Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái từ bỏ ngành Y để theo đuổi đam mê viết lách

Tốt nghiệp ngành Y nhưng chị Thảo Nguyên lại chọn theo đuổi con đường viết lách khiến nhiều người xung quanh ngạc nhiên.

Chị Lê Bùi Thị Thảo Nguyên sinh năm 1991 tại Lâm Đồng, từng tốt nghiệp Cử nhân Gây mê Hồi sức - ĐH Y Dược TP.HCM. Những tưởng công việc ổn định ở bệnh viện sẽ níu chân chị nhưng không, chị đã quyết tâm rời bỏ để đi tìm niềm đam mê của mình. Câu chuyện truyền cảm hứng đó được ghi lại trong cuốn sách du ký đầu tay: Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được.

Nỗi ám ảnh về chiếc khuôn

Với chị Thảo Nguyên, mỗi người đều có một cái khuôn từ khi còn là đứa trẻ. “Nhiều khi mình không ý thức được nó đâu, nhưng nó vẫn hiện hữu xung quanh. Đó có thể là những suy nghĩ, quy chuẩn của xã hội đã đặt ra từ rất lâu rồi: Đứa trẻ ngoan là phải nghe lời ba mẹ, không được phản biện lại lời của thầy cô. Người phụ nữ tốt thì phải công, dung, ngôn, hạnh. Người thành đạt phải có công việc ổn định, đến tuổi thì phải lập gia đình...”, chị chia sẻ.

Và đôi khi, những kỳ vọng của mọi người lại ách tắc trong suy nghĩ, khiến bản thân chỉ chăm chăm làm theo ý muốn người khác chứ không dám sống cho mình.

Chị Thảo Nguyên cũng đã sống như thế, luẩn quẩn trong chiếc khuôn từ hồi còn nhỏ cho đến khi tốt nghiệp và đi làm. Tuy đang cảm thấy vui với việc dạy kèm, chị vẫn phải đi nộp hồ sơ vào các bệnh viện để tìm một công việc ổn định như ba mẹ mong muốn.

Trong ngày phỏng vấn ở Bệnh viện Đại học Y dược, chị nói rõ với bác trưởng khoa: “Hôm nay, em ngồi đây chỉ vì ba mẹ quá lo lắng cho em mà thôi!” và cầu mong mình sẽ không được nhận.

Nếu nghe qua, mọi người hẳn sẽ nghĩ chị có thái độ ngạo mạn, nhưng thực chất không phải vậy. Quá trình thực tập ở các bệnh viện đã cho chị nhiều trải nghiệm, vui có, buồn có nhưng nhiều hơn hết là những điều “trần tục” không bao giờ xuất hiện trên phim, mỗi khi nghĩ đến thôi là cũng đủ khiến chị ngộp thở rồi.

[…]

Tu bo nganh Y anh 1

Câu chuyện của Thảo Nguyên được kể lại trong cuốn Tôi cần một cái khuôn khác - Méo mó cũng được. Ảnh: Sách86.

Xách ba lô lên, đi tìm một cái khuôn khác

Không phải đợi đến khi nghỉ việc, chị Thảo Nguyên mới xách ba lô lên đi phượt khắp Việt Nam mà chị đã đi từ khi còn là sinh viên. Với nhiều người khác, việc đi du lịch trong nước chẳng có gì đáng để khoe, hay thậm chí là ra sách nhưng trong trường hợp của chị thì khác.

Chị không đi theo lịch trình tour bán sẵn ở các công ty du lịch, không ghi âm những lời của thuyết minh viên tại điểm để rồi “nhai” lại trên trang giấy... mà chị đi để được cọ xát với cuộc sống.

Vì thế những bài viết về chuyến đi xuyên Việt của chị trên trang Facebook cá nhân đều mang đậm hơi thở cuộc sống, chứa đựng những triết lý nhân sinh tự mình rút ra sau mỗi lần va vấp.

Trong chuyến đi miền Tây đầu tiên, về vùng An Giang, chị đã cười đến chảy nước mắt khi được nhìn thấy từng đàn vịt chạy khắp các cánh đồng vừa gặt, lòng lâng lâng trước cảnh cả biển sương đang lãng đãng giăng trên cánh đồng lúa vàng ruộm”.

Dù có rất nhiều cảnh đẹp ở Hà Giang, chị không đi vì Mã Pì Lèng, vì Nho Quế hay vì hoa tam giác mạch như mọi người, mà “hết lần này đến lần khác, trở về Hà Giang chỉ để tìm chính bản thân mình, đã lỡ đánh rơi đâu đó trên những con đèo lởm chởm đá đen”.

Mạnh mẽ rẽ hướng, theo đuổi đam mê

“Mình không bao giờ kỳ vọng quá nhiều vào việc đi một, hai chuyến du lịch rồi nhận ra chân lý chói lòa, kiểu có thể hiểu hết bản thân mình đâu. Chỉ đơn giản là mình đi để xả stress, cân bằng lại cuộc sống sau những sự đổ vỡ không mong muốn. Và khi có thời gian bình tâm lại, bước ra khỏi cuộc đời mình và nhìn lại mình, ngẫm lại chuyện đã qua thì mới biết được bản thân có điều còn thiếu sót, cần bổ sung là gì và đâu là con đường mình nên theo đuổi”, chị Thảo Nguyên chia sẻ.

Chị nhận ra khi được nói lên suy nghĩ của mình thì tâm hồn mới được xoa dịu. Việc viết bài cũng giúp chị kết nối với mọi người xung quanh, tìm được sự đồng điệu và chữa lành những tâm hồn u sầu thì còn gì tuyệt hơn.

Nên mặc cho mọi người ngăn cản, lá đơn xin nghỉ việc phải... chật vật mới được duyệt, chị Thảo Nguyên vẫn quyết tâm rời bỏ môi trường bệnh viện: “Nếu lúc đó mình lung lay ý chí, ở lại bệnh viện làm thì mọi người sẽ rất vui nhưng còn bản thân mình thì không”.

Nam Kha/ Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY