Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có 100 tỷ USD tiền mặt, các bệnh viện lớn Mỹ vẫn nhận 5 tỷ USD cứu trợ

20 hệ thống y tế lớn nước Mỹ nhận hơn 5 tỷ USD tiền cứu trợ từ chính phủ liên bang dù sở hữu 100 tỷ USD tiền mặt. Trong khi đó, các bệnh viện nghèo nhận hỗ trợ ít ỏi.

Khi dịch Covid-19 lan rộng, chính quyền các bang hạn chế những dịch vụ y tế không quan trọng để hệ thống bệnh viện tập trung điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.

Do đó, doanh thu nhiều bệnh viện lao dốc đáng kể. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ quyết định giải ngân 72 tỷ USD để hỗ trợ các bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua một chương trình cứu trợ kể từ tháng 4.

Đây là một phần của gói kích thích kinh tế theo Đạo luật CARES. Theo kế hoạch, Bộ Y tế Mỹ sẽ giải ngân tổng cộng 100 tỷ USD.

New York Times đưa tin nguồn tiền này đang chảy nhiều vào các tổ chức y tế lớn, có lượng dự trữ tài chính sâu rộng, thừa sức chống chọi với cơn bão kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, các bệnh viện nhỏ với nguồn tài chính eo hẹp được viện trợ ít ỏi hơn.

Providence, có trụ sở tại Seattle, là một trong những hệ thống y tế lớn nhất và giàu nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là một nhà đầu tư chuyên rót tiền vào các quỹ phòng hộ. Providence đang nắm gần 12 tỷ USD tiền mặt dành cho đầu tư, hứa hẹn tạo ra lợi nhuận hơn 1 tỷ USD.

Mới đây, Providence nhận được ít nhất 509 triệu USD cứu trợ từ chính phủ để giải quyết những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra cho ngành chăm sóc sức khoẻ.

benh vien My nhan hang ty USD anh 1

Providence, hệ thống y tế lớn nhất và giàu nhất nước Mỹ, nhận ít nhất 509 triệu USD cứu trợ. Ảnh: The Business Journals.

Theo phân tích dữ liệu liên bang của nhóm nghiên cứu Good Jobs First, có 20 tổ chức y tế lớn, bao gồm Providence, đã nhận được tổng cộng hơn 5 tỷ USD trong những tuần gần đây.

Thống kê cho thấy các tổ chức y tế khổng lồ này đang "ngồi" trên núi tiền mặt 108 tỷ. Số tiền mặt khổng lồ này đến từ nhiều nguồn như quyên góp tư nhân, thu nhập từ đầu tư vào các quỹ phòng hộ và công ty cổ phần tư nhân, và lợi nhuận từ điều trị bệnh nhân.

Ngoài ra, một số hệ thống lớn như Providence điều hành công ty đầu tư mạo hiểm riêng mình để đầu tư tiền mặt vào các công ty khởi nghiệp. Các danh mục đầu tư thường tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD hàng năm, gấp nhiều lần so với việc điều trị phục vụ bệnh nhân.

Thêm nữa, nhiều tổ chức trong số này, bao gồm Providence, được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận, thường không phải đóng thuế liên bang trên hàng tỷ USD thu nhập của họ.

Trong khi đó, các bệnh viện phục vụ bệnh nhân thu nhập thấp thường đang rất thiếu tiền mặt để duy trì hoạt động ổn định.

Theo New York Times, sau khi Đạo luật CARES được thông qua vào tháng 3, hàng loạt nhà vận động hành lang trong ngành bệnh viện đã tìm đến các quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để thảo luận về cách thức phân phối tiền.

Bộ sau đó đã nghĩ ra các công thức để nhanh chóng phân phối hàng chục tỷ USD cho hàng nghìn bệnh viện - và những công thức đó ủng hộ các tổ chức lớn và giàu có.

Theo một nghiên cứu của Kaiser Family Foundation, các bệnh viện phục vụ nhiều bệnh nhân giàu có, hưởng bảo hiểm tư nhân cao hơn, được cứu trợ gấp đôi so với những bệnh viện tập trung vào bệnh nhân có thu nhập thấp hoặc không có bảo hiểm y tế.

Trong một bức thư gửi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh trong tháng 5, một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ chỉ trích cách phân phối tiền cứu trợ của chính phủ.

HCA Healthcare và Tenet Healthcare - 2 hệ thống y tế lớn với hàng tỷ USD dự phòng và hạn mức tín dụng lớn từ các ngân hàng - nhận tổng cộng 1,5 tỷ USD từ quỹ liên bang.

Phòng khám Cleveland nhận được 199 triệu USD. Công ty này sở hữu 7 tỷ USD tiền mặt, tạo ra lợi nhuận đầu tư 1,2 tỷ USD. Thậm chí, Cleveland trả cho các cố vấn đầu tư 28 triệu USD để quản lý tài sản.

Tổ chức Ascension Health có trụ sở tại St. Louis, điều hành 150 bệnh viện trên toàn quốc, nhận được ít nhất 211 triệu USD. Công ty này có 15,5 tỷ USD tiền mặt và điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm cùng một công ty tư vấn đầu tư.

Ngay cả khi Ascension Health ngừng tạo ra doanh thu, nó cũng có đủ tiền mặt để hoạt động hoàn toàn trong gần 8 tháng.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, khoảng 400 bệnh viện ở vùng nông thôn nước Mỹ đã có nguy cơ đóng cửa. Ông Alan Morgan, CEO Hiệp hội Bệnh viện Nông thôn Quốc gia cho biết trung bình, 2.000 bệnh viện nông thôn chỉ có đủ tiền mặt để duy trì trong vòng 30 ngày.

Nhiều bệnh viện chủ yếu phục vụ người thu nhập thấp. Số tiền cứu trợ ít ỏi từ chính phủ liên bang khó có thể giúp họ vượt qua đại dịch.

Tại St. Claire HealthCare, hệ thống bệnh viện nông thôn lớn nhất ở miền đông Kentucky, số ca phẫu thuật đã giảm 88% trong đại dịch, khiến bệnh viện mất một nguồn thu quan trọng.

Donald H. Lloyd II, giám đốc điều hành St. Claire HealthCare, cho biết 3 triệu USD mà bệnh viện nhận được từ chính phủ liên bang vào tháng 4 chỉ được dùng để chi trả lương cho các bác sĩ và nhân viên.

TT Trump tìm cách trừng phạt Trung Quốc mà không tổn thương kinh tế Mỹ

Ông chủ Nhà Trắng vẫn vấp phải một loạt rào cản khi muốn thực hiện các biện pháp nghiêm khắc trừng phạt Bắc Kinh, trong bối cảnh cuộc đua bầu cử nóng lên và kinh tế khó khăn.

Đối đầu Mỹ - Trung bùng nổ ở mặt trận mới

Sau xuất - nhập khẩu và công nghệ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu bùng lên ở mặt trận mới. Đó là thị trường tài chính.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm