Sinh ra và lớn lên ở thủ đô, có cơ hội học tập và tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Marketing ở Anh nhưng Vũ Hạnh Linh (24 tuổi) lại có sở thích mặc áo dài, thay vì chạy theo những trào lưu mới nổi của giới trẻ.
Hình ảnh cô gái trong bộ áo dài hiện đại đứng trước khu tập thể cũ treo rợp cờ đỏ, những bức tường phố cổ rêu phong hay sạp báo chợ đã tạo nên nét riêng của Linh.
"Áo dài thực sự rất đẹp. Tất nhiên tủ quần áo của tôi vẫn có nhiều váy vóc, áo phông, áo sơ mi nhưng lúc nào cũng có một ngăn treo riêng áo dài. Ngăn này hiện ngày càng chật đi rồi" là lời chia sẻ của Hạnh Linh với Zing.
Những bộ áo dài cách tân phù hợp với giới trẻ. |
Từ sinh viên kinh tế đến chủ tiệm may áo dài
Từ lâu, Hạnh Linh đã rất thích trang phục truyền thống của Việt Nam, bất kể là áo dài truyền thống hay cách tân. Tuy nhiên, đến khi biết áo dài dáng suông, cô mới thực sự nghĩ mình có thể gắn bó với kiểu trang phục này. Cứ đến mỗi dịp Tết Nguyên đán và Trung thu, cô lại "tậu" bộ mới. Linh cho biết bạn bè có thể bị "lây" sở thích của mình vì cô rủ họ đi xem áo dài quá nhiều.
Cảm giác thích mặc áo dài dần lớn hơn trong cô khi xa quê. Lúc đó, điều khiến Linh tiếc nhất là không thể xách hết đồ ăn Việt và tủ áo dài của mình theo.
Không chỉ dừng lại ở việc mua nhiều, Hạnh Linh còn biết tự may áo dài. Sau khi về nước, cô tìm áo dài cho dịp Trung thu nhưng không ưng ý vì muốn có điểm gì đó khác lạ hơn. Từ đó, cô quyết định mua vải tự may.
Được gia đình và bạn bè ủng hộ sau khi may sản phẩm đầu tiên, Hạnh Linh quyết định mở cửa tiệm may áo dài. Cô không muốn làm mất đi những nét đặc trưng của áo dài nên khâu thiết kế đều dựa trên tinh thần tôn trọng sự truyền thống.
Những bộ áo dài do Hạnh Linh tự làm ra. |
Cô gái gốc Hà thành bày tỏ: "Áo dài trong một số vài người có thể là trang phục quá trang trọng, quá cổ, chỉ dành cho dịp đặc biệt chứ không thể nào mặc như đồ thường ngày.
Do đó, tôi muốn làm ra những chiếc áo dài vẫn giữ nét riêng của trang phục Việt nhưng vẫn trẻ trung. Một chiếc áo dài pha lẫn giữa truyền thống và chút hiện đại giúp các bạn trẻ tự tin và thoải mái mặc mỗi ngày. Đó là điều tôi hướng tới".
Vốn là sinh viên ngành kinh tế nên Hạnh Linh thừa nhận kinh nghiệm của mình đều được xây dựng từ những gì cô nhìn thấy và trải nghiệm. Tuy nhiên, chính niềm yêu thích vẽ, tô màu, mua sắm và ngắm quần áo, vải vóc đã giúp cô có mắt cảm quan về màu sắc ổn định. Điều này tạo điều kiện cho Linh trong việc chọn lựa, phối hợp màu sắc với nhau.
Trong quá trình làm việc, cô cũng phải học thêm nhiều thứ trong mảng may mặc, thử nghiệm các loại chất liệu, tìm kiểu kỹ về trang phục Việt.
"Trang phục sẽ đẹp hơn nếu bạn tự tin"
Lên ý tưởng, vẽ ra những gì mình thích, đi chọn vải, cắt may là những công đoạn để Hạnh Linh làm ra chiếc áo dài. Cô cho biết mình nhiều lần phải làm lại từ đầu. Do đó, thời gian hoàn thành còn tùy thuộc vào độ sáng tạo và tâm trạng làm việc.
"Tôi có nhiều áo dài lắm. Áo dài truyền thống kín đáo, áo dài suông có chút phóng khoáng hơn đến áo dài cách tân trẻ trung. Kiểu nào tôi cũng có vài bộ, từ vải lụa trơn, vải đũi, linen rồi tới vải hoa, gấm… đủ màu sắc, đủ kiểu dáng.
Tới khi tự mở tiệm áo dài, số lượng áo dài càng tăng chóng mặt khiến tôi không đếm được nữa", Linh kể.
Cô gái 24 tuổi còn nhận xét áo dài là trang phục thoải mái nhất khi mặc nếu biết chọn đúng chất liệu.
Hiện tại, Hạnh Linh không thể đếm xuể số lượng áo dài mình có. |
Hạnh Linh từng nghĩ mình quá gầy để mặc đẹp, da ngăm diện gì cũng tối. Nhưng hiện tại, cô tự tin hơn nhiều.
"Trang phục nào cũng sẽ đẹp hơn nếu bạn có lớp trang điểm phù hợp với mình cũng như bộ đồ. Quan trọng nhất là phải tự tin nữa", cô nói.
Áo dài không chỉ dành riêng cho những người có vóc dáng mảnh mai. Với các loại áo cổ yếm, những cô gái hơi tròn trịa có thể thử tông màu trung tính hơn hay phối cùng áo khoác tơ mỏng để tránh lộ bắp tay.
Là cô gái có sở thích hơi khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa, Hạnh Linh cho biết bản thân chỉ đơn thuần muốn chia sẻ sự yêu quý áo dài của mình đến mọi người. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản, việc trang phục truyền thống được diện trên đường phố không hiếm nên cô muốn đưa áo dài "len lỏi" dần vào ngày thường của các bạn trẻ.
"Có nhiều người trẻ nhưng rất giỏi và cố gắng trong việc bảo tồn văn hóa Việt. Mảng Việt phục cũng không là ngoại lệ. Ngay cả việc đề xuất cho nam sinh mặc áo ngũ thân làm đồng phục được giới trẻ ủng hộ cũng là điều đáng mừng", Hạnh Linh bày tỏ.