Một phụ nữ trẻ người Saudi Arabia đã rời bỏ gia đình trong kỳ nghỉ ở Kuwait tuần trước và lên máy bay tới Thái Lan để tìm kiếm tự do cho bản thân. Rahaf Mohammed Alqunun, 18 tuổi, nói rằng cô bị gia đình ngược đãi và hy vọng có thể xin tị nạn ở Australia.
Tuy nhiên, khi cô đáp máy bay xuống Bangkok, một người đàn ông đã đợi sẵn với tấm bảng viết tên cô. Người này nói có thể giúp cô xin thị thực Thái Lan và biến mất cùng hộ chiếu của cô.
Alqunun cho biết người đàn ông này đã quay lại cùng một số người khác mà cô cho là nhân viên an ninh Thái Lan và đại diện của Kuwait Airlines. Họ nói rằng gia đình cô đã trình báo về việc cô mất tích và yêu cầu cô trở về Kuwait trong chuyến bay vào sáng 7/1.
"Họ sẽ giết tôi"
Alqunun nói rằng cô lo sợ mạng sống của mình bị đe dọa nếu bị buộc phải quay về với gia đình. "Họ sẽ giết tôi. Tôi đang bị giam giữ. Tôi thậm chí còn không thể rời khỏi khách sạn", cô nói qua điện thoại với New York Times vào tối 6/1 từ một khách sạn ở sân bay Bangkok Su Suarnarnhhumi, nơi cô bị giữ lại qua đêm.
Rahaf Mohammed Alqunun trong bức ảnh đăng trên mạng xã hội. Ảnh: Twitter. |
Những nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi chính phủ Thái Lan cho phép Alqunun tiếp tục hành trình tới Australia hoặc xin tị nạn ở Thái Lan. Họ kêu gọi Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc giúp đỡ cô.
"Những phụ nữ Saudi Arabia chạy trốn khỏi gia đình có thể phải đối mặt với bạo lực nghiêm trọng từ người thân, bị tước quyền tự do và những tổn hại nghiêm trọng khác nếu trở lại trái với ý muốn của họ. Chính quyền Thái Lan nên ngăn chặn ngay lập tức bất kỳ vụ trục xuất nào", ông Michael Page, phó giám đốc khu vực Trung Đông của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.
Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết Thái Lan nhiều lần gửi người tị nạn trở lại nước họ.
Vào tháng 11, chính quyền Thái Lan đã bắt giữ cựu cầu thủ bóng đá Bahrain Hakeem al-Araibi, người đã được cấp phép tị nạn ở Australia sau khi lên tiếng chống lại một quan chức bóng đá quyền cao chức trọng của Bahrain.
Araibi đến Thái Lan để hưởng tuần trăng mật nhưng bị chặn lại ở sân bay tại Bangkok sau khi Bahrain tìm cách bắt giữ Araibi thông qua Interpol. Araibi vẫn bị giam giữ và đang chờ quyết định dẫn độ của Bahrain.
Trong cuộc phỏng vấn, Alqunun cho biết cô bị người thân đối xử tàn tệ trong gia đình ở thành phố Hail, phía bắc Saudi Arabia. Cô nói rằng cô từng bị nhốt trong phòng 6 tháng vì cắt kiểu tóc mà gia đình không chấp nhận. Cô cho biết cô nhiều lần bị người thân đánh đập, chủ yếu là anh trai cô.
Đối với Alqunun, cuộc sống ở Saudi Arabia chẳng khác gì "tù ngục". Năm 16 tuổi, cô đã tìm cách tự sát. Khi gia đình không còn quản thúc, cô bắt đầu lên kế hoạch trốn thoát.
Tuy nhiên, dù đã 18 tuổi, Alqunun không thể tự mình rời khỏi Saudi Arabia. Phụ nữ trong vương quốc cần có sự chấp thuận của một "giám hộ nam", thường là cha, chồng hoặc thậm chí là con trai, nếu muốn đi du lịch.
Cơ hội tự do của cô đến vào ngày 2/1, khi gia đình cô đi du lịch đến Kuwait, nơi không có những hạn chế tương tự đối với phụ nữ. Vào ngày 5/1, cô đáp máy bay tới Thái Lan, đặt phòng khách sạn và vé máy bay ra nước ngoài.
Cô dự định ở lại đây cho đến khi có thể tới Australia, nơi cô có thể nhờ một người tị nạn đồng hương giúp đỡ.
Kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội
Thiếu tướng Surachate Hakparn, người đứng đầu cơ quan nhập cư Thái Lan, cho biết Alqunun đã bị từ chối cấp visa vào Thái Lan vì không có đủ tiền. Cô cũng thiếu các giấy tờ cần thiết để được nhập cảnh vào nước này hoặc tiếp tục đến Australia.
"Cô ấy rời bỏ quê hương vì vấn đề với gia đình và đến Thái Lan. Cô ấy rất an toàn. Hộ chiếu của cô ấy đã bị tịch thu", ông General Hakparn nói. Ông cho biết Alqunun sẽ được đưa lên chuyến bay trở về Kuwait cùng các sĩ quan nhập cư Thái Lan.
"Chỉ còn vài giờ nữa trước khi tôi bị đưa về Kuwait sau đó là Saudi bằng vũ lực", Rahaf Mohammed Alqunun viết trên Twitter. |
Đại sứ Saudi Arabia tại Bangkok, Abdul-Ilah al-Shuaibi, khẳng định rằng cô Alqunun bị bắt tại sân bay vì vi phạm luật pháp Thái Lan. Ông nói đại sứ quán không có thẩm quyền ngăn cô ở sân bay.
Trong một trường hợp tương tự vào năm 2017, một phụ nữ Saudi Arabia khác là Dina Ali Lasloom đã buộc phải trở về gia đình ở Saudi Arabia khi đang quá cảnh tại Philippines trên đường đến Australia.
Alqunun cho rằng các quan chức Saudi Arabia và Thái Lan có thể đã hợp tác với nhau. Cô cho biết cô từng được yêu cầu ký vào các văn bản viết bằng tiếng Thái mà cô không hiểu nội dung.
Cô cho biết hộ chiếu của cô đã được trả lại cho cô nhưng sau đó được lấy lại và bàn giao cho Kuwait Airlines để đảm bảo việc cô lên chuyến bay trở về.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết Alqunun có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì bất tuân cha mẹ hoặc làm tổn hại đến danh tiếng của vương quốc nếu trở về Saudi Arabia.
Đàn ông Saudi Arabia tự coi mình là người bảo vệ danh dự gia đình và thường trừng phạt các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nữ giới, những người được cho là làm gia đình xấu hổ. Trong trường hợp cực đoan, các thành viên gia đình có thể bị giết.
Alqunun nói rằng cô đặc biệt lo lắng về sự trừng phạt của gia đình vì cô đã mô tả hoàn cảnh của mình trên Twitter và từ bỏ tôn giáo.
"Họ sẽ giết tôi vì tôi đã bỏ trốn và tuyên bố theo chủ nghĩa vô thần. Họ muốn tôi cầu nguyện và đeo khăn che mặt, tôi đã cưỡng lại", cô cho biết.
Alqunun đã đăng các bài viết và video lên Twitter để kêu gọi sự hỗ trợ. "Tôi là cô gái đã chạy trốn từ Kuwait đến Thái Lan. Tôi đang gặp nguy hiểm thực sự vì Đại sứ quán Saudi Arabia đang cố ép tôi về nước trong khi tôi đang ở sân bay chờ chuyến bay thứ hai", cô cho biết.
Hôm 6/1, cô vẫn hy vọng có thể tới được Australia. "Tôi muốn được bảo vệ ở một đất nước sẽ cho tôi hưởng các quyền của mình và cho phép tôi sống cuộc sống bình thường", cô nói.