Các bác sĩ đã lấy chiếc kim khâu dài 5 cm ra khỏi cơ thể nữ bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Chiều 23/5, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, Hà Nội, cho biết vừa phẫu thuật lấy dị vật sắc nhọn bằng kim loại ra khỏi mông trái của bệnh nhân nữ 23 tuổi (trú tại Hưng Yên).
Trước đó, trên đường về nhà chồng làm lễ, cô đã bị chiếc kim được gài ở gấu váy đâm vào người. Chỉ nghĩ là đầu kim chọc vào cơ thể gây đau, cô không hề hay biết chiếc kim đã chui vào cơ thể.
Đến tối, khi vận động mạnh, cô thấy nhói đau do chiếc kim đâm sâu vào người. Ngay lập tức, vợ chồng trẻ đến bệnh viện tuyến dưới để khám. Các bác sĩ có chích da nhưng không tìm thấy dị vật.
Đến sáng 22/5, vợ chồng cô quyết định đến Bệnh viện E khám. Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng mông trái.
Bác sĩ khám thấy có vết chích da dài khoảng 5 cm đã được xử trí khâu kín lại, người bệnh kêu buốt và đau đớn, nhất là khi vận động mạnh.
Bác sĩ lập tức sử dụng máy siêu âm 3D để tìm dị vật sắc nhọn bằng kim loại. Chỉ sau 5 phút, một chiếc kim khâu dài 5 cm, chưa hoen rỉ, nằm sâu trong cơ mông của người bệnh được lấy ra ngoài.
Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền, đây là ca bệnh không khó nhưng mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.
Cây kim khâu xâm nhập vào cơ thể có thể “du lịch” khắp nơi, thậm chí tấn công vào tim, phổi, ổ bụng… gây nên hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, người bệnh đang mang thai, việc chỉ định các phương tiện chẩn đoán như chụp chiếu phải cẩn trọng, có thể gây ảnh hưởng thai nhi.
Vì vậy, bác sĩ Hiền khuyến cáo nếu không may người bệnh bị dị vật sắc nhọn đâm xuyên và chui vào cơ thể như kim khâu, kim tiêm, cần đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để xác định chính xác vị trí của dị vật.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.