dùng khuỷu tay/ cánh tay che miệng khi ho hay hắt xì.
Các khuyến cáo trên đều quá đỗi bình thường đối với người dân ở Thụy Điển, không có gì khác biệt trong đại dịch cúm nCoV-2019 này. Bởi mùa đông thường là mùa cúm ở Thụy Điển, thói quen rửa tay sạch sẽ đã diễn ra thường xuyên nếu không nói là rất nhiều lần ở đây. Từ trẻ nhỏ ở trường đến dân công sở đều nghỉ ở nhà khi bị cúm thường hoặc nghi bị cúm bởi đến nơi công cộng là ảnh hưởng đến người khác, một người vì mọi người là có thật. Hai đứa nhỏ lên 2 lên 3 nhà tôi cũng quen với việc hắt xì hay ho được che chắn bằng khuỷu tay/ cánh tay để không làm lây lan chứ không dùng bàn tay che miệng vì cách này có thể truyền bệnh khi tay tiếp xúc với các vật dụng khác.
Người dân Thụy Điển dành nhiều thời gian cho gia đình, rèn luyện sức khỏe và sống gần gũi với thiên nhiên. Họ chạy bộ ngoài trời giữa mùa đông lạnh giá, vừa chợt ấm lên là các làn xe đạp đã có những đoàn người nối nhau đi đến công sở và về nhà sáng tối, các phòng tập, hồ bơi, sân bóng trong nhà cũng luôn đông đúc cuối tuần. Tôi thầm nhủ không phải tự nhiên mà người ta khỏe. Nếu bạn bị cảm cúm thông thường hãy uống nhiều nước ấm và hạ sốt đúng cách là hướng dẫn thường xuyên từ các cơ sở y tế, không có chuyện dùng thuốc tự kê tự chữa hay sử dụng kháng sinh theo ý thích.
Thói quen sạch sẽ, ý thức cộng đồng và lối sống văn minh đã khiến cơn đại dịch của thế giới chỉ là chút lo lắng nhỏ đối với cuộc sống thường ngày của người Thụy Điển.