Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ đông Xây dựng Hòa Bình thông qua chỉ tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng

Thay vì mục tiêu 7.500 tỷ đồng trước đây, Xây dựng Hòa Bình đã nâng kế hoạch doanh thu năm 2023 lên 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận kỳ vọng theo đó lên mức 125 tỷ đồng.

Chiều 27/6, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ năm nay của Hòa Bình cũng có sự tham gia của ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Công ty Xây dựng Coteccon (CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Central và ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng An Phong.

Đây là các nhà thầu đang cùng liên doanh trong liên minh Hoa Lư để đấu thầu gói thầu 5.10 xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.234 tỷ đồng của sân bay Long Thành.

xay dung hoa binh anh 1

Lãnh đạo các nhà thầu trong liên minh Hoa Lư đến dự ĐHĐCĐ của Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC.

Tăng kế hoạch doanh thu thêm 5.000 tỷ đồng

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng, thay vì chỉ 7.500 tỷ đồng như tờ trình trước đó. Kế hoạch lợi nhuận theo đó cũng được điều chỉnh từ mức 100 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu trúng thầu cũng được đặt ra là 17.000 tỷ đồng.

Phát biểu trước cổ đông, Chủ tịch Lê Viết Hải nhấn mạnh đây không phải mục tiêu bất khả thi. Tổng giám đốc Lê Văn Nam cũng cho biết kế hoạch này được đặt ra trong kịch bẩn bình thường. Còn với kịch bản xấu nhất, ông dự kiến doanh thu khoảng 9.500 tỷ đồng và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận trong năm nay.

Theo Phó chủ tịch HĐQT Lê Viết Hiếu, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho kế hoạch tái cấu trúc bao gồm tái cấu trúc tài chính; tái cấu trúc nguồn nhân lực; tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Trình bày kế hoạch cụ thể, Tổng giám đốc Lê Văn Nam cho hay sẽ phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu phổ thông theo phương thức phát hành riêng lẻ, giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Ông Nam cho biết đã có 4 đối tác quan tâm và thảo luận để đi đến ký kết MOU, trong đó có một đối tác từ Australia sẵn sàng mua cổ phiếu của Hòa Bình từ 60 đến 100 triệu USD.

xay dung hoa binh anh 2

Tân Tổng giám đốc Lê Văn Nam trình bày kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp thời gian tới. Ảnh: HBC.

Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng sẽ chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec. Vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nay Hòa Bình đã thương lượng và ký kết chuyển nhượng với giá 85 tỷ đồng. Ngoài ra, phần thiết bị trước đây được đầu tư 1.200 tỷ đồng, nay có giá thị trường 1.500 tỷ đồng, cũng được chuyển nhượng với giá 1.100 tỷ đồng.

Tổng thương vụ này thu về 1.185 tỷ đồng, giúp công ty tạo thanh khoản trong giai đoạn sắp tới.

Đồng thời, nhà thầu này cũng đang tiến hành định giá lại các tài sản, bao gồm các thiết bị còn lại với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, đã khấu hao 40% và các bất động sản của tập đoàn.

Ông Nam dẫn chứng tòa nhà số 233-235 Võ Thị Sáu đang được ghi nhận trong sổ sách là 30 tỷ đồng, tuy nhiên giá thị trường hiện không dưới 150 tỷ đồng. Hay khu đất 5.000 m2 ở số 1C Tôn Thất Thuyết, quận 4 trước đây được một chủ đầu tư gán nợ cho Hòa Bình với giá trị 97 tỷ đồng, ông ước tính sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ không dưới 500 tỷ đồng.

Một bất động sản khác rộng 3 ha ở Nhà Bè từng được Hòa Bình đầu tư với giá dưới 2 triệu đồng/m2, với pháp lý gần như đã được hoàn thiện, ông cho rằng có thể được định giá ít nhất 20 triệu đồng/m2, tức đóng góp khoảng 600 tỷ đồng tài sản cho công ty.

"Với hoạt động định giá lại, tôi nghĩ tài sản của Hòa Bình có thể tăng thêm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng nữa. Mục đích định giá lại tài sản là để tăng hạn mức tín dụng, bổ sung vốn lưu động kinh doanh cho công ty", ông Nam nhấn mạnh.

Mặt khác, nhà thầu này cũng đang đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính, trong đó tái cấu trúc các khoản vay, giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và đẩy nhanh thu hồi các khoản phải thu. Để đảm bảo cho tương lai, vị tân tổng giám đốc đã yêu cầu phòng pháp chế và bộ phận hợp đồng chuẩn hóa lại các hợp đồng của Hòa Bình, đưa điều khoản thanh toán có lợi hơn trong các dự án mới.

Trong lúc này, Hòa Bình cũng lên kế hoạch tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, đặc biệt tập trung vào chiến lược đấu thầu, ưu tiên các chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính và dự án khả thi, có thanh khoản. Bên cạnh đó là thị trường nước ngoài và các dự án nhà ở xã hội.

Đánh giá thanh khoản từ các dự án bất động sản trong năm nay sẽ giảm sút, Hòa Bình cũng định hướng tăng nguồn thu từ hạ tầng, thông qua việc tăng vốn đầu tư cho Công ty Hòa Bình 479 để thúc đẩy phát triển thi công các dự án hạ tầng.

"Một chiến lược sắp tới là cơ hội rất tốt cho Hòa Bình là hợp tác đầu tư. Đây sẽ là cốt lõi trong tương lai của Hòa Bình, chúng tôi có thương hiệu, có đội ngũ nhân sự, có uy tín. Những chủ đầu tư nào có đất mà không triển khai được, nếu hợp lý, phù hợp năng lực của Hòa Bình thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư, hợp tác triển khai dự án", ông Nam nói thêm.

Miễn nhiệm tất cả thành viên HĐQT phe đối lập

Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng. Ngoại trừ ông David, 4 thành viên còn lại đều được coi là thuộc về phe đối lập của Chủ tịch Lê Viết Hải trong cuộc “nội chiến” giành ghế Chủ tịch HĐQT hồi đầu năm nay.

Ngay sau đó, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Lượt - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel và bà Vũ Thị Hòa - hiện làm việc tại Công ty Luật TNHH ALB & Partners. Trong đó, ông Lê Viết Hải đề cử ông Nam và bà Lượt, còn bà Hòa được nhóm cổ đông sở hữu 5,38% cổ phần đề cử.

Như vậy, HĐQT Hòa Bình nhiệm kỳ 2022-2024 sẽ có 6 thành viên, trong đó 2 thành viên độc lập và 2 thành viên không điều hành.

xay dung hoa binh anh 3

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Xây dựng Hòa Bình đã được tổ chức thuận lợi sau những lùm xùm "nội chiến" hồi đầu năm. Ảnh: HBC.

Về xung đột thượng tầng thời gian qua, Chủ tịch Lê Viết Hải cho rằng xuất phát từ cách thức quản lý của ông. Ông sẵn sàng đưa những người có năng lực và cùng tầm nhìn về tập đoàn để hợp lực thực hiện mục tiêu chiến lược, mà mục tiêu trong những năm qua là phát triển thị trường quốc tế cho Hòa Bình.

Ông thừa nhận đã chủ quan, không kiểm soát tỷ lệ thành viên HĐQT, để số lượng thành viên HĐQT độc lập vượt quá tỷ lệ theo yêu cầu. Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh đây cũng là kinh nghiệm để công ty sửa đổi, bổ sung điều lệ, quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động của HĐQT. Tại đại hội chiều 27/6, các cổ đông đã thông qua những tài liệu này.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán cho thấy doanh thu thuần của Hòa Bình đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 2.594 tỷ đồng, trong khi năm 2021 báo lãi 103 tỷ đồng.

Tổng tài sản của nhà thầu xây dựng này tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 15.594 tỷ đồng, giảm 5,93% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu gần 1.219 tỷ đồng, giảm 70% so với năm trước đó.

Đến nay, Hòa Bình chưa có báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2022 và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được kiểm toán. Phó chủ tịch Lê Viết Hiếu lý giải sự chậm trễ này do một số thành viên HĐQT đã có đơn trình báo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nên Hòa Bình phải bổ sung hồ sơ tài liệu để giải trình.

Bản thân đơn vị kiểm toán là tập đoàn quốc tế nên cũng phải nâng thẩm quyền phê duyệt lên vùng. Đồng thời, đơn vị kiểm toán có nhiều thận trọng trong việc đánh giá năng lực thanh toán của các chủ đầu tư để trích lập dự phòng cũng như đánh giá một số khoản doanh thu mà Hòa Bình đã thực hiện nhưng chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án, cần thời gian kiểm tra xác nhận khối lượng thi công để thanh toán.

Ông Hiếu cho biết dự kiến đến ngày 30/6 sẽ có báo cáo tài chính kiểm toán.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thêm một thành viên HĐQT độc lập của Xây dựng Hòa Bình xin từ nhiệm

Ông Dương Văn Hùng - người từng đứng về phe đối lập Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình - vừa nộp đơn từ nhiệm. Đây cũng là thành viên cuối cùng trong phe đối lập nộp đơn từ nhiệm.

Ông Lê Viết Hải đề cử 2 ứng viên vào HĐQT Xây dựng Hòa Bình

Sau loạt thành viên từ nhiệm, tân tổng giám đốc Hòa Bình và lãnh đạo cấp cao của một công ty bất động sản được ông Lê Viết Hải đề cử vào vị trí thành viên HĐQT.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động của giá vàng thế giới sẽ tác động trực tiếp tới giá vàng trong nước. Trong cuộc khảo sát mới nhất, các chuyên gia Phố Wall dự báo giá kim quý sẽ đi ngang tuần tới.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm