Cổ đông Cảng Đoạn Xá 'buồn' vì cổ tức 70%?
Đại diện DXP cho rằng, việc mở rộng đầu tư cầu cảng cần một nguồn vốn khổng lồ. Chính vì thế, việc bớt trả cổ tức cho cổ đông, trên thực tế “chẳng giải quyết được vấn đề gì”.
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Cảng Đoạn Xá (DXP) đã kết thúc với biểu quyết đồng ý với tất cả tờ trình đã được đưa ra. Việc nâng tỷ lệ chi trả cổ tức từ 30% theo kế hoạch lên tới 70% "tiền tươi thóc thật" khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Và có lẽ ai cũng dự đoán, chỉ tiêu về cổ tức sẽ được cổ đông nhiệt liệt hưởng ứng đầu tiên và trên hết.
Tuy nhiên, diễn biến tại ĐHCĐ không hoàn toàn như vậy. Có ít nhất hai cổ đông chưa đồng ý với cách phân chia cổ tức nói trên, vì họ cho rằng như vậy là cao quá!
Biến động giá 1 năm qua của DXP |
Việc chia cổ tức gần hết số lợi nhuận trong năm 2012 khiến các cổ đông lo lắng DXP đang “dừng lại” khi thời gian gần đây không thấy công ty mở rộng đầu tư, trong khi các “đối thủ” thì không ngừng tiến lên. Tại ĐHCĐ, đại diện DXP cho biết mục tiêu chính của DXP là giữ ổn định trong năm 2013. Năm 2012, Gemadept (GMD) đầu tư 2 cầu cảng mới, mời chào Đoạn Xá tham gia, tuy nhiên DXP đang cân nhắc hiệu quả đầu tư và chưa quyết định.
Việc thận trọng của DXP khiến không ít nhà đầu tư “sốt ruột”. Nhất là khi những lợi thế từ trên trời rơi xuống như năm 2012, chưa chắc đã lặp lại trong năm tới.
Đại diện DXP cho rằng, việc mở rộng đầu tư cầu cảng cần một nguồn vốn khổng lồ. Chính vì thế, việc bớt trả cổ tức cho cổ đông, trên thực tế “chẳng giải quyết được vấn đề gì”. Nếu thực sự có cơ hội đầu tư, DXP sẽ cân nhắc việc vay vốn và phát hành thêm cổ phiếu. Do đó, cổ đông DXP hãy cứ “yên tâm” nhận cổ tức 70%.
Tỷ trọng chi phí lao động/doanh thu của DXP lên tới 20%, gần gấp đôi Viconship (VSC) – một doanh nghiệp cùng ngành. |
Cổ đông lớn nhất của DXP là Vinalines, hiện rất cần tiền cho việc tái cơ cấu. Khoản cổ tức nhận được từ DXP năm 2012 có thể đạt 28 tỷ đồng. Việc biểu quyết đề nghị giảm cổ tức, rất mau chóng, không được thông qua. Không ít cổ đông nhỏ lẻ cũng hồ hởi với tỷ lệ cổ tức khủng của công ty.
Một năm qua, DXP đã có kết quả khởi sắc. Tuy nhiên, trong cái nhìn của nhà đầu tư Tống Văn Dũng, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Hà Việt, tình hình kinh doanh của DXP có ít nhiều rủi ro.
Thứ nhất, hiện các cầu cảng của DXP đã khai thác hết, khả năng dừng lại sản lượng của DXP là khá cao nếu công ty vẫn tiếp tục thận trọng.
Thứ hai, tỷ trọng chi phí lao động/doanh thu của DXP lên tới 20%, gần gấp đôi Viconship (VSC) – một doanh nghiệp cùng ngành.
Vấn đề ông Dũng quan tâm, không phải là lương bổng cán bộ công nhân viên của DXP quá cao (ở mức 10 triệu đồng/người/tháng), mà là liệu DXP có thể tăng năng suất lao động trong thời gian tới?
Theo TTVN