Amber Escudero-Kontostathis, 28 tuổi, là người sống sót duy nhất sau vụ sét đánh vào ngày 4/8/2022 ở gần Nhà Trắng. Hôm đó cũng là sinh nhật của Amber. Cô đang trú ẩn dưới cây ở quảng trường Lafayette (Washington D.C., Mỹ) khi sét đánh.
Theo Washington Post, lúc một nhóm nhân viên y tế tìm thấy Amber, làn da của cô đã chuyển sang màu tím sẫm và xám. Ba người khác trong sự cố đã chết gồm cặp vợ chồng ở Wisconsin khoảng 70 tuổi và một nhân viên ngân hàng 29 tuổi đến từ California.
Amber Escudero-Kontostathis thoát chết dù bị sét đánh. Ảnh: Vcstar. |
Theo các nhà khoa học, khi đó, tia sét xuyên qua cây xuống mặt đất và dội ngược lên thân cây. Các bác sĩ cho biết việc Amber sống sót là một điều kỳ diệu.
Ký ức cuối cùng của Amber về tai nạn là cơn bão ập đến vào một ngày nóng ẩm. Sau đó, cô gửi cho chị dâu một tin nhắn có nội dung: "Cả ngày, em cảm thấy như đang trong thời tiết 40 độ C. Giờ thì có sấm sét”.
Tia sét đã làm nổ tung máy tính bảng và tan chảy chiếc đồng hồ điện tử trên cổ tay của Amber. Tim cô ngừng đập và hệ thần kinh bị tổn thương. "Tôi không sống sót nhờ một phép màu mà nhờ những người tốt, hoàn toàn xa lạ, chạy đến nơi nguy hiểm giữa cơn bão để cứu tôi”, Amber chia sẻ.
Cô bị bỏng ở bụng và đùi do máy tính bảng đè lên, ngoài ra còn có những vết thương lớn màu trắng trên da. Lúc đầu, cơn đau của những triệu chứng này tồi tệ đến mức cô la hét hàng giờ. Amber phải học cách đi lại và mắc nhiều triệu chứng kỳ lạ bao gồm cảm giác bỏng rát, lạnh cóng, ngứa ngáy, đau nhức xương.
Sau nhiều tháng, cơn đau đã giảm bớt phần nào và cô có thể đi lại được. Tuy nhiên, Amber vẫn còn những triệu chứng đau đớn và sự áy náy của người sống sót.
"Tôi vẫn không có cảm giác từ phần dưới lưng đến bắp đùi, vì vậy, tôi không thể nhận thức được chân của mình đang đi về đâu. Giống như tôi đang lơ lửng trên xương cụt”, Amber tâm sự.
Theo Hội đồng An toàn Sét Quốc gia Mỹ, tỷ lệ bị sét đánh khoảng 1 trên 19.000 dân. Tổ chức này cho biết trung bình có khoảng 22 người chết vì sét đánh ở Mỹ mỗi năm.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.