Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vã mồ hôi, khản tiếng với công việc được trả 500.000 đồng

Mong kiếm được thù lao gấp 2-3 lần ngày thường, nhiều lao động trẻ chấp nhận ở lại thủ đô, làm việc cật lực trong kỳ nghỉ lễ. Nhưng số tiền thực nhận khiến họ thất vọng.

Tổng kết thù lao kiếm được trong ngày 29/4, Nhật Minh (quận Cầu Giấy) cho biết, gần 1 triệu đồng với nhiều bạn bè thì tưởng là cao nhưng so về công việc, số tiền có được không dễ dàng. Giữa trời nắng nóng, Minh phải chui vào bộ hình nộm bức bí, nóng nực rồi tạo đủ dáng để thỏa mãn sở thích chụp hình của khách hàng.

Mỗi ca mặc hình nộm dài 2 tiếng như vậy, PB này kiếm được 350.000 đồng, cao hơn bình thường khoảng 50.000-100.000 đồng. Tuy nhiên, có thời điểm, cậu cảm giác như sắp ngất vì quá vất vả. "Nếu quen nghề hơn thì có lẽ em sẽ kiếm được nhiều hơn hoặc chọn được địa điểm làm việc mát mẻ hơn. Là lính mới, chấp nhận làm cả ngày lễ thì còn được tuyển chứ ngày thường, nhiều cạnh tranh lại không tới lượt mình", Minh tâm sự.

Ngày nghỉ lễ, những lao động trẻ cũng phải làm việc cật lực mới có được mức thù lao hơn 500.000 đồng mỗi ngày. Ảnh minh họa: Diệp Sa.

Dịp nghỉ lễ, các trung tâm thương mại, siêu thị gia tăng chương trình khuyến mại tới khách hàng. Đây là cơ hội để giới PG, PB, nhân viên kinh doanh tranh thủ nhận "show" kiếm thêm tiền. Tuy nhiên, để có được mức thù lao 500.000 đồng đến triệu đồng, nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả ngày làm việc cật lực. Tốp các công việc được trả công cao thời gian này là PG phát hàng khuyến mại, MC, PB và nhân viên kinh doanh đồ gia dụng tại siêu thị.

"Thường nếu làm tốt, thù lao em nhận được khi giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thương mại khoảng 100.000 đồng một giờ. Làm cả ngày, tiền công cũng được tầm 300.000-500.000 đồng. Nếu may mắn bán được thêm sản phẩm nữa thì thu nhập cũng có ngày đạt gần 1 triệu đồng nhưng hiếm lắm", một nhân viên kinh doanh chia sẻ.

Khản cổ giới thiệu sản phẩm chổi lau nhà tới khách hàng, nhân viên này cho biết, công việc tuy vất vả nhưng lương bổng và hoa hồng vẫn khá hơn nhiều việc khác. Theo anh, nhiều bạn bè cũng đang làm "quần quật" không kém gì mình nhưng lễ, Tết, thu nhập không khác ngày thường.

Lương thực nhận không như luật định

Hai hôm nay, Nguyễn Thị Hảo, sinh viên năm nhất ĐH Thương Mại, vẫn tất bật với công việc quen thuộc tại cửa hàng cháo dinh dưỡng trên phố Mai Dịch (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Hảo cho biết, lương trọn gói 1 tháng của em là 2 triệu đồng, mỗi ngày làm 4 tiếng, tuần được nghỉ 1 buổi và không phân biệt ngày thường hay ngày lễ.

Kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay kéo dài, Hảo muốn về quê thăm bố mẹ nhưng vì vẫn phải đi làm nên đành gác lại. "Em cũng hy vọng làm vào ngày nghỉ sẽ được trả lương gấp 3 bình thường. Nhưng thực tế không như vậy, chế độ lương thưởng không khác ngày thường". Muốn giữ việc, Hảo phải chấp nhận, chỉ hi vọng công ty sẽ cộng thêm chút tiền vào cuối tháng.

Theo luật, người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ sẽ được hưởng lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương của ngày đó. Như vậy, lương thực nhận của người lao động đi làm vào dịp lễ sẽ được tính ít nhất là 400%. Mức thù lao hấp dẫn này khiến nhiều người trẻ sẵn sàng gác lại kỳ nghỉ để tranh thủ gia tăng thu nhập.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, hiện còn nhiều đối tượng lao động không được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình. Nhóm này phần lớn thuộc về bộ phận những người làm thuê tại các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ tư nhân, hầu hết không có hợp đồng lao động hoặc nếu có, chỉ mang tính thỏa thuận riêng giữa chủ lao động và người làm công.

Trần Minh Quyết (Hào Nam, quận Đống Đa), nhân viên chạy bàn cho cửa hàng ăn uống cởi mở chia sẻ, cậu làm tại đây đã được hơn 2 năm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy hợp đồng lao động. Cả năm đầu, Quyết chỉ biết đến nghỉ Tết Dương lịch 1 ngày và Tết Âm lịch 4 ngày. Các dịp lễ còn lại, cậu đi làm bình thường.

Tuy nhiên, sang tới năm thứ 2, nhờ kinh nghiệm, chủ hàng lại cần người nên Quyết được ưu ái hơn. Nếu làm việc vào những ngày nghỉ lễ, cậu sẽ được thưởng thêm vào cuối tháng 500.000 đến 1 triệu đồng, tùy tình hình kinh doanh. "Tuy nhiên, đó là tiền thưởng nhờ doanh thu thôi chứ còn viêc được tính ngày công gấp đôi, gấp ba ngày thường em cũng không rõ", Quyết chia sẻ.

Chung hoàn cảnh như trên, một số nhân viên đứng quầy giày dép tại trung tâm thương mại trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) cho biết, dù đi làm vào kỳ nghỉ lễ nhưng thù lao những ngày này không khác bình thường. Một nhân viên tâm sự: "Do tìm việc rất khó khăn nên nhiều khi biết luật mà vẫn phải chịu. Tiền công thực tế không có gì thay đổi, không như nhiều người nghĩ và cũng không thể như luật định".

1 triệu đồng/ngày công kho cá thuê ở làng Vũ Đại

Giáp Tết, tiền công trả cho người kho cá thuê tại làng Đại Hoàng (Hà Nam) cao nhất lên tới 1 triệu đồng mỗi ngày. Song công việc này không đơn giản như nhiều người nghĩ.

 

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm