Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ATM 'biết đi' hiệu quả đến đâu?

2 ngân hàng đã có dịch vụ ATM lưu động, 1 bắt đầu, 1 đã được 5 năm. Song câu hỏi về hiệu quả của ATM "biết đi" vẫn đang đặt ra.

Ngọc Mai, công nhân doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy ảnh tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đang lúi húi bấm điện thoại, chờ đến lượt rút tiền. Cuối tháng nào Mai cũng gửi tiền về cho bố mẹ ở quê, qua một người bà con xa cũng làm ăn trên Hà Nội. Bình thường, việc rút tiền, kiểm tra số dư tài khoản trên ATM không có nhiều trục trặc, chỉ bất tiện là người dùng thẻ phải chờ lâu. Nhưng vào cao điểm là ngày công ty trả lương hay các tháng lễ, Tết, cuối năm, cảnh công nhân xếp hàng dài chờ rút tiền diễn ra khá phổ biến, tại hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cho đến năm 2009…

Tại TP.HCM, 8 ATM lưu động được ngân hàng Đông Á đưa vào sử dụng ở các khu công nghiệp trong những dịp cao điểm và được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực cho ATM cố định. Những máy rút tiền này được đặt trong xe tải, mỗi xe 4 máy, di chuyển ở các quận trung tâm TP.HCM và cuối ngày trở về đậu ở các khu công nghiệp, mở thẻ miễn phí cho khách hàng.

Vấp phải những ý kiến từ cơ quan quản lý, các ATM lưu động bị tạm dừng  hoạt động một thời gian và được mở trở lại vào đầu năm 2010. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng về việc triển khai dịch vụ ATM lưu động của các nhà băng.

Dịch vụ ATM lưu động đã được ngân hàng Đông Á triển khai cách đây 5 năm, nhưng phải đến gần đây mới có thêm một nhà băng tiếp tục triển khai dịch vụ này. Ảnh: NHDA.
Dịch vụ ATM lưu động đã được ngân hàng Đông Á triển khai cách đây 5 năm, nhưng phải đến gần đây mới có thêm một nhà băng tiếp tục triển khai dịch vụ này. Ảnh: NHDA.

Nhưng phải đến 5 năm sau, một đơn vị khác mới “nối gót” Đông Á để triển khai mô hình ATM lưu động. Theo đại diện ngân hàng Công thương (VietinBank) - nhà băng vừa mới đưa vào sử dụng ATM lưu động, dịch vụ này ra đời nhằm giảm tải áp lực của các ATM cố định, vào những dịp cao điểm, đặc biệt sát Tết nguyên đán. 5 xe chứa máy rút tiền lưu động của VietinBank sẽ hoạt động tại cổng tại khu công nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM từ 18/7 đến hết tháng 3/2015. Đại diện VietinBank cho hay, để được đủ điều kiện hoạt động ATM “biết đi”, ngân hàng đã phải đăng ký bằng văn bản với Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, nhà băng này cũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các giải pháp, cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự hoạt động an toàn của ATM lưu động.

Chi phí đầu tư một ATM lưu động không được VietinBank tiết lộ. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội, mức này khoảng 300 - 400 triệu đồng, và gần như không có chênh lệch nhiều so với việc đầu tư ATM cố định. Với các máy rút tiền cố định, để duy trì hoạt động, ngân hàng cần bỏ tiền thuê địa điểm đặt, trả chi phí điện, bảo vệ, an ninh và các khoản bảo trì thường xuyên. Với ATM lưu động, nhà băng không cần bỏ tiền thuê địa điểm, nhưng ngược lại cần chi cho các khoản khác như xe ô tô, người lái, nhân viên bảo trì…

Vị CEO nói trên nhẩm tính và cho biết, với số khách phục vụ bình quân 100 người và mỗi người duy trì khoảng 4 triệu đồng trong tài khoản, ngân hàng sẽ chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ vì phải trả lãi cho những khoản tiền gửi thanh toán này. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra khi các ngân hàng miễn phí giao dịch. Còn hiện tại, khi đã thu phí rút tiền nội mạng, chuyển khoản, phân tích dưới góc độ người sử dụng dịch vụ, nhiều người dùng thẻ cho rằng, ngân hàng sẽ có thể có lãi do hưởng lợi từ số tiền trong tài khoản thanh toán (chịu lãi suất rất thấp, thường là lãi không kỳ hạn) và từ phí thu về. Với các ATM lưu động, phần lợi nhuận thu về có thể cao hơn do lượng giao dịch diễn ra nhiều, dày đặc bởi đặt điểm đặt máy tương đối đẹp.

Không đồng tình với quan điểm trên, thành viên trong ban điều hành một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, chi phí đầu tư một ATM lưu động chắc chắn sẽ cao hơn ATM cố định. Bởi ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng như máy cố định, ngân hàng phải chi nhiều hơn cho yếu tố con người. “Duy trì ATM lưu động, đồng nghĩa với an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh người lái xe còn cần bảo vệ, nhân viên. Việc tiếp quỹ cho các ATM dạng này cũng phức tạp hơn nhiều so với bình thường”, vị này nhấn mạnh. Cũng theo vị lãnh đạo nói trên, các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, an toàn giao thông cũng hàm chứa không ít rủi ro đối với việc vận hành ATM lưu động.

Bình luận về hiệu quả hoạt động của những ATM "biết đi" đã từng được triển khai trước đây, vị lãnh đạo nói trên cho biết, hiệu quả đạt được đầu tiên là thương hiệu ngân hàng. Tuy vậy, ông không cho rằng, việc áp dụng rộng khắp mô hình ATM lưu động sẽ đem lại hiệu quả tốt cho các nhà băng trong bối cảnh hiện tại.

Trao đổi với Zing.vn về những máy ATM lưu động đã đưa vào thực hiện cách đây 4 năm, một nguồn tin tại ngân hàng Đông Á thừa nhận, hiện tại, tất cả đang trong quá trình… bảo trì, nghỉ dưỡng để bố trí lại. Vị này cho hay, đầu tư ATM lưu động, ngân hàng có lãi do địa điểm đặt máy đúng và trúng. Với các máy rút tiền cố định, cần phải có thời gian khảo sát mới biết lỗ hay lãi. Nhưng riêng với loại hình máy rút tiền lưu động, bằng việc đáp ứng đúng nhu cầu đối tượng vào thời điểm hợp lý, nhìn chung, ngân hàng sẽ có lãi. ATM lưu động là một kênh dịch vụ tốt để đảm bảo khả năng sinh lời cho ngân hàng. 

Lãnh đạo nói trên cũng thẳng thắn chia sẻ: “Có người bảo ATM để trên xe, chạy đi chạy lại là mất mỹ quan. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận việc đưa ATM lưu động vào hoạt động đã giảm tải được áp lực cho các ATM cố định một mức tương đối”.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm