Ba thập kỉ chịu ảnh hưởng bởi chính sách một con được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mất cân bằng giới tính trầm trọng ở nhiều làng quê Trung Quốc.
Theo thống kê, cách biệt giữa số phụ nữ và đàn ông đến tuổi kết hôn tại quốc gia này đã lên tới 24 triệu người. Làn sóng những người đàn ông “thiếu phụ nữ” đang ngày một trở nên rõ rệt tại quốc gia tỷ dân.
Trong khi đó, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ rời khỏi vùng nông thôn nghèo khó để đến các khu vực thành thị nhằm tìm kiếm việc làm và một cuộc sống tốt hơn thay vì an phận cưới đàn ông địa phương.
Đàn ông nông thôn Trung Quốc không phải những người duy nhất đang chật vật tìm kiếm bạn đời. Nhiều người đàn ông đã li hôn rơi vào cảnh độc thân ép buộc: họ không thể chi trả cho một đám cưới nữa. Tại Trung Quốc, gia đình chú rể thường có nhiệm vụ mua nhà mới và đưa cho gia đình cô dâu trung bình 20.000 USD của hồi môn.
Trong khi đó, phụ nữ Trung Quốc, như phụ nữ nhiều nơi khác, nhanh chóng tìm kiếm được người phù hợp để kết hôn. Kết quả là, ngày càng có nhiều đàn ông Trung Quốc chuyển sang tìm kiếm bạn đời nước ngoài, không ngoại trừ những “cô dâu” Việt Nam.
Những cặp vợ chồng xuyên biên giới
Mặc dù rất khó xác định chính xác số lượng các cặp chồng Trung - vợ Việt do nhiều người được đưa lậu sang Trung Quốc và do đó không có trong giấy đăng ký với chính quyền, tờ Tân Hoa Xã ước tính có hơn 100.000 phụ nữ Việt Nam ở Trung Quốc đã kết hôn với đàn ông nước này.
Con số này vượt xa số lượng phụ nữ nước ngoài từ các quốc gia khác kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Để so sánh, có 7.000 cô dâu Campuchia tại Trung Quốc.
Dường như, phụ nữ Việt Nam thường làm quen với người chồng Trung Quốc theo một trong bốn cách.
Nhiều đàn ông Trung Quốc gặp gỡ phụ nữ Việt Nam khi tới đây làm việc. Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 1.600 km và đang tạo dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ.
Phụ nữ Việt tại ngày càng trở thành đối tượng kết hôn phổ biến của đàn ông Trung Quốc. Ảnh minh họa: Lon&Queta/Flickr. |
Những "thương vụ" hôn nhân
Tuy nhiên, không phải mọi đám cưới giữa người đàn ông Trung Quốc và phụ nữ Việt Nam đều có yếu tố lãng mạn.
Ít nhất 5% các cuộc hôn nhân kiểu này có cô dâu là những những người phụ nữ Việt bị bán sang Trung Quốc. Họ thường là những cô gái trẻ và phụ nữ nghèo bị dụ dỗ đến Trung Quốc - thường bởi bạn bè hoặc người thân - thông qua những lời đề nghị về việc làm nghe tưởng như béo bở.
Ban đầu, họ sẽ được bán vào các tụ điểm mại dâm ở các thành phố lớn. Sau vài tháng hoặc nhiều năm bị ép làm nghề mại dâm, những người phụ nữ này tiếp tục bị “trả giá” lần nữa - lần này là bởi những người đàn ông Trung Quốc nghèo, già và đang đi tìm vợ. Những người đàn ông này thường biết rõ “vợ tương lai” của mình là nạn nhân buôn người, theo một nghiên cứu năm 2014.
Cách thứ ba mà đàn ông độc thân Trung Quốc sử dụng để gặp gỡ phụ nữ Việt Nam là thông qua các công ty môi giới hôn nhân chuyên nghiệp, một ngành công nghiệp bất hợp pháp nhưng đang nở rộ Trung Quốc. Trung bình, một nhà môi giới kiếm được lợi nhuận 4.000 USD từ mỗi lần “mai mối” thành công, theo tạp chí Trung Quốc Cải cách.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc đang chú ý hơn vào bản thân hay sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống độc thân. Cùng với chênh lệch giới tính, thực tế này đang khiến việc lập gia đình trở thành thách thức không nhỏ đối với nam giới Trung Quốc. Ảnh minh họa: Telegraph. |
Không có số liệu thống kê chính thức về loại hình kinh doanh này, vì vậy rất khó để biết có bao nhiêu cuộc hôn nhân Việt - Trung có liên quan tới môi giới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rằng ở các khu vực biên giới, khoảng 10% các cuộc hôn nhân Việt - Trung được hiện thực hóa nhờ môi giới trực tuyến. Tỷ lệ này có khả năng cao hơn khi điều tra sâu hơn trong lãnh thổ, nơi đàn ông Trung Quốc độc thân ít cơ hội gặp gỡ trực tiếp phụ nữ Việt Nam hơn so với ở biên giới.
Tình trạng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng những vụ hôn nhân lừa đảo bị ép buộc.
Tình trạng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng các vụ lừa đảo hôn nhân. Nhiều phụ nữ nước ngoài thậm chí bị ép làm gái mại dâm trước khi bị bán cho đàn ông Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP. |
Tuy nhiên, mọi chuyện không phải luôn như mơ mộng. Các công ty môi giới hôn nhân trực tuyến không phải lúc nào cũng cung cấp cho những người phụ nữ này thông tin trung thực về khách hàng của họ, nghiên cứu của Channel News Asia cho biết.
Thông thường, những người phụ nữ được hứa hẹn một người chồng Trung Quốc còn trẻ và chưa từng kết hôn. Nhiều người vỡ mộng khi tới Trung Quốc và nhận ra hôn phu của mình vừa nghèo, già hơn cam kết và, thường từng trải qua một đời vợ.
Một số cô dâu Việt Nam bị lừa quyết định trở về nhà trước hoặc ngay sau khi kết hôn ở Trung Quốc. Trong những trường hợp như vậy, các công ty môi giới hôn nhân thường sẽ giúp khách hàng Trung Quốc của mình ly hôn với một mức phí bổ sung - nhưng họ sẽ từ chối hoàn trả khoản tiền ban đầu. Điều này đôi khi dẫn tới những vụ kiện tụng.
Đàn ông Trung Quốc cũng "khốn khổ" vì những cô dâu giả
Đàn ông Trung Quốc tìm vợ nước ngoài thường phải đối diện với nhiều rủ ro khác nhau.
Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các vụ lừa đảo hôn nhân, trong đó phụ nữ nước ngoài làm việc với các công ty môi giới hôn nhân để làm quen, giả vờ cưới và tới sống cùng một người đàn ông địa phương. Ngay sau khi gia đình anh ta đưa tiền hồi môn cho cô dâu - thường ít hơn khoảng 70% so với của hồi môn dành cho một cô dâu Trung Quốc - những phụ nữ này sẽ bỏ trốn.
Trung Quốc thậm chí từng phá nhiều đường dây “kết hôn giả” có tổ chức sau khi hàng chục cô dâu nước ngoài tới các ngôi làng Trung Quốc và bỏ trốn cùng lúc.
Ba gia đình Trung Quốc được tờ Channel News Asia phỏng vấn đều bày tỏ mong muốn rằng những người con độc thân của họ có thể cưới vợ. Tuy nhiên, những gia đình này cũng cho biết thêm rằng trước những vụ lừa đảo đầy rẫy, họ “không dám mạo hiểm”.
Bất chấp quan điểm phổ biến tại Trung Quốc rằng những người đàn ông lấy vợ nước ngoài là “kẻ thất bại”, trong khi vợ của họ là những người phụ nữ “đào mỏ”, khoảng một nửa các cặp vợ chồng Việt -Trung được phỏng vấn khẳng định cuộc sống hôn nhân viên mãn.
“Tôi có một người vợ và một đứa con trai”, Jin Gang, một người đầu bếp 31 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nói. Anh mỉm cười khi nghĩ về người vợ Việt Nam và gia đình nhỏ đang chờ mình ở nhà. “Tôi còn cần gì hơn đây?”.