Tốt nghiệp 2 trường đại học lớn tại Hà Nội, từng có 4 năm làm báo, nhưng rồi cơ duyên bất ngờ đưa chị sang một ngã rẽ khác. Chị là Ngô Thị Thuý Hằng (sinh năm 1976, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN).
Cơ duyên bất ngờ
Sáng 20/7, Hà Nội mưa tầm tã. Nhưng ở một căn hộ nhỏ trong khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, từng dòng người đội mưa đến Trung tâm MARIN với mong muốn được nghe tư vấn tìm lại thân nhân liệt sĩ.
Hẹn chị Ngô Thị Thúy Hằng vào 8h, nhưng phải hơn 3 giờ sau, phóng viên mới có ít phút được ngồi nói chuyện với chị, bởi hôm nay là ngày chị tư vấn trực tiếp tại trung tâm nên có rất nhiều người đến và chờ đợi.
Hỏi chị về cơ duyên đến với công việc này, chị chỉ cười, bảo đó là số phận. Tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng tại Hà Nội là Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Đại học Ngoại ngữ, sau 4 năm làm báo, rồi làm công tác thông tin đối ngoại cho một số tập đoàn, chị nói cũng không nghĩ có lúc cuộc đời mình lại rẽ sang hướng khác.
Chị Hằng tư vấn cho thân nhan các liệt sĩ. |
Khi còn làm báo, một ngày chị tình cờ đọc được thông tin về diễn đàn có địa chỉ www.nhantimdongdoi.org của nhóm sinh viên ở Hà Nội. Khi ấy, gia đình chị cũng có người thân là liệt sỹ nên chị đã gửi thông tin lên diễn đàn ấy nhờ hỗ trợ, đồng thời cũng gửi đi lời nhắn chị sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho hoạt động của nhóm sinh viên trên.
Thật bất ngờ, cậu trưởng nhóm khi ấy ngay lập tức liên hệ lại với chị, rồi cứ thế, như cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị bắt tay cộng tác với nhóm sinh viên, tranh thủ mọi thời gian, đi khắp mọi miền đất nước để thu thập, ghi chép thông tin về công tác quy tập mộ liệt sĩ ở các địa phương. Mọi thông tin có được đều được cập nhật lên diễn đàn.
Giờ đây nghĩ lại, chị nói khi ấy chỉ có ý định tìm thân nhân của gia đình mình, nhưng trong quá trình cộng tác, tiếp xúc với rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ, chị thấy họ quá vất vả trong việc tìm kiếm thân nhân khi không có nguồn thông tin. Lúc ấy chị nghĩ, vậy tại sao mình có điều kiện, có kiến thức, mình lại không giúp mọi người làm việc đó?
Với trái tim đồng cảm, sẻ chia, chị bắt đầu gắn mình với công việc thiện nguyện ấy. Từ việc hình thành một chuyên trang cập nhật thông tin về liệt sĩ, đã dần phát triển thành một Trung tâm thông tin về liệt sĩ (MARIN), với nhiều buổi tư vấn cho gia đình liệt sĩ tại văn phòng hoặc tại các địa phương.
Độc đáo đài tưởng niệm liệt sĩ online
Bằng đầu óc nhạy bén và vốn kiến thức sẵn có, chị cùng nhóm tình nguyện đã nghiên cứu thành công, tìm ra phương pháp xác định và phân loại giấy báo tử; giải mã hệ thống phiên hiệu các đơn vị sử dụng trong chiến tranh.
Từ kết quả này, MARIN đã ứng dụng, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp nhiều nguồn dữ liệu, hỗ trợ tìm hài cốt hoặc bổ sung thông tin còn thiếu trên bia mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang dựa trên các phương pháp khoa học, báo tin chính xác phần mộ liệt sĩ cho gần 5.000 thân nhân.
Các cựu binh thả hoa đăng trên bờ sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) để tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Tính đến nay, chị cho biết đã tập hợp thông tin về họ tên, nơi hi sinh thực tế của hơn 900.000 liệt sĩ. Các thông tin được sắp xếp khoa học giống như việc quản lý trong “ngân hàng” thông tin, mỗi liệt sĩ khi xác định được sẽ có 10 trường thông tin về họ như: Họ tên, năm sinh, năm mất, di ảnh, mất trong hoàn cảnh nào, đơn vị nào, nơi hi sinh thực tế…
Không chỉ dừng lại ở đó, cuối năm 2008, chị Hằng cùng nhóm tình nguyện xây dựng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trực tuyến tại địa chỉ www.lietsivietnam.org.
Chị bảo dù đài tưởng niệm liệt sĩ online ở trên mạng nhưng có những thông tin rất sống động, người dùng có thể thắp hương, viết tưởng niệm, có thể đặt vòng hoa, và thông qua đó, nhiều đồng đội đã tìm thấy nhau.
Truy cập vào đây, người ta có thể biết được thông tin các liệt sĩ, có thể thấy được di ảnh và thậm chí, cả những bức thư mà các liệt sĩ viết ở chiến trường còn in màu mực, cả những câu chuyện sống động mà các gia đình liệt sĩ cung cấp.
Chị nói, ý tưởng này bắt nguồn từ việc chị tìm hiểu và thấy có nhiều liệt sỹ mất thi hài và như thế thì sẽ không có phần mộ trên nghĩa trang liệt sỹ thông thường.
“Tôi băn khoăn với những liệt sĩ mất thi hài, không còn hài cốt hoặc mất thân nhân thì làm sao để tri ân họ. Sự hy sinh của hàng triệu liệt sĩ là có thật, nó vô cùng lớn lao, vì thế chúng ta cần biết họ là ai, nên tôi luôn nghĩ làm thế nào số hoá được thông tin của liệt sĩ, cũng là tạo dựng nơi để thế hệ trẻ có thể tìm hiểu thông tin”, chị tâm sự.
Ngồi chờ đến lượt gặp chị Hằng để được tư vấn, khi được hỏi chuyện, ông Võ Trọng Thuấn (85 tuổi, ở Mai Động, Hà Nội) cầm tấm ảnh người anh trai là liệt sĩ rồi oà khóc.
Hỏi chị về hạnh phúc riêng tư, vì ở tuổi của chị, với điều kiện như thế đáng ra cũng đã phải có một gia đình riêng hạnh phúc, chị chỉ cười, nói rằng đó là do duyên số chưa đến. “Bây giờ tôi bận lắm, bao nhiêu công việc, bao nhiêu dự án, có những ngày phải làm việc 20 tiếng, tiếp đến 50 lượt người đến nghe tư vấn, chỉ còn 4 tiếng ngủ gục bên bàn làm việc. Cái gì đến sẽ đến thôi!”, chị Hằng nói.
Ông kể anh trai ông hy sinh trong chiến trường Quảng Ngãi. Bao nhiêu năm nay ông cùng gia đình rong ruổi đi tìm nhưng không được. Rồi một ngày ông nghe được thông tin về trung tâm nơi chị Hằng đang tư vấn.
Sau 1 năm được tư vấn, tìm kiếm, đến nay, gia đình ông đã tìm được thân nhân của mình. Ông lại mừng phát khóc. “Nếu không có cô ấy cùng trung tâm này, có lẽ chúng tôi không thể tìm được thân nhân của mình. Tôi và gia đình rất biết ơn những người làm việc thiện nguyện ấy”, cụ ông 85 tuổi chia sẻ.
Bỏ tiền túi làm việc thiện
Chị tâm sự, mỗi liệt sĩ là một câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời chị, có trường hợp khiến chị vui, nhưng cũng có khi làm chị không thể không buồn.
Kể lại câu chuyện về một người quân nhân Việt Nam bị sát hại nhưng trên người chỉ sót lại một tờ giấy ghi tên Nguyễn Sỹ Huy, đơn vị C24 F5, mất ngày 13/6/1971 tại khu vực Phước Tuy (cũ).
Tiếp nhận thông tin ấy, chị tra cứu và phát hiện ra tên thật người quân nhân đó là Nguyễn Sỹ Quy, quê ở xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hoá, Thanh Hoá.
Sau khi tra ra được, chị cùng nhóm tình nguyện rà soát trên khu vực TP.HCM có mộ ngôi mộ ghi tên Nguyễn Sỹ Huy, xác định đây là một của liệt sĩ Quy, nhưng tên ghi trên mộ lại sai một chữ cái, chị cũng quyết tâm phải đấu tranh để điều chỉnh đúng tên liệt sĩ để trả về cho gia đình.
“Chỉ một chữ cái ấy thôi, nhưng chúng tôi mất những 3 năm, phải làm việc rất nhiều với các cơ quan, đơn vị mới có thể điều chỉnh được bia mộ liệt sĩ. Nhưng khi trao trả, gia đình lại không có bất kỳ cảm xúc gì khiến tôi hụt hẫng vô cùng. Mình nghĩ mình đem lại niềm vui cho người ta, nhưng người ta lại cho rằng nó làm xáo trộn cuộc sống của họ”, chị nghẹn ngào tâm sự.
Vào năm 2011, chị tiếp nhận một nhật ký ghi tên liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, dựa vào dòng thơ ghi trong nhật ký, mọi người đoán rằng liệt sĩ này quê ở Hải Phòng, nhưng người lưu giữ cuốn nhật ký ấy mất rất nhiều công sức và thời gian mà không tìm được.
Trên cơ sở dữ liệu đã có, chị xác định được quê quán, địa chỉ của liệt sĩ này, nên đã mang di vật là cuốn nhật ký đến trao lại cho gia đình. “Khi nhận được, gia đình họ nâng niu cuốn nhật ký lắm. Bố liệt sĩ ấy hơn 90 tuổi cứ ôm cuốn nhật ký vào trong lòng và khóc. Ông nói đó là báu vật của gia đình ông, nhìn cuốn nhật ký như nhìn thấy người”, chị chia sẻ.
Toàn bộ Trung tâm MARIN bây giờ đều hoạt động tự nguyện, không nhận bất cứ nguồn kinh phí nào từ các tổ chức, cá nhân, thậm chí cả những người được tư vấn muốn đóng góp chút ít, chị Hằng cũng từ chối.
Chị nói mọi người từ Ban Giám đốc, Ban cố vấn Trung tâm đến các tình nguyện viên đều làm việc với một chữ tâm duy nhất, còn chị, chị vẫn tranh thủ làm các dự án để kiếm thêm tiền trang trải cho hoạt động tại trung tâm.
“Có lúc tôi nghĩ, trường hợp xấu nhất là về ở với bố mẹ, ăn cơm với bố mẹ, nhưng đến giờ thì vẫn tự mình xoay xở được”, chị cười, nhưng tâm sự rất thương bố mẹ.
Bởi, như mọi người, còn có thời gian, có điều kiện chăm sóc bố mẹ, nhưng với chị, lần nào gọi điện cho chị, bố mẹ cũng hỏi “Con có khoẻ không? Con có cần tiền không?”. Chị nói chị may mắn, vì bố mẹ rất thấu hiểu và chia sẻ với chị.