Những ngày vừa qua, câu chuyện nên hay không nên sử dụng kèn Vuvuzela trong cổ động trở thành một đề tài bàn tán sôi nổi sau khi Đình Trọng, ở một cuộc phỏng vấn, đã tiết lộ tiếng kêu từ vật dụng này khiến anh cùng các đồng đội rất khó trao đổi trên sân.
Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều, song dường như kèn Vuvuzela đang trở thành một trong những nét văn hóa cổ động ở Việt Nam, đặc biệt là bóng đá. Bằng chứng là nhiều người hâm mộ mang đến sân chiếc kèn này để "tiếp lửa" cho đội tuyển.
Kèn Vuvuzela xuất hiện nhiều trên khán đài sân Mỹ Đình. |
Anh Nguyễn Văn Chính (Hà Nội) chia sẻ: "Chiếc kèn này tôi mua từ đợt đi bão sau chức vô địch AFF Cup của đội tuyển mới đây. Tôi nghĩ tiếng kèn này có thể khích lệ tinh thần chiến đấu của các cầu thủ. Trận chung kết dù chỉ đi cổ vũ ngoài quán cafe, song ở đó cũng có nhiều người sử dụng chiếc kèn Vuvuzela này".
"Hiện tại, tôi thấy nó vẫn hữu ích. Thế nhưng, một số người lại có suy nghĩ ngược lại, có nghĩa là thấy nó hơi ồn ào. Cái gì cũng có hai mặt của nó, song nếu chúng ta sử dụng có chừng mực thì cá nhân tôi thấy vẫn ổn", anh nói thêm.
Trái ngược với quan điểm đó, anh Trần Quang Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng tiếng kèn Vuvuzela không những gây ra tiếng ồn ảnh hưởng tới các cầu thủ mà còn khiến mọi người xung quanh cảm thấy không thoải mái.
"Tiếng kèn Vuvuzela thật ra nghe rất khó chịu. Trong trận đấu có thể mọi người mải cổ vũ nên không để ý nhưng khi ra về mới cảm thấy đau đầu vì phải nghe tiếng ồn đó suốt hơn 90 phút", anh chia sẻ.
Ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 gặp đội tuyển Philippines, sân Mỹ Đình đã lập kỷ lục khi tạo ra tiếng ồn lên tới 121,7 dB trong khoảnh khắc Quang Hải ghi bàn. Đây là con số chạm ngưỡng nghe của tai người. Nếu vượt quá ngưỡng này, tiếng ồn có thể gây đau đớn và làm tổn hại đến thính giác.
Mỗi chiếc kèn được mua với giá chỉ khoảng 40.000 đồng. |
Trao đổi với Nguyễn Ngọc Liêm, thành viên Hội CĐV bóng đá Việt Nam VFS, ông cho biết: "Thực ra kèn Vuvuzela không phù hợp để sử dụng ở sân chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá. Bởi lẽ, nhịp trống và lời ca tiếng hát mới là những thứ hiệu quả hơn. Chính tiếng kèn đôi khi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các cầu thủ".
"Sẽ rất khó để cấm tiếng kèn, nhịp trống của các cổ động viên trên khán đài bởi trên sân có đến hàng chục nghìn con người. Dù vậy, một cổ động viên chuyên nghiệp không nên sử dụng kèn Vuvuzela. Với một đội hình có thể nói là chuyên nghiệp, lời ca, tiếng hát và nhịp trống sẽ hay hơn và có động cơ tốt hơn", ông Liêm khẳng định.
Xuất phát từ Nam Phi và nổi lên từ World Cup 2010, song bằng cách nào đó, Vuvuzela đã trở thành một vật dụng cổ vũ phổ biến tại Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, cổ động viên đã bị cấm mang chiếc kèn này vào sân do âm thanh của nó thậm chí còn to hơn tiếng còi của trọng tài.