Tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Masan Group tổ chức sáng 30/6, ban lãnh đạo công ty dành phần lớn thời gian chia sẻ về hệ thống bán lẻ vừa tiếp quản từ tay Vingroup từ đầu năm 2020.
Tân Tổng giám đốc Danny Le cho biết tập đoàn đã nghĩ về mô hình bán lẻ ngay từ những ngày đầu. Giai đoạn 2001-2003, Masan thử nghiệm 25 cửa hàng bán lẻ sản phẩm của công ty tại TP.HCM nhưng lúc đó người tiêu dùng chưa sẵn sàng với mô hình bán lẻ hiện đại.
Hệ thống 30.000 cửa hàng năm 2025
Sau gần 20 năm, Masan chính thức trở lại lĩnh vực bán lẻ với thương vụ mua lại VinCommerce. Sau khi bắt đầu vận hành hơn 3.000 cửa hàng Vinmart, Vinmart+, doanh nghiệp đặt nhiều tham vọng lớn trong kế hoạch 5 năm tới và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.
Mục tiêu của Masan đến năm 2025 sẽ sở hữu 30.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó tập đoàn tự vận hành 10.000 cửa hàng và 20.000 điểm bán hoạt động theo hình thức nhượng quyền.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, công ty sẽ hỗ trợ mô hình vận hành, sản phẩm, công nghệ còn các đơn vị nhận nhượng quyền chịu trách nhiệm về mặt bằng, tài chính, nhân sự. Hoạt động nhượng quyền sẽ giúp tập đoàn này đẩy nhanh hơn việc tăng quy mô, độ phủ của hệ thống bán lẻ, dự kiến triển khai vào đầu 2021.
Đặc biệt, hệ thống Vinmart sẽ không dừng lại ở việc bán lẻ hàng nhu yếu phẩm. CEO Masan cho biết hướng tới việc xây dựng mô hình tích hợp có thể phục vụ nhu cầu tài chính, viễn thông và xa hơn là cả kết nối, giải trí của khách hàng.
Tân CEO 8X của tập đoàn Masan Danny Le phát biểu tại đại hội cổ đông. Ảnh: MSN. |
Masan sẽ gia tăng tỷ trọng đóng góp của các nhãn hàng riêng độc quyền trong hệ thống bán lẻ để tối ưu lợi nhuận, doanh thu. Công ty dự kiến các sản phẩm mang nhãn hàng riêng có thể đóng góp tới 45% doanh thu của hệ thống bán lẻ vào năm 2025.
Với mục tiêu mở rộng hệ thống gấp nhiều lần, ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu của tập đoàn có thể đạt 150-250 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 với tỷ suất lợi nhuận hoạt động 14-15%.
Bức tranh về Vinmart mới sẽ lộ diện
Trong phần thảo luận, phần lớn câu hỏi của nhà đầu tư cũng liên quan tới kế hoạch phát triển hệ thống bán lẻ Vinmart của tập đoàn Masan.
Một cổ đông đặt câu hỏi liệu ban lãnh đạo doanh nghiệp có cân nhắc đến việc đổi tên thương hiệu Vinmart sau khi đã mua lại chuỗi hay điều chỉnh nhận diện, màu sắc chủ đạo để mang đến sự tươi mới với người tiêu dùng.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Cosumers Holdings kiêm Tổng giám đốc VinCommerce, cho biết hệ thống bán lẻ này không nằm ngoài tinh thần đổi mới của tập đoàn. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể về tên nhãn hiệu, định vị, danh mục hàng hóa, chính sách giá cả của Vinmart sẽ được chia sẻ vào dịp thích hợp.
Ông Thắng tiết lộ VinCommerce đang nghiên cứu, đánh giá trải nghiệm của khách hàng và sẽ hoàn thành việc này trong 3 tháng tới để cải tiến cửa hàng. Bức tranh tương đối đầy đủ của Vinmart mới sẽ lộ diện vào quý III.
Ông nói thêm hệ thống Vinmart, Vinmart+ hiện mới đóng góp 1% doanh thu Masan Consumers. Do đó, mục tiêu của tập đoàn là giúp VinCommerce vận hành thành công chứ không xem đây chỉ là kênh bán hàng cho tập đoàn Masan.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết tại thị trường Hà Nội, Vinmart đã hòa vốn và có thể thu lợi nhuận trong những quý sắp tới. Tuy nhiên, ở thị trường miền Nam, chuỗi bán lẻ này chưa đạt được kết quả tương tự và đang hướng tới doanh số 8 triệu đồng/m2/tháng như ở miền Bắc.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: MSN. |
Về vận hành, mặt bằng và nhân sự tại cửa hàng là hai khoản chi phí lớn nhất. VinCommerce sẽ nâng cao năng suất lao động để tăng hiệu quả chi phí của công ty, không hướng đến việc cắt giảm nhân sự. Với chi phí mặt bằng, Masan xem đây là rào cản chung của ngành bán lẻ Việt Nam và tập trung đàm phán để giảm giá thuê về mức hợp lý trong tương quan các nước ở khu vực.
Đầu tháng 6, Tập đoàn Masan thành lập Công ty Cổ phần The CrownX, sở hữu cổ phần đa số của Masan Consumers và VinCommerce. Ban lãnh đạo Masan mới đây thông qua nghị quyết mua lại tối đa 15% cổ phần của The CrownX trong quý II, quý III.
CEO Danny Le khẳng định Masan sẽ luôn nắm cổ phần kiểm soát tại The CrownX cũng như VinCommerce. Công ty sẽ chỉ tìm những đối tác chiến lược có thành tựu về công nghệ, bán lẻ để hợp tác.
Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 của Masan ở mức 75.000-85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty dao động từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng. Đại diện Masan cho biết tập đoàn có lãi sau thuế trở lại trong quý II.