Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái sống sót duy nhất khi máy bay rơi vỡ nát đã được cứu thế nào?

Sau 8 ngày vật lộn với đau đớn, đói khát, sợ hãi, cuối cùng Annette Herfkens đã được đội cứu hộ tại Việt Nam đưa ra khỏi rừng an toàn.

Tác giả Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Cuối cùng, chỉ một mình Annette sống sót.

Được sự đồng ý của nhà phát hành First News và dịch giả An Điền, Zing.vn trích đăng sách 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh.

Ngày thứ bảy - Người đàn ông mặc đồ da cam

Nhiều ngày đã trôi qua. Tôi không nghĩ là mình mất dấu. Việc cần làm là chỉ đếm bao nhiêu đêm rồi thôi. Đây là ngày thứ sáu hay thứ bảy rồi nhỉ?

Đầu tôi nhẹ bẫng. Cây cối xung quanh như tỏa sáng. Tôi không còn thấy đau nữa. Tôi vừa như thoát ra khỏi cơ thể mình vừa như rất gần với nó. Như là đã đi khỏi đây, nhưng vẫn hiện hữu nơi này. Khi mở mắt, tôi thấy cây cối lấp lánh trong ánh mặt trời. Khi nhắm mắt lại, hiện lên trong tôi là những tia sáng màu vàng cứ đan xen hòa hợp lẫn nhau.

Có một quả bóng sặc sỡ to lớn, cứ như cảnh mặt trời lặn vào buổi chiều muộn. Quả bóng này thật lạ, có tối lẫn sáng, và có hết thảy các màu. Một hỗn hợp đa dạng các màu. Nhưng tôi lại có thể phân biệt từng màu một.

Tối hòa lẫn với sáng, ngày với đêm, mọi thứ với hư không. Tôi cảm thấy được che chở, bảo vệ hết mức có thể. Tôi đã buông bỏ, phó mặc bản thân mình tuyệt đối. Cho cây, cho lá, cho dế, cho kiến, và cả rết. Cho cuộc sống này. Hay là tôi đã phó mặc bản thân mình cho cái chết?

Co gai song sot duy nhat khi may bay roi anh 1
Nữ tác giả trở về cuộc sống bình thường sau 8 ngày ác mộng trong rừng sâu ở Việt Nam.

Tạp âm của khu rừng giờ đã hóa thành bản giao hưởng. Của sự lặng thinh. Tôi thuộc về đó, không quá khứ cũng không tương lai. Tôi là tôi, của thời khắc hiện tại. Một khoảnh khắc vô tận của tự do mê ly. Một khoảnh khắc mang lại cho tôi bình an, tính đồng nhất và nỗi hân hoan; một khoảnh khắc thuộc về cái gì đó lớn hơn cuộc sống của chính bản thân mình rất nhiều.

Tôi chính là hiện tại. Tôi thuộc về cuộc đời này. Thuộc về vũ trụ. Thuộc về Chúa. Tôi cảm nhận được mình gắn kết với vạn vật, theo một cách đồng nhất, mầu nhiệm, và tươi đẹp. Không phân cách, không biên giới, không chia lìa – chỉ như thể sinh ra là để gắn kết với nhau. Tôi đang hiểu được bí mật. Tôi cũng chính là bí mật.

Nhưng chính vào lúc đó, bất thình lình tôi nghe tiếng gỗ rừng răng rắc. Bằng tầm mắt thường của mình, rõ ràng là tôi thấy cái gì di chuyển. Tôi quay đầu nhè nhẹ và cố tập trung đôi mắt. Là một người đàn ông. Một người đàn ông? Tôi chết rồi sao? Không, người đàn ông này là thật! Ông ta đang ở ngay đây mà! Tôi cố gắng tập trung lần nữa để nhìn cho kỹ hơn. Rõ ràng là một người đàn ông.

Ở bên kia khe núi. Tôi còn nhìn rõ mặt ông ta – đang đội mũ trùm đầu. Cái mũ màu cam. Người đàn ông này mặc bộ đồ cũng màu cam. Ông ta đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi cố gắng “xốc” lại tâm trí đang bồng bềnh của mình bằng mọi cách có thể, cố gắng trở lại nhận thức thực tế và duy lý. Tôi cố tìm lại giọng mình. Rồi tiếng nói phát ra, nhỏ và khào khào:

- Xin chào, làm ơn giúp tôi được không?

Tôi cố lại lần nữa. Giọng có khỏe hơn lần trước. Tôi tin và mong như vậy.

- XIN CHÀO! Làm ơn giúp tôi được không?

Người đàn ông đó vẫn không hề nhúc nhích. Chỉ đứng đó, và tiếp tục nhìn tôi chằm chằm. Tôi la to hơn:

- Ông ơi! Giúp tôi! GIÚP TÔI!

Tôi gào càng lúc càng to hơn, nhưng ông ta vẫn cứ bất động.

Ông không thấy là tôi cần giúp đỡ hay sao? - Tôi bắt đầu nổi điên. - Làm cái gì đi chứ, ông bị sao vậy?

Tôi vùng thoát ra ngay cái thế giới ảo diệu mình đang cảm nhận và trở lại mặt đất. Trở lại hoàn toàn ngay mặt đất, theo đúng nghĩa đen của nó. Rõ ràng là vậy, vì tôi cảm nhận rất rõ mặt đất mình đang ngồi, và cả những nhánh cây con đau nhói. Tôi phải ra khỏi đây. Và người đàn ông đó có thể giúp tôi. Ông ta nên giúp tôi chứ.

Tôi kêu gào, lại tiếp tục kêu gào. Và cả chửi rủa bằng tất cả các thứ tiếng mà tôi biết. Nhưng hỡi ôi, ông ta tuyệt nhiên không hề động đậy, dù là nhúc nhích cơ bắp. Ông chỉ đứng đó, lại nhìn tôi chằm chằm, thậm chí không hề chớp mắt. Trong nhiều giờ liền.

Ông ta là ai? Ông ấy muốn gì? Muốn nhìn tôi chết à?

Và sau đó, ông ta biến mất. Biến mất như bóng ma, như cái cách lúc xuất hiện. Người đàn ông đó có phải là bóng ma thật không? Hay do tôi tự tưởng tượng ra? Nhưng nếu vậy thì tại sao tôi phải tưởng tượng như vậy? Tôi đang có một cõi của riêng mình và hoàn toàn chú tâm vào thế giới đó trước khi ông ta xuất hiện kia mà. Tôi còn quá hạnh phúc trong thế giới đó nữa là đằng khác.

Bây giờ đây, tôi lại trôi dần về một thế giới khác. Giờ đây, tôi lại cảm nhận rất rõ những cơn đau. Tất cả những bực dọc, bất an. Trời ơi, thật là khó ở làm sao! Tôi cố tập trung vào khu rừng, một lần nữa. Khi trời sập tối, tôi buộc mình đi ngủ. Cố gắng xóa bỏ hình ảnh người đàn ông khi nãy ra khỏi đầu. Có thể đó chỉ là ảo giác mà thôi.

Ngày thứ tám - Chập chờn thực hư

Tôi thức giấc vì những tia nắng mặt trời nóng rẫy trên mặt. Ngày thứ bảy hay thứ tám rồi nhỉ? Có thể là tôi không nhớ mình đếm đến đâu nữa. Thứ Bảy rồi à? Tôi nhớ đến người đàn ông mặc đồ cam kia. Ông ta đâu rồi? Tôi nhìn sang bên phải. Đây rồi, ông ấy lại ở đó! Đứng cách tôi khoảng chừng 15 mét, với cây rừng ken dày xung quanh. Hay là ông ta đang ngồi chồm hổm ở đó nhỉ?

Tôi quyết định sẽ “điều nghiên” ông này thật kỹ, thay vì thét vào khoảng không như một tên ngốc lần trước. Tôi nhìn kỹ gương mặt ông. Một khuôn mặt đẹp. Khuôn mặt rất đẹp, rất người. Và là người Ấn Độ, tôi tin như vậy. Da ngăm đen, mắt nâu, tóc thẳng và đen. Lại nhìn tôi chằm chằm, vô hồn. Ông này lại mặc bộ đồ toàn một màu cam. Cam sáng.

Cái màu cam của những vật dụng bằng nhựa hình nón người ta vẫn hay đặt ở các công trình xây dựng trên đường để cảnh báo xe cộ. Cái mũ của ông ta có chóp nhọn. Giống như con gấu Paddington. Con gấu Paddington màu cam. Pasje mua cho tôi một con như vậy ở Luân Đôn. Cách đây năm năm rồi... Pasje nữa hả?

Co gai song sot duy nhat khi may bay roi anh 2
Tác giả sách và con gái về thăm Việt Nam.

Bây giờ từng phần tâm trí của tôi cứ lúy túy ngả nghiêng. Tôi kết luận, một lần nữa, là chắc chắn mình đã bị ảo giác, tự tạo dựng một người bạn chỉ có trong trí tưởng tượng. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ, tôi vẫn gào thét với ông ta. “Xin chào!”. Ít ra thì việc gào thét và tập trung vào người đàn ông này cũng có tác dụng tốt cho tôi, cho dù tôi có thực sự bị ảo giác hay không. Người đàn ông này đưa tôi vào thế giới thật, giải thoát tôi khỏi cái cõi mộng mị của mình.

Tôi nghĩ là ít nhất cũng đã vài giờ trôi qua vào lúc mình nhận ra người đàn ông bí ẩn đó lại biến mất, y như ngày hôm trước. Đi thật rồi. Biến vào thinh không. À không, vào lớp không khí dày đặc chứ. Tôi lại trở về trạng thái tinh thần tĩnh lặng của riêng mình. Cõi ảo diệu tuyệt vời. Hãy cứ ở đó đã.

Dường như có một chiếc khăn trùm bằng vàng đang phủ lấy tâm trí tôi. Tôi thấy mình như ngộp trong một thứ năng lượng ấm áp. Từng tế bào cứ như được ôm ấp lấy bởi dòng năng lượng kia, nhưng từng tế bào lại cũng như không có một lằn ranh nào.

Tôi nhận thức rõ từng tế bào cũng như sự vô tận của chúng. Đôi mắt tôi cứ như đang di chuyển đằng sau bộ óc của mình. Và cũng sẽ thật thiếu sót nếu lúc này chỉ nghĩ đến tầm quan trọng của khối óc như một thực thể riêng lẻ. Tất cả đều như được kết nối với nhau, và được hòa vào quả bóng năng lượng rực rỡ khổng lồ. Và tình yêu. Một tình yêu lớn lao, không nhọc thân tìm kiếm, và cũng không cảm nhận được bằng bất cứ vật thể hữu hình nào.

Được tìm thấy

Chiều muộn, một nhóm đàn ông người Việt bất thình lình xuất hiện từ bụi rậm, mang theo những túi đen cỡ lớn. Tôi không thể tin vào mắt mình. Nhóm người này di chuyển rất có chủ đích. Một thanh niên chừng hai mươi tuổi tiến về phía tôi, tay cầm một mảnh giấy. Anh chồm người tới và cho tôi xem trong mảnh giấy viết gì. Đó là danh sách hành khách. Anh ta ra dấu, có vẻ như muốn tôi chỉ tên mình. Tôi làm theo và chỉ vào“Annette Henriet”. Anh mỉm cười, và thưởng cho tôi một ngụm nước, đựng trong cái chai nhựa xanh nhạt, hình vuông. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hương vị của ngụm nước ít ỏi đó. Rượu sâm banh lúc này cũng không thể so sánh. Chai nước đó mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi – mãi mãi.

Thêm nhiều người đàn ông khác tiến tới. Họ cho tôi vào tấm vải bạt, sau đó buộc hai đầu bằng hai cây gậy to. Hai người khiêng tôi lên vai, mỗi người một đầu. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra. Nhóm người này bắt đầu di chuyển; và tôi treo tòn ten ở giữa. Chúng tôi đi qua xác cô gái trẻ. Đi qua ông “Numachi”. Thi thể của cả hai người này đang phân hủy và được cho vào bao tải đen. Kéo khóa lại.

Bất thình lình tôi thảng thốt. Vậy Pasje thì sao? Người đàn ông của tôi thì sao? Tôi không muốn bỏ anh lại. Kể từ khi tai nạn xảy ra, đây là lần đầu tiên tôi thật sự hoảng sợ. Họ đang mang tôi đi. Khỏi Pasje của tôi. Khỏi dãy núi của tôi. Khỏi cái nơi mà tôi được bảo bọc! Tôi xin thêm nước, họ cho tôi một ngụm nhỏ. Ngụm nước đó có tác dụng như thuốc an thần.

Chúng tôi di chuyển trong rừng. Tôi nhìn thấy từng chiếc lá thật gần; ánh trời chiều làm bừng sáng từng giọt mưa. Tôi thư giãn, trong khi vẫn bị móc tòn ten trên vai của nhóm người cứu hộ. Họ đi rất khẽ khi lên xuống từng ngọn đồi nhỏ. Tính hài hước của tôi trở lại, tự hỏi: Đâu phải ai cũng có đặc quyền được công kênh như thế này? Chúng tôi gặp một khe nứt sâu và phải băng qua đó.

Nhóm người này xếp hàng và chuyền tôi qua từng người một. Họ cực kỳ cố gắng không làm tôi đau, nhưng thực tình tôi không thể không thét lên sau mỗi lần được “chuyển giao” như vậy. Sau đó, cả nhóm từng người một tháo giày ra. Bây giờ họ khiêng tôi còn khẽ khàng hơn trước. Tôi mỉm cười nhìn cả nhóm đầy biết ơn.

Trời bắt đầu chạng vạng. Cả nhóm ngừng lại. Cắm trại nghỉ ngơi sao? Họ nhóm lửa, đặt tôi gần đó, và treo tấm vải bạt giữa hai cây gậy, như một con heo quay. Tôi xin thêm nước nhưng lần này họ lắc đầu. Tôi xin thêm, lần này xen cả phẫn nộ, như một con nghiện: “Làm ơn cho tôi thêm nước đi!”. Cùng lúc đó, bọn họ luộc cái gì đó trên lửa. Họ nấu cơm.

Một lúc sau, họ cho tôi uống nước cơm nóng. Cuối cùng thì cũng được uống! Cũng được. Có còn hơn không rất nhiều. Nhưng tôi vẫn thèm đến phát điên những ngụm nước lạnh trong vắt lúc mới được cứu!

Tôi thức ngủ chập chờn. Nhóm cứu hộ, bây giờ tôi đếm rõ là có sáu người, đang ngồi tán chuyện quanh ngọn lửa. Rổn rảng bằng tiếng Việt. Trò chuyện rất to. Một số đốt thuốc. Bất cứ khi nào có người xuất hiện gần tôi, tôi liền ra dấu xin thêm nước. Thỉnh thoảng họ cho tôi mấy ngụm nhỏ nước cơm. Nhưng khi tôi ra dấu xin hút thuốc với hai ngón tay đặt trên môi, họ phá ra cười. Cứ như thể tôi hết chuyện đùa. Nhưng tôi có đùa đâu.

Tôi mỉm cười và nhún vai. Nhưng tôi biết họ có lý của họ. Tôi thích nhóm này. Sau đó, cả nhóm đi vòng quanh và dạt vào trong lều. Tôi hoảng sợ, van nài họ: “Làm ơn thắp sáng lên một chút”. Nghĩ cũng lạ: cả khoảng thời gian tám ngày trong rừng một mình không biết sợ là gì, bây giờ bất thình lình tôi lại biết sợ, cái gì cũng thảng thốt. Họ cột cái đèn xách tay lên một cây gậy khác và cho thêm củi vào lửa. Sau đó cả nhóm rút vào lều. Tôi ngủ bên ngoài, treo tòn ten, như một con heo quay.



Trích sách của Annette Herfkens

Bạn có thể quan tâm