Cô gái với dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo dài cách tân từ quân phục hải quân nổi bật trên cầu cảng Vùng 4 Hải quân. Cô vội vã trao cho các anh lính những bức thư tay kèm lời dặn: "Trao tận tay các anh ấy giúp em nhé. Chúc các anh đón Tết thật hạnh phúc nhé!".
Đều đặn 7 năm qua, Nguyễn Thị Kim Diên (quê Ninh Thuận) đã tự tay mình viết hàng trăm lá thư, gấp hàng nghìn con hạc giấy cho những người lính Trường Sa đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tình yêu lính biển
“Năm 2014, sau sự kiện tàu Hải Dương 981, em thấy thương các anh lính ở ngoài đảo quá. Em muốn liên lạc với các anh để động viên, hỏi thăm sức khỏe nhưng không biết làm cách nào. Thế là em viết thư rồi nhờ người gửi ra Trường Sa”, Diên kể.
Lúc đó, Diên đang là học sinh cấp 3 trường THPT Ninh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Nguyễn Thị Kim Diên được nhiều thế hệ lính Trường Sa ngưỡng mộ vì tình yêu em dành biển đảo quê hương. Ảnh: Nguyễn Đình Quân. |
Những lá thư đầu tiên Diên phải nhờ bố mẹ gửi giúp. “Bố mẹ em cũng khá bất ngờ khi em đề cập việc gửi thư giúp ra Trường Sa. Lúc đầu, bố mẹ cũng không biết phải gửi vào đâu để thư ra ngoài đảo được với các anh. Sau ra bưu điện thì được họ hướng dẫn cách gửi, lúc đó em thật sự sung sướng”, Diên nhớ lại cảm giác lần đầu tiên gửi được thư cho lính Trường Sa.
Cứ dịp giữa và cuối năm, cô bé Diên đều đặn cầm 33 lá thư và 33 hũ hạc giấy gửi đến cán bộ chiến sĩ của 21 đảo và 33 điểm đóng quân trên đảo Trường Sa. Diên được các các bộ ở Vùng 4 Hải quân đặt cho biệt danh "Cô gái Trường Sa".
Ngày qua ngày, những cánh thư đi, về giữa đất liền và Trường Sa đã hun đúc cho em tình yêu đặc biệt với người lính. Năm nay không có các chuyến thăm giữa năm nên dịp cuối năm, thư Diên viết cũng nhiều hơn.
“Em không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá thư và gấp bao nhiêu hạc giấy cả. Em chỉ nhớ mỗi lần đặt bút viết thì tình cảm em đều dành hết cho các anh đang làm nhiệm vụ canh giữ lãnh thổ thiêng liêng của đất nước để hàng ngày, bọn em được sống trong hòa bình, hạnh phúc”, Diên tâm sự.
Ước mơ đón năm mới cùng người lính Trường Sa
5 năm qua, năm nào Diên cũng đến cầu cảng để gửi những lá thư ra đảo và để được vẫy tay tiễn chào các chiến sĩ vượt trùng khơi đến nơi biên đảo. Năm nay vì công việc, trên cầu tàu của Vùng 4 đã thiếu vắng cô gái mặc chiếc áo dài cách điệu từ quân phục hải quân.
Những bức thư được Diên trau chuốt từng chữ và trang trí đẹp để gửi cho lính Trường Sa. Ảnh: Kim Diên. |
“Chẳng hiểu tại sao mấy hôm nay cảm giác thật buồn và cô đơn đến vậy. Nhìn mọi người tất bật chuẩn bị những phần quà mang mùa xuân ra đảo mà lòng cảm thấy nôn nao vô cùng.
Lại nhớ những lần hẹn hò nhau giữa những người trên mọi miền Tổ quốc, những lần cùng nhau chuyển yêu thương và cả những lần cùng nhau cất tiếng hát thân thương trên cầu cảng. Nhớ cái nắng gay gắt, nhớ nụ cười tỏa nắng, nhớ màu áo trắng của các anh... Có những nỗi nhớ chẳng nói hết bằng lời”, Diên trải lòng trên Facebook của mình.
Trái tim của biển. Đó là điều mà Diên thường tự nhận khi kể về tình yêu mãnh liệt dành cho Trường Sa. “Mỗi hơi thở, mỗi giấc mơ của em có vị mặn mòi của biển cả. Mỗi bước đường em đi qua đều mang theo tình yêu biển đảo. Trường Sa, người lính hải quân đã trở thành tình yêu quá đỗi thiêng liêng”, Diên giãi bày.
Những lá thư của lính đảo Trường Sa gửi cho Diên sau khi nhận thư của em. Ảnh: An Bình. |
Vì yêu biển, yêu lính đảo ngay khi học hết cấp 3, cô bé Kim Diên đã chọn học đại học tại Nha Trang để có điều kiện gần Trường Sa hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, “Cô gái Trường Sa” vẫn muốn ở lại Nha Trang bởi nơi ấy có quá nhiều kỷ niệm của em với người lính biển Trường Sa.
“Cuộc đời em có nhiều may mắn, một trong những may mắn là được ra Trường Sa để tận tay trao từng lá thư, hũ chim hạc cho các anh lính. Ai ra Trường Sa mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn của người lính biển", Diên tâm sự.
Với Kim Diên, cuộc đời ai cũng chỉ sống được một lần thì hãy sống sao cho có ích, có trách nhiệm. Diên tự hào khi trái tim mình luôn dành cho biển đảo quê hương và người lính hàng ngày vững tay súng để hàng triệu người dân Việt Nam sống trong hòa bình, hạnh phúc.
"Những ngày Tết, em ước được cùng các anh ngồi bên bếp lửa hồng nấu những nồi bánh chưng giữa bao la sóng vỗ và cùng các anh hát vang bài hát chúc mừng năm mới. Để em cảm nhận nỗi vất vả, khó khăn và niềm vui bắt đầu một năm mới của các anh ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Thôi, em xin dừng bút để ra cầu cảng kịp gửi thư cho các anh trong chuyến tàu cuối năm", Kim Diên viết.