Theo thông báo kết luận, việc thực hiện cơ chế tài chính, lao động và tiền lương như doanh nghiệp nhà nước đối với Đài Truyền hình Việt Nam là chủ trương đúng đắn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; mở rộng mạng lưới phủ sóng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Số lượng và chất lượng các chương trình và hoạt động của Đài tăng nhanh. Cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng được đổi mới, hiện đại; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tiền lương, thu nhập của người lao động ổn định và tăng lên.
Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về việc thực hiện cơ chế tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam phù hợp với đặc thù của Đài.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện xếp lương theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/1/2004 của Chính phủ, về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối với khối sản xuất và quản lý, thực hiện quản lý lao động, tiền lương theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ, quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, Đài Truyền hình Việt Nam phải bảo đảm đủ các điều kiện sau: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao; bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.
Quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân thực hiện. Trong đó, số lao động thực tế sử dụng bình quân được xác định trên cơ sở kế hoạch sử dụng lao động hàng năm, do Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ảnh minh họa. |
Mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định trên cơ sở tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề, năng suất lao động thực hiện (tính theo tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) so với năm trước liền kề. Việc điều chỉnh theo mức độ bảo đảm doanh thu bù đắp đủ chi phí thực hiện trong năm theo nguyên tắc: Doanh thu bù đắp được chi phí và năng suất lao động tăng thì tiền lương bình quân thực hiện tăng; doanh thu bù đắp được chi phí và năng suất lao động bằng năm trước liền kề thì tiền lương bình quân thực hiện tối đa bằng tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề. Doanh thu không bù đắp được chi phí thì mức tiền lương bình quân thực hiện giảm, thấp nhất bằng hệ số lương và phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nhân với mức lương cơ sở.
Tiền lương và phụ cấp lương của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc được tính trong quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, gắn với trách nhiệm quản lý điều hành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, được trả theo Quy chế trả lương của Đài. Việc này phải bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thực hiện không vượt quá mức tăng tiền lương bình quân của người lao động. Quỹ lương của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc được thể hiện thành một mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của Đài.
Tiền lương của người lao động thuộc khối nghiên cứu, đào tạo được xác định theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định.
Tiền lương của người lao động thuộc khối cơ quan thường trú ở nước ngoài được xác định theo quy định tại Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23/12/2005 và Nghị định số 48/2012/NĐ-CP ngày 04/6/2012 của Chính phủ, quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện quản lý lao động và tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam. Các đơn vị này cũng tiếp nhận, kiểm tra, giám sát kế hoạch sử dụng lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, Quy chế trả lương của Đài đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá chung việc thực hiện cơ chế tài chính, lao động, tiền lương theo quy định tại Nghị định số 18/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài.
Đồng thời, rà soát hệ thống định mức lao động để xây dựng và phê duyệt kế hoạch sử dụng lao động hàng năm. Hoàn thiện Quy chế trả lương của Đài theo nguyên tắc Quy chế trả lương đối với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc được xây dựng cùng với Quy chế trả lương của người lao động theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và theo các nguyên tắc nêu trên, gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có ý kiến trước khi thực hiện.