Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái kể chuyện sống giữa 31 xác người phân rã trong vụ rơi máy bay

Sau khi máy bay rơi, 31 hành khách đều chết, một mình Annette Herfkens sống sót và chịu cảnh bơ vơ trong rừng sau khi cơ thể trọng thương.

Tác giả Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Cuối cùng, chỉ một mình Annette sống sót.

Được sự đồng ý của nhà phát hành First News và dịch giả An Điền, Zing.vn trích đăng sách 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh.

Ngày thứ hai - cơn mưa ân phúc

Tôi choàng tỉnh lúc ánh nắng đang rọi vào. Và tôi mở mắt để chứng kiến thực tế lạ lùng nhất trong đời. Cây mọc ken dày xung quanh. Lũ côn trùng bò lổn ngổn đến sởn gai ốc. Và những âm thanh. Và cơn khát. Cơn khát bủa vây choáng ngợp. Tôi nhìn thấy người đàn ông Việt Nam giống ông bạn Numachi người Nhật bên cạnh tôi, mắt nhắm hờ. Tôi cố di chuyển. Đau quá. Tôi cố ngồi dậy, nhưng không tài nào được. Hông tôi như có ai đốt. Và những cành cây con kia nữa! Tôi nhìn đồng hồ ông “Numachi”: 6 giờ rưỡi.

Nhìn xa hơn về bên phải, thi thể cô gái người Việt vẫn ở đó. Tóc cô ấy lấp lánh dưới ánh nắng. Tôi đảo mắt. Bên dưới nữa là cánh máy bay. Mọi thứ được tua lại trong đầu tôi. Tôi đang ở Việt Nam. Đi nghỉ. Với Pasje. Pasje đâu? Không, tôi không thể nghĩ về Pasje. Anh chết rồi. Chết thật rồi. Pasje của tôi. Không còn nữa. Tôi thấy anh. Anh đã chết... Và sau đó? Tôi đã làm gì? Bằng cách nào tôi ra khỏi máy bay? Tôi không nhớ nổi. Nhưng tôi nhớ rõ mọi thứ về Pasje. Anh đã chết. Kẹt trong ghế. Nở nụ cười. Như một xác ướp ngọt ngào. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Cứu! Ai cứu tôi với!

Một lần nữa, cơn đau thắt ở ngực ngăn tôi lại. Khó thở quá. Một lần nữa, tôi phải tự trấn an mình. Không được nghĩ tới Pasje. Thở chậm thôi. Không được nghĩ tới Pasje. Không được khóc. Khóc chỉ tổ làm khát nước thêm. Đừng nhìn lại sau lưng. Hãy nhìn những chiếc lá.

Tôi gục đầu, cố thư giãn, còn mắt thì nhìn trừng trừng vào những chiếc lá. Cơn đau cứ đến rồi đi như những đợt sóng trào. Tôi nheo mắt, nghịch với ánh mặt trời bằng hàng mi. Đẹp làm sao. Từng tia nắng như được chắt lọc, thắp sáng từng giọt sương trên lá. Tôi lắng tai nghe những âm thanh chộn rộn trong khu rừng. Từng âm thanh như thi nhau lên tiếng. Tôi cố nghe ra từng tiếng một. Tiếng khỉ kêu gào chăng? Thật là...

Tôi cố tự nhủ với mình rằng đây là thật. Mọi âm thanh không phát ra từ loa nhạc nào. Cũng chẳng phải từ một bộ phim. Những bộ phim thời chiến tôi đã xem rất nhiều. Chẳng ai bên cạnh tôi lúc này. Tôi hoàn toàn một mình. Một mình đến ngớ ngẩn! Tự dưng lúc này tôi lại nhớ cái thời cùng Pasje trèo lên bức tường của thảo cầm viên ở Leiden. Chỉ để được “một mình”. Có một lần chúng tôi bị cô bạn Jet bắt gặp, nhưng cô nàng chẳng biết chúng tôi định leo lên đó để làm gì.

“Tôi biết mấy người đang làm gì rồi. Hút cần sa chứ gì!”, Jet hét toáng lên. Ha ha, thật buồn cười, có bao giờ chúng tôi chơi “món” đó đâu! Thực ra chúng tôi chỉ cố giấu chai rượu trong tay. Và cô nàng Jet kia lúc đó không hề biết chúng tôi đang yêu nhau. Bây giờ, không còn “chúng tôi”. Không còn Pasje. Một mình. Trơ trọi. Đừng suy nghĩ nữa mà! Tôi đang ở đây. Còn sống sót. Trong rừng. Nên nhớ là trong rừng, chứ không phải thảo cầm viên. Nhưng lẽ ra thời tiết phải oi nồng và nóng bức lắm chứ. Sao tôi lạnh thế này?

sach ve co gai song sot duy nhat khi may bay ro anh 1
Annette Herfkens kể lại ký ức kinh hoàng khi máy bay rơi ở Việt Nam.

Tôi nhìn xuống tay. Cái gì màu đen tròn tròn trên đó vậy? Nấm vảy à? Ôi Chúa ơi, mấy con đỉa! Tôi chà xát lưng hai bàn tay lại, nhưng bọn đỉa vẫn ở lì đó. Đừng nhìn chúng, đừng nhìn chúng!

Tôi lại đành nhìn lá. Có thể đánh hơi được từng chiếc. Tôi nhớ rõ hồi trước mình luôn thích ngồi ngắm lá như thế nào qua cửa sổ, cho dù có đang sống ở thành thị. Những chiếc lá đó sao mà khác với bây giờ quá. Quá nhiều lá làm tôi nhớ về những lần đi bộ đường dài. Từ đó dắt dây suy nghĩ của tôi đến đồ ăn. Nhưng bây giờ đói chưa phải là nguy cấp nhất. Tôi chỉ khát. Khát chết đi được.

Và rồi thình lình trời đổ mưa. Mưa nặng như đấm vào người. Mưa như đánh vào vết thương. Mưa rát cả mặt khi tôi ngửa lên, há miệng hứng nước mưa. Tôi gần như khóa miệng lại, nhưng là trong sung sướng để nuốt ừng ực từng giọt nước. Mặt trời bất thình lình xuất hiện khi cơn mưa bắt đầu. Áo tôi ướt đẫm. Tôi tranh thủ vắt một chút nước. Thật khuây khỏa làm sao! Tôi sưởi ấm dưới ánh sáng run rẩy của mặt trời soi qua lá. Lạnh. Lạnh quá.

Tôi nhìn lại mớ tài sản của mình. Sắp xếp gọn gàng ngay bên cạnh. Ướt hết rồi. Máy ảnh. Túi trang điểm. Bật lửa. Bật lửa à? Dĩ nhiên rồi! Bật lửa! Tôi có thể nhóm lửa, như Robinson Crusoe. Tôi cố nhóm lửa, nhưng vô ích. Thậm chí còn không đánh lửa được. Mà làm sao được, ướt quá rồi còn đâu. Và cả những nhánh cây nữa, ẩm quá rồi. Nhưng tôi cần lửa làm gì nhỉ? Nấu ăn à? Có cái gì đâu mà nấu. Đi cũng không được. Ngồi thẳng dậy cũng không. Bây giờ tôi chỉ có thể nhìn thấy cỏ, bụi cây và cây rừng. Phát tín hiệu nhiều hơn à? Như Hiawatha(*). Tôi lại nhớ đến một biệt danh Pasje gọi yêu mình trước đây: “Minnehaha(**) của anh”. Lại rồi, đừng nghĩ đến Pasje nữa.

Thay vào đó, tôi cố nghĩ đến thị trường trái phiếu. Nhưng cuối tuần thì đâu có sàn nào mở cửa. Tôi nghĩ về Jaime. Anh đang làm gì? Chắc là đang chơi với con trai. Một là chơi điện tử, hay là thi “ai đái xa nhất”. Tôi mỉm cười khi nghĩ tới đó. Jaime đúng là con nít. Tôi biết đến chiều thứ Tư không nghe tôi ừ hử gì là anh sẽ cuống lên không biết chuyện gì xảy ra. Cho đến sáng thứ Năm là thể nào cũng làm ầm lên. Tôi sẽ cho Jaime thêm vài ngày nữa để tìm cho ra. Tôi thư giãn chút. Jaime. Tôi nhìn đồng hồ liên tục. Chờ đợi và đợi chờ. Lại tập trung nhìn lá.

Tờ 50 USD chìa ra từ túi áo trên thi thể người đàn ông “hàng xóm” của tôi. Tôi rất cần tới nó. Để bồi dưỡng cho ai đó đến giúp mình. Nhưng chưa phải lúc này. Mặc dù tôi tin là không lâu nữa mình sẽ không thể ngồi cạnh thi thể này nữa khi nó bốc mùi. Thể nào tôi cũng phải dịch ra chỗ khác. Tôi nghĩ kỹ rồi, cho dù mình có đói thế nào thì người đàn ông xấu số kia cũng không kích thích tôi thèm ăn được. Dù có thế nào, tôi cũng sẽ không để mình rơi vào thế phải ăn thịt người chết như thảm kịch rớt máy bay năm 1972 ở dãy Andes(*).

Tôi chỉ khát nước, chứ không khát máu.

Tôi sẽ chờ đội cứu hộ một tuần nữa. Tới lúc đó mà không có nước, thiếu đồ ăn thì tôi chỉ có chết. Chết thật sự, như những hành khách khác. Như Pasje của tôi. Lại nữa rồi, đừng nghĩ tới Pasje nữa mà. Hãy nghĩ tới tất cả những ai yêu quý mình. Mà lạ thật. Rất nhiều người quan tâm lo lắng cho chúng tôi, nhưng tới tận bây giờ không một ai hay biết gì cả.

* Andes là dãy núi dài nhất thế giới, gồm một chuỗi núi liên tục chạy dọc theo bờ tây lục địa Nam Mỹ. Tháng 10/1972, chuyến bay thuê bao của không lực Uruguay chở 45 hành khách, trong đó có một đội tuyển bóng bầu dục, đâm vào dãy Andes. Chỉ 16 người sống sót, và khi nghe tin qua đài là cuộc tìm kiếm nạn nhân ngừng lại, họ đã phải ăn thịt những hành khách xấu số khác để tồn tại trước khi được cứu hơn 2 tháng sau đó.

Tôi nghĩ đến cậu em út, Bernard. Nó đang làm gì? Chắc hẳn là đang bay đâu đó rồi. Tôi cố mường tượng hình ảnh em mình trong bộ đồng phục không quân. Và tôi mỉm cười với luồng tưởng tượng đó. Bất cứ nơi nào Bernard đi tới, nó luôn là linh hồn của nhóm hội.

Nếu Bernard ở đây lúc này, nó sẽ nói gì? Cho tôi lời khuyên xác đáng nào đó? Nó đã giúp tôi rất nhiều trong cách ứng xử giữa xã hội hỗn tạp này. Nó luôn dặn tôi trước khi mở miệng nói cái gì thì phải dùng đầu suy nghĩ cho thật chín chắn: “Khi về nhà, chị đừng khoe với mọi người là mình đã đi chỗ này chỗ kia. Không ai muốn nghe, không ai thích biết đâu”. Phải chi lúc này tôi được ở nhà.

Nếu đến thứ Bảy này không ai tới thì tôi sẽ bò vào rừng. Cứ tính vậy đi, để sống sót cho tới thứ Bảy. Sáu ngày nữa.

Ngày thứ ba - Những xác người phân rã

Khi tôi giật mình thức dậy, trời lại sáng. Và mưa! Tôi khát nước quá. Nên cứ thè lưỡi ra. Cũng đỡ được một chút. Tôi mở miệng rộng tối đa có thể. Và cứ nhấm nháp bất cứ giọt nhỏ nào rơi vào. Mưa tạnh, mặt trời lên. Đối với người Hà Lan, đó là tín hiệu tốt lành, trong mọi hoàn cảnh. Tôi lại nhìn xung quanh. Nhìn đi nhìn lại. Mọi thứ đều xanh tươi. Xanh đến nỗi chúng có thể hút cả tôi vào. Thông, cỏ dày, rêu và cây xanh ở khắp nơi.

Bây giờ là thứ Hai. Jaime đang trên đường từ Madrid về New York. Anh sẽ đi thẳng từ sân bay tới văn phòng rất trễ. Thị trường sẽ diễn biến như thế nào? Đúng ra tôi không nên quan tâm làm gì. Cho tới thứ Tư. Lúc đó thì chuyện gì Jaime cũng làm, cho dù là dời non lấp bể. Chắc chắn. Tôi tin Jaime.

Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ sáng. Tôi lại nhìn người đàn ông vắn số. Tôi không có ý nhìn ông ta, chỉ là vì ông nằm đó, ngay bên cạnh tôi. Ê, có cái gì trắng đang động đậy từ khóe mắt của ông ta. “Sâu trắng” à? Dĩ nhiên rồi. Tới lúc này thì xác ông ta phải bắt đầu phân hủy. Ở những nơi nóng và ẩm ướt thế này thì phân hủy còn nhanh hơn. Phân hủy à? Ôi Chúa ơi, tôi rùng mình khi nghĩ đến đó và khẽ liếc mắt nhìn lại.

sach ve co gai song sot duy nhat khi may bay ro anh 2
Tác giả sách trở về Việt Nam thăm lại những người từng cứu mình.

Tôi vẫn thấy chúng và bây giờ đã có thể gọi chính xác tên của những con “sâu trắng” kia: giòi! Lúc nhúc trên thi thể người đàn ông! Cái mùi tôi ngửi được nãy giờ chính là cái mùi này đây. Mùi thối rữa! Bất thình lình mà tôi nhận thức đầy đủ về nó. Cái mùi thối rữa càng ngửi càng chỉ muốn đổ bệnh. Tôi cố lết đi nơi khác. Và cơn đau ở hông lại nhói lên dữ dội! Tôi nhìn kỹ hai tay mình: không có giòi. Chỉ có lũ đỉa đang say sưa hút máu. Bình tĩnh lại. Đừng nhìn.

Tôi hít thở sâu. Và thấy mọi việc đang diễn ra hợp lý. Đây là rừng xanh. Như một cái tử cung khổng lồ sản sinh tất cả muôn loài. Hết sức tự nhiên thôi. Tự nhiên. Sinh và tái sinh. Vòng luân hồi của cuộc đời. Sự tươi đẹp của cuộc đời. Đừng nhìn lũ giòi nữa. Hãy tận hưởng vẻ đẹp của khu rừng đi. Tôi nhìn cây và lá. Nhìn cứ như thể là mình đang hít thật sâu sự tinh túy của chúng chứ không phải là cái mùi kinh khủng kia. Có hiệu quả. Bình tĩnh lại.

Tôi quyết định đã đến lúc không thể ở gần cái xác đang phân hủy của người đàn ông này nữa. Tôi chộp lấy tờ 50 đô-la trên túi áo ông ta. Mắt tôi dừng lại ở chiếc đồng hồ trên tay ông. Có nên lấy nó luôn không? Nếu muốn vậy thì tôi phải chạm vào cánh tay lạnh lẽo và lúc nhúc giòi trên đó. Không, tôi không thể. Lúc mới lớn, tôi có đọc một cuốn sách tiếng Hà Lan về một cậu bé phát hiện ra xác chết trôi trên sông.

Cậu bé nhìn vào chiếc đồng hồ của xác chết và nói: “Đi đi, nếu không tôi lấy cái đồng hồ bây giờ!”, nhưng sau đó vẫn lấy nó bất luận xác chết có “nghe” cậu nói hay không. Tôi không làm được như vậy. Tôi cũng chợt nhớ lại một cảnh trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ, trong đó những người chủ phòng trọ cuối cùng phải trộm tài sản của những xác chết từ trong hầm mộ ở Paris. Tôi đã xem vở nhạc kịch này ở cả Broadway (New York) và Covent Garden (Luân Đôn). Ôi, những thế giới khác nhau vời vợi!

Tôi di chuyển bằng cùi chỏ. Đau thấu xương. Cùi chỏ phải tôi có vết thương mở rất to. Nhất cử nhất động, tôi đều có cảm giác như những nhánh cây khô và cả bụi nữa đều đang cứa vào thịt mình. Nhưng tôi đâu còn lựa chọn nào khác: hông thì không thể giữ thăng bằng, chân thì gãy. Tôi phải trườn cả thân mình cùng cánh tay.

Tôi “đi” qua xác người đàn ông. “Đi” qua xác cô gái, ngón tay cô không còn nắm chặt lại nữa. Trên tay cô vẫn còn cái túi vải. Suy nghĩ đắn đo, cân nhắc một hồi, tôi quyết định lấy cái túi vải đó. Đeo nó lên vai, tôi trườn xuống đồi, về phía cái cánh còn lại của máy bay. Mọi thứ đau cứ như là bị tra tấn ở địa ngục. Địa ngục! Đừng nhìn xuống! Đừng nghĩ tới Pasje. Tôi tìm cho mình một điểm “an cư” mới, bên cạnh cánh máy bay.

Tôi nhìn quanh. Ở đây tôi có thể nhìn mọi vật thoáng hơn. Cảnh quá đẹp. Quá nhiều thứ để chiêm ngưỡng. Bên phải tôi là dãy núi hùng vĩ. Tai nạn máy bay đã phá nát một vạt rừng, để lại những cái cây trụi lủi. Theo hướng tích cực, điều này cũng có cái lợi của riêng nó, ít nhất là cho riêng tôi. Cây mất ngọn, tạo điều kiện cho ánh mặt trời đi thẳng xuống mặt đất. Tôi sung sướng sưởi từng tia nắng đó.

Tôi mở cái túi của cô gái ra: một cuốn sách ngữ pháp tiếng Đức-Việt và một cái áo choàng đi mưa màu xanh. Cái áo choàng này có mũ trùm đầu nhọn và thân trước dài. Tôi nhận ra cách thiết kế này, vốn được dành cho những ai đi xe đạp, khi đó thân trước sẽ che phủ lên ghi-đông.

Ở Hà Lan, các cô cậu bán báo hay xài áo choàng kiểu này. Nhiều lắm. Tôi trùm áo choàng lên đầu. Có lẽ nhờ vậy tôi sẽ giữ cho thân mình không bị ướt và giúp giữ ấm cơ thể. Tôi ở yên một chỗ. Vẫn lạnh. Lạnh lắm. Run bần bật. Đến khi kiệt sức, tôi gục đầu xuống.

Trăng mọc ngay cạnh ngọn núi. Trăng rất tròn. Có vài đám mây. Cảnh vật lúc này giống như là một bộ phim Disney. Thiên nhiên thơ mộng. Chỉ có ánh trăng. Tôi đúng là đứa con thế này.

Đến giờ ngủ rồi. Tôi chợp mắt và mơ về văn phòng. Về Ana Botin, Helen, Jaime, và về thị trường chứng khoán...

(Còn nữa)

Trích sách của Annette Herfkens

Bạn có thể quan tâm