Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ chế phòng thủ miễn dịch

Bạch huyết cầu và các tế bào khác tích cực truy tìm và giết vi trùng lạ. Kháng thể dần được tạo ra để chống một loại vi trùng, giúp ta ít có khả năng nhiễm lại căn bệnh đó.

Chúng ta khảo sát những mối quan tâm của vi trùng một cách khách quan không thiên kiến vậy là đủ rồi. Giờ chúng ta hãy quay lại những mối quan tâm vị kỷ của mình: Sao cho ta luôn sống và khỏe mạnh, bằng cách giết những con vi trùng chết dẫm.

Một cách phản ứng thông thường của chúng ta khi bị lây nhiễm là lên cơn sốt. Một lần nữa, ta đã quen coi cơn sốt là “triệu chứng bệnh”, cứ như nó sinh ra vì đương nhiên phải có mà không nhằm phục vụ mục đích gì. Song sự điều tiết nhiệt độ cơ thể được kiểm soát bằng hệ di truyền chứ đâu có xảy ra một cách tình cờ.

Vài loại vi trùng vốn nhạy cảm với cái nóng hơn so với cơ thể ta. Bằng cách nâng cao nhiệt độ cơ thể, thực ra chúng ta đang cố nung nóng cho chết lũ vi trùng kia trước khi chính mình bị nung đến chết.

Một cách phản ứng thông thường khác của chúng ta là huy động hệ miễn dịch. Bạch huyết cầu và các tế bào khác của chúng ta tích cực truy tìm và giết vi trùng lạ. Các kháng thể cụ thể mà chúng ta dần dần tạo ra để chống lại một loại vi trùng cụ thể đang nhiễm vào ta sẽ giúp ta ít có khả năng bị nhiễm lại căn bệnh đó một khi đã được chữa lành.

Chúng ta đều biết qua kinh nghiệm rằng có vài loại bệnh chẳng hạn như cúm và cảm lạnh thông thường với chúng sự đề kháng của ta chỉ là tạm thời, ta có thể mắc lại các bệnh đó dễ dàng.

Tuy nhiên, với các bệnh khác như sởi, quai bị, rubella, bệnh ho gà và bệnh đậu mùa mà ngày nay ta đã đánh bại được, thì một khi đã bị nhiễm và cơ thể đã tạo kháng thể, ta sẽ được miễn dịch suốt đời với bệnh đó. Ấy là nguyên lý của việc tiêm phòng: Để kích thích cơ thể tạo kháng thể mà không phải thực sự nhiễm bệnh, người ta cấy vào bên trong ta một số vi trùng đã chết hoặc đã bị làm suy yếu.

Co che tu mien dich anh 1

Tranh vẽ bác sĩ Edward Jenner thực hiện lần tiêm phòng đầu tiên, năm 1796. Ảnh: Wikimedia Commons.

Than ôi, một số vi trùng tinh khôn không chịu khuất phục cơ chế phòng thủ miễn dịch của chúng ta. Một số biết lừa chúng ta bằng cách biến đổi các mẩu phân tử của mình (cái gọi là kháng nguyên của chúng) mà kháng thể của chúng ta có thể nhận diện.

Việc các dòng vi trùng cúm mới với những kháng nguyên khác nhau không ngừng tiến hóa hoặc xoay vòng chính là nguyên nhân tại sao dù bạn đã mắc bệnh cúm cách đây hai năm nhưng nay vẫn có thể lại mắc cùng bệnh đó với một dòng vi trùng khác.

Sốt rét và bệnh ngủ là những thứ vi trùng còn ranh ma hơn trong khả năng nhanh chóng thay đổi kháng nguyên của mình. Láu cá nhất trong mọi thứ vi trùng là vi trùng bệnh AIDS, biết tạo ra những kháng nguyên mới ngay trong khi nó đang cư trú bên trong một bệnh nhân duy nhất nên rốt cuộc lấn át cả hệ miễn dịch của người đó.

Phản ứng phòng vệ chậm chạp nhất của chúng ta là thông qua chọn lọc tự nhiên, quá trình này làm thay đổi tần số kiểu gen của chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đối với hầu hết căn bệnh, một số người có khuynh hướng đề kháng tốt hơn nhờ di truyền so với những người khác.

Khi xảy ra dịch, những người có gen đề kháng được với đúng loại vi trùng đó sẽ có khả năng sống sót cao hơn so với những người không có gen đó.

Hệ quả là trong quá trình lịch sử, những quần thể người thường xuyên phải tiếp xúc một tác nhân gây bệnh nhất định rốt cuộc đều đi đến chỗ có một tỷ lệ cao những cá thể mang gen đề kháng với bệnh đó. Đơn giản vì những cá thể nào chẳng may không có gen đó thì khó lòng sống sót đặng lưu truyền gen của mình cho con cái.

Nói thế chỉ là để an ủi phần nào thôi, chắc bạn lại nghĩ vậy. Cái phản ứng tiến hóa này chẳng hề mang lại điều tốt lành nào cho những cá thể phải chết vì dễ mắc bệnh do di truyền kia. Tuy nhiên, chính nhờ vậy mà một quần thể người với tư cách tổng thể sẽ trở nên đề kháng tốt hơn với tác nhân gây bệnh nọ.

Có nhiều ví dụ về cơ chế phòng thủ mang tính di truyền này (dĩ nhiên là với một cái giá phải trả), ấy là gen tế bào lưỡi liềm mà nhờ nó người da đen châu Phi có thể đề kháng với bệnh sốt rét, gen Tay-Sachs giúp người Do Thái Ashkenazi (tên dùng để gọi những người Do Thái xuất xứ từ Đức và Bắc Âu) chống lại bệnh lao, gen xơ nang giúp người Bắc Âu đề kháng với bệnh tiêu chảy do vi trùng.

Nói ngắn gọn, sự tương tác của chúng ta với hầu hết loài chẳng hạn với loài chim ruồi, không hề khiến hoặc chúng ta hoặc chim ruồi bị “bệnh”. Cả chúng ta lẫn chim ruồi đều không phải tạo ra cơ chế phòng thủ đặng đối phó với nhau.

Mối quan hệ hòa bình đó giữa chúng ta với chim ruồi sở dĩ tồn tại lâu dài được là nhờ chim ruồi không cần nhờ đến chúng ta để phát tán con cái chúng, hoặc không phải dùng cơ thể chúng ta làm thức ăn.

Thay vì vậy, chim ruồi đã tiến hóa theo hướng sống bằng mật hoa và sâu bọ, những thứ này chúng có thể tìm bằng cách dùng đôi cánh của mình.

Nhưng vi trùng thì lại tiến hóa theo lối sống bằng dưỡng chất bên trong cơ thể chúng ta, chúng lại chẳng có cánh để có thể đến được cơ thể của một nạn nhân mới một khi nạn nhân ban đầu đã chết hoặc đề kháng được.

Vì vậy, nhiều vi trùng đã phải chế ra mánh lới để có thể phát tán giữa những người có thể trở thành nạn nhân. Nhiều mánh lới trong số đó là những gì mà chúng ta cảm nhận như là “triệu chứng bệnh”.

Chúng ta đã tạo ra những mánh lới của riêng mình để đối phó, rồi đến lượt mình vi trùng lại chế ra những mánh lới mới để chống lại các mánh lới của chúng ta.

Chúng ta và các tác nhân gây bệnh của mình giờ đây bị khóa chặt vào một cuộc ganh đua tiến hóa ngày một tăng cấp mà trong đó kẻ nào thua thì giá phải trả là cái chết, còn chọn lọc tự nhiên thì đóng vai trọng tài. Giờ ta hãy xét xem cuộc ganh đua này diễn ra dưới dạng nào: Chiến tranh chớp nhoáng hay chiến tranh du kích?

Jared Diamond / Omega Plus và NXB Thế Giới

SÁCH HAY