Trong buổi lễ ra mắt dịch vụ mới mang tên eFast của ngân hàng Công thương (VietinBank) diễn ra tại Hà Nội sáng 26/9, có một người đàn ông đeo kính, mặc áo cổ cồn, thắt caravat trông trang trọng và lịch sự nhưng lại có dáng vẻ hớt hải và khá bận rộn. Nếu không xuất hiện trong buổi lễ với tư cách “chủ trò”, thì ít ai biết, ông chính là “đầu tàu” của dự án dành cho các giao dịch siêu tốc trên thiết bị di động mà VietinBank vừa ra mắt. Ông là Bùi Xuân Trường, quyền Trưởng phòng Ngân hàng điện tử, ngân hàng Công thương Việt Nam. Nhìn cách ông chăm chút cho buổi lễ ra mắt sản phẩm, những người tham dự có thể cảm nhận được tâm huyết vị lãnh đạo này đặt vào sản phẩm. Dù thế, khi có bất cứ ai hỏi, ông Trường chỉ nói ngắn gọn: “Đó là sản phẩm nội bộ, do công sức và tâm huyết của các anh em trong phòng công nghệ thông tin ngân hàng và sự hỗ trợ của các lãnh đạo HĐQT, ban giám đốc”.
“Năm 2009, khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, mọi ánh nhìn của người dân đều tập trung về hướng vị chính khách này. Đến năm 2012, ông tiếp tục tái đắc cử, nhưng ánh nhìn của mọi người có mặt trong buổi lễ nhậm chức của ông đã theo hướng khác, đó là chiếc điện thoại di động cầm trên tay. Hãy nhìn 2 bức ảnh đối lập trên để thấy, xu hướng dùng và coi smartphone như là thứ không thể thiếu đang lan rộng như thế nào”, ông Trường bắt đầu bằng câu chuyện về 2 bức ảnh về người đứng đầu Nhà Trắng Mỹ.
Ông Bùi Xuân Trường (đứng), người đã kể lại câu chuyện khá thú vị về hành trình ra mắt dịch vụ ngân hàng điện tử mới của ngân hàng Công thương. Ảnh: VB. |
“Hay trong trận chung kết vừa qua giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản, hình ảnh một cô gái bật khóc khi tuyển Việt Nam vuột mất chức vô địch, xung quanh chỗ ngồi của cô ấy là hàng chục chiếc smartphone giơ lên. Khi hình ảnh cô gái được phát tán, chỉ trong một đêm, trang cá nhân của cô trên mạng xã hội nhận được trên dưới 200.000 người theo dõi… Điều đó cho thấy sức mạnh cũng như độ lan tỏa, ảnh hưởng của điện thoại thông minh trong thời nay khó có thể đo đếm”, lãnh đạo phòng Công nghệ thông tin VietinBank nói tiếp.
Câu chuyện về sự tập trung và ánh nhìn, qua đó thấy được sự phát triển bùng nổ của smartphone được ông Trường dùng để mở đầu buổi giới thiệu sản phẩm. Theo vị này, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng nói trên, nên các ngân hàng cũng cần cạnh tranh với những sản phẩm mang tính công nghệ thông tin. Dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong số đó. Sự khác biệt trong ánh nhìn của người dân Mỹ ở bức ảnh chụp Tổng thống Barack Obama trong 2 nhiệm kỳ, khuôn mặt nức nở của nữ game thủ trước trận thua của U19 Việt Nam là 2 trong số những động lực để VietinBank cho ra mắt dịch vụ mới.
Ông Trường nhấn mạnh, dịch vụ mới ra mắt là sản phẩm 100% “made by VietinBank”. Từ việc lập trình, phát triển, thiết kế, triển khai sản phẩm đều do người của ngân hàng này tiến hành. Gọi là dịch vụ siêu tốc, bởi vì các thao tác như chuyển tiền, tài trợ thương mại, tài trợ chuỗi cung ứng, nộp ngân sách nhà nước (thuế điện tử)… đều thực hiện nhanh chóng, có khi chỉ tính bằng giây. Sản phẩm cũng tương thích với gần như tất cả các thiết bị công nghệ thông minh hiện hành gồm smartphone, iPad… “Vì là loại hình dịch vụ hướng đến khách hàng doanh nghiệp, nên tất cả các dữ liệu và giao dịch đều được mã hóa, bảo mật tuyệt đối”, ông Bùi Xuân Trường nhấn mạnh.
Chưa có thống kê cụ thể và chi tiết về các dịch vụ ngân hàng điện tử, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, mỗi nhà băng trong số hơn 40 ngân hàng thương mại, cả quốc doanh và cổ phần, đều có ít nhất 1 - 2 sản phẩm thuộc phân đoạn dịch vụ này. Trong xu thế hướng đến thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì Internet Banking được cho là hướng đi tất yếu các ngân hàng cần nâng cấp, cạnh tranh với nhau. Bà Hoàng Tuyết Minh - Vụ phó vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) bày tỏ, việc ngân hàng đầu tư vào công nghệ thông tin và không ngừng cải tiến là một tín hiệu tốt cho xu thế thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, như chủ trương đã được Thủ tướng thông qua. Với sản phẩm được thiết kế ở quy mô “nội bộ” của VietinBank, đại diện vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, bà kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm mới với nhiều tính năng, dành cho các doanh nghiệp.
Còn theo quan điểm của một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ cạnh tranh về các chỉ số tài chính, lợi nhuận, quy mô, các nhà băng đang âm thầm “ghi điểm”với khách hàng bằng công nghệ thông tin. Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia ngân hàng nói trên, dịch vụ ngân hàng điện tử mới sẽ là thách thức với chính những đơn vị sản sinh ra nó. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong quý II/2014 cho biết, các giao dịch trên ATM/ POS giảm cả về lượng lẫn giá trị so với quý I, trong khi số lượng thiết bị (ATM/POS) lại tăng lên. “Thay đổi hành vi và thói quen truyền thống của người dùng dịch vụ ở Việt Nam, giai đoạn đầu, luôn là cả một thách thức”, vị này nêu ý kiến.