Nhiều khi vào chiều hè nóng bức, từ những cửa sổ mở toang ở văn phòng của tôi vang lên tiếng rao của những chú bán nước chè; một tiếng rao ngắn:“Nước vối! Nước vối!” lặp lại đều đặn, từ xa tới rồi đi qua; hoặc là một mẩu bài ca uốn theo một khúc đoản âm: “Ai nước vối nóng, ăn thuốc nào?”.
Bấy giờ, khi tiếp tục công việc, tôi hình dung bóng dáng điển hình của một bé con đầu tóc bù xù, bận bộ đồ ít nhiều rách rưới đang một tay đung đưa ấm nước to bằng đất nâu, bọc bằng những miếng giẻ, còn tay kia là một cái rổ nhỏ đựng chiếc điếu cày và những miếng trầu đã têm.
Tôi biết rằng một bác phu xe sẽ chẳng mấy chốc ra hiệu gọi: “Nước!” và rồi với một xu, ngồi xổm trên vỉa hè, bác ấy sẽ uống từng hớp nước chè chát sụp soạt rồi rít một hơi điếu cày, nhấn nhá thật lâu luồng khói thuốc trước khi miễn cưỡng nhả nó ra. Sau đó, vươn vai, đội lại cái mũ mà bác đã lột ra để quạt, bác trở lại giữa hai càng xe, đỡ mệt rồi… Những giây lát ngắn ngủi được nghỉ ngơi trong cuộc đời bạc bẽo, những thú vui bình dị của những "Nước vối! Nước vối!" bình dị!
Nước vối rõ ràng là thức uống lan tràn khắp Bắc Kỳ, được nấu từ những lá vối hoặc cây vối, bán khi còn xanh. Cây cao từ 8 đến 10 mét, hơi giống với cây khuynh diệp và mọc nhiều nhất ở vùng trung du, quanh nhà ở. Đôi khi người ta thêm vào lá vối những lá cây long não (rễ hương).
Như tất cả mọi trà thứ thiệt, nước vối phải được giữ sao cho thật nóng. Những chú bé con ngoài phố quấn ấm chè bằng những mảnh vải, còn các bà bán nước ngồi ở các ngã tư hoặc dọc theo những con đường quê, bà chủ quán bình dị dưới một cái mái bằng lá gồi giữ nóng cho các vại nước vối trong một cái thúng to nhồi bông, lá cây hoặc vỏ bào theo nguyên tắc nồi ủ của Na Uy. Họ múc nước bằng một cái gáo làm bằng nửa vỏ quả dừa có cán tre.
Nước vối là thứ nước uống bình dân giải nhiệt tốt của người An Nam. Ảnh: Vienydhdt. |
Ơn trời trong các buổi đi chơi ngày chủ nhật, đã bao lần tôi dừng chân ở những cái quán ấy, và những kỷ niệm đẹp nhất của tôi với những cuốc xe đạp luôn gắn với các chặng nghỉ dễ chịu, nơi tôi thấy nước vối nóng có màu rượu vùng Chartre.
Tôi nhớ một buổi chiều sau khi đạp xe xem xét vùng Yên Viên ở ngoại vi Hà Nội, xe tôi không may bị “nổ lốp” buộc phải đi bộ vài cây số. Trời vẫn rất nóng dẫu Mặt Trời đã lặn; khi đã đi rất lâu trên con đường hoang vắng lại khát nước đến nỗi thấy khó thở, đột nhiên tôi thấy dưới bóng cây bàng, một mái nhà lợp tranh, một cái ghế dài và hai bà già hiền lành đang thanh thản nhai trầu. Họ cười khi nhìn thấy tôi, hỏi tôi ở đâu đến và nhiều thứ khác nữa mà tôi không hiểu.
Hai lần, ba lần, tôi lấy thêm bát nước đầy và dù đã túa mồ hôi ướt đẫm, tôi sung sướng nốc nước vối nóng trong khi họ cứ dông dài váng cả tai. Họ có vẻ rất thú vị về vị khách không chờ đợi này, trong khi tôi tự hỏi họ kỳ vọng bán cho ai những món hàng bình dị trên con đường hoang vắng này: vài quả dưa hấu vàng, một cái thẩu [đựng gì không biết], hai lọ kẹo và những gói thuốc lào.
Khi lên đường trở về, nắng bắt đầu tắt, dường như đã bớt nóng và sau đó một lúc, tôi ngoái lại để nhìn lần cuối cái quán nhỏ đáng mến, nó đã biến mất, có lẽ đơn giản vì con đường uốn quanh co; thế nhưng trong vẻ huyền diệu của hoàng hôn tôi tưởng tượng rằng hệt như trong các truyện cổ An Nam, có hai bà tiên đã rời bỏ trong chốc lát vương quốc của Ngọc Hoàng để tới con đường hoang vắng này, dưới vẻ ngoài của hai bà già tốt bụng, bán nước chè cho một nữ khách cô đơn.