Thành phố Wageningen là "thung lũng thực phẩm" của Hà Lan, cũng là nơi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của FrieslandCampina - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Cô Gái Hà Lan - tọa lạc. Trao đổi với Zing, ông Roel Van Neerbos đã chia sẻ thẳng thắn về những giá trị cốt lõi của tập đoàn, cũng như cơ hội và thách thức hiện hữu của Cô Gái Hà Lan tại Việt Nam.
- Đâu là điều khiến ông cảm thấy tự hào nhất khi nói về các sản phẩm của FrieslandCampina trên toàn cầu?
- Đó chính là chất lượng. Nếu bạn khởi sự bằng chất lượng, người tiêu dùng sẽ luôn ghi nhận bạn. FrieslandCampina kiểm soát toàn bộ quy trình “từ đồng cỏ đến ly sữa”. Chúng tôi có loại sữa cao cấp đạt chuẩn Hà Lan và biết sữa đó đến từ con bò nào. FrieslandCampina là một tập đoàn với 145 năm di sản kiến thức, kinh nghiệm và khả năng sáng tạo để đem đến các sản phẩm đa dạng từ sữa cho mọi lứa tuổi trên khắp thế giới. Đó mới là điều quý giá và chúng tôi có thể tiếp tục áp dụng chuẩn mực này trong tương lai.
- Vậy từ quan điểm cá nhân ông, đâu là di sản quý báu nhất trong gần 1,5 thế kỷ này?
- Đó chính là tạo dựng được một doanh nghiệp hiện diện ở hơn 100 quốc gia, cung cấp những sản phẩm giàu dinh dưỡng, đồng nhất chất lượng đạt chuẩn Hà Lan trên toàn cầu cho hàng tỷ người tiêu dùng mỗi ngày.
Từ niềm tin mình sở hữu một giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, chúng tôi cố gắng tiếp cận người tiêu dùng bằng cách phát triển kinh doanh không chỉ tại Hà Lan mà còn ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ. Chúng tôi gần gũi với người tiêu dùng địa phương, hiểu họ cần gì và mình phải làm gì để mang lại những sản phẩm giàu dinh dưỡng hơn.
- Từ đầu cuộc nói chuyện tới giờ, ông nhắc khá nhiều về tiêu chuẩn Hà Lan. Vậy tiêu chuẩn này là gì và Cô Gái Hà Lan áp dụng thế nào vào sản xuất tại Việt Nam?
- Tiêu chuẩn Hà Lan khởi đầu từ chất lượng. 145 năm kinh nghiệm trong ngành sữa đảm bảo các sản phẩm của chúng tôi có chất lượng cao và đồng nhất dù ở Hà Lan hay Đức, Mỹ, Nigeria, Việt Nam và hơn 100 quốc gia khác.
Yếu tố đầu tiên làm nên chất lượng này là đàn bò và trang trại. Chương trình Phát triển ngành sữa (DDP) của chúng tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp hơn 250.000 nông dân Đông Âu, châu Phi và châu Á, gồm cả Việt Nam, tạo ra dòng sữa đạt chuẩn như tại Hà Lan.
DDP đang thu quả ngọt tại Việt Nam. Mục tiêu chính của Cô Gái Hà Lan trong năm nay là cân bằng lượng sữa thu mua vào và chi phí, cải thiện chỉ số tổng tạp trùng, phát triển đội ngũ nông dân địa phương.
- Khẩu vị người tiêu dùng mỗi nước một khác. Tập đoàn ông làm thế nào để vừa gìn giữ được di sản 145 năm, vừa thích nghi với thị trường địa phương?
- Am hiểu khẩu vị địa phương là điều rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng. Chúng tôi có công thức sáng tạo sản phẩm riêng cho từng thị trường, trong khi chuẩn chất lượng Hà Lan luôn được áp dụng đồng nhất cho hơn 64 nhà máy khắp toàn cầu.
Thực phẩm tự nhiên đang được coi trọng và người tiêu dùng luôn tìm kiếm sản phẩm sạch, trong đó có sữa. Chúng tôi biến kiến thức chuyên môn của ngành sữa toàn cầu thành các đề xuất thành công ở địa phương, thông qua những thương hiệu có một không hai và mang yếu tố tốt lành của sữa.
Là một trong 5 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới, hoạt động ở hơn 100 quốc gia với hai trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Lan và Singapore, chúng tôi đang tiếp tục sản xuất thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dinh dưỡng cân bằng và thơm ngon theo đúng tinh thần “Nuôi dưỡng từ thiên nhiên” (Nourishing by nature).
- Người Việt có thể biết đến chuẩn Hà Lan nhưng khó tránh khỏi suy nghĩ chuẩn đó chỉ áp dụng tại các nước phát triển, khó áp dụng hoặc có áp dụng cũng khó đạt được kết quả tương đồng tại Việt Nam. Ông nói sao về nhận định này?
- Chúng tôi có một chuẩn duy nhất áp dụng trên toàn cầu. Dù sữa bạn uống ở Hà Lan hay Việt Nam thì đều mang chuẩn như nhau. Chúng tôi muốn mang đến sản phẩm chất lượng top đầu vì chúng tôi là một trong số ít công ty trên thế giới có thể kiểm soát được chất lượng cả chuỗi cung ứng từ đồng cỏ đến ly sữa.
Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn và quy định như nhau tại mọi điểm sản xuất, phân phối trên thế giới, bao gồmViệt Nam. Thông qua chương trình Phát triển ngành sữa (DDP), chúng tôi đã hướng dẫn khoảng 4.000 nông dân Việt thực hành quy trình từ đồng cỏ đến ly sữa, giúp họ tạo ra dòng sữa chất lượng tốt nhất từ việc chăn nuôi bò tại địa phương.
Cô Gái Hà Lan cũng là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam chi trả và thưởng cho nông dân dựa trên tổng tạp trùng trong sữa tươi nguyên liệu, trên nguyên tắc khuyến khích nâng cao chất lượng sữa tươi. Không chỉ sở hữu đội ngũ kiểm định riêng, chúng tôi còn mời các viện nghiên cứu độc lập để tiến hành việc kiểm định này.
- Vậy áp dụng một tiêu chuẩn nghiêm ngặt với nhiều ràng buộc như vậy vào thị trường Việt Nam có phải là bài toán khó?
- Tất nhiên, đó là một công việc khổng lồ mà ngành sữa và Chính phủ phải làm việc cùng nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất sữa, song song với thúc đẩy tiêu thụ bền vững, bảo vệ môi trường.
Khẩu phần ăn của người Việt Nam có nhiều đường. Thực tế, mức tiêu thụ đường của người Việt cao gấp 4 lần khuyến nghị của WHO. Chúng tôi đang nỗ lực tìm giải pháp cân bằng khẩu phần ăn và động lực uống sữa của người tiêu dùng.
- Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp ngoại đang đứng trong một cuộc đua mang tính tự hào dân tộc - nơi các doanh nghiệp nội ngày càng phát triển và người Việt có xu hướng cổ vũ hàng Việt. Đâu là chiến lược để thành công?
- Tại Việt Nam, chúng tôi cảm nhận mình là một doanh nghiệp địa phương khi được vận hành bởi người Việt, có nhãn hiệu sữa dành cho thị trường Việt, có người nông dân Việt chăn nuôi bò lấy sữa nguyên liệu… Điều khác biệt là chúng tôi sở hữu tiêu chuẩn toàn cầu trong tất cả quy trình chăn nuôi, vận hành và sản xuất vì được hậu thuẫn bởi một tập đoàn Hà Lan 145 năm tuổi, nhờ đó cho ra đời các sản phẩm chuẩn chất lượng trên toàn cầu.
Chúng tôi tự tin mình mang lại cho người Việt Nam những sản phẩm kết hợp hoàn hảo giữa tính địa phương và tiêu chuẩn quốc tế.
- Vậy thương hiệu Cô Gái Hà Lan làm thế nào để tách mình và nổi bật tại Việt Nam?
- Mỗi sản phẩm sản xuất tại bất kỳ quốc gia nào đều được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng tại quốc gia đó. Ví như sữa tươi Cô Gái Hà Lan được sản xuất tại Việt Nam, nhưng mang chuẩn chất lượng Hà Lan… Chúng tôi biết điều gì là tốt nhất cho người tiêu dùng địa phương.
Nhiều người tiêu dùng có thể thích hàng nhập khẩu hoặc xách tay, nhưng tôi nghĩ phần đông vẫn sẽ chọn sản phẩm sản xuất tại địa phương, vì đó là sản phẩm phù hợp nhất với họ.
- FrieslandCampina là một trong 5 hãng sữa lớn nhất thế giới, luôn mong muốn mang đến nguồn dinh dưỡng cân bằng tại mỗi địa phương. Nhưng sữa tươi Cô Gái Hà Lan lại không có trang trại lớn tại Việt Nam. Trong khi đó những đối thủ nội địa đang phát triển các trang trại lớn, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Ông nói sao về điều này?
- Với tiềm lực lớn, chúng tôi có thể thành lập những trang trại do mình sở hữu. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu chúng tôi hỗ trợ ngành sữa nước các bạn phát triển, giúp người nông dân có thể thu tăng thu nhập và tái đầu tư vào đàn bò.
Cô Gái Hà Lan tin tưởng vào hiệu quả của chương trình Phát triển ngành sữa và hỗ trợ người nông dân tại Việt Nam, giống như đang làm tại Nigeria, Pakistan và nhiều thị trường khác. Chúng tôi tin đó là cách tốt hơn để giúp nền kinh tế địa phương phát triển.