Chia sẻ trên mục Du lịch của CNN, Katie Lockhart cho biết cô đang có mặt tại Hà Nội và cảm nhận rõ thành phố đã thật sự trở lại với nhịp sống "trước Covid" sau giai đoạn cách ly xã hội kéo dài 22 ngày.
"Du lịch trong nước cũng đang hồi phục, với các hãng hàng không tăng lịch bay và khách sạn mở cửa trở lại trên khắp cả nước", cô chia sẻ.
Phần lớn học sinh tại Việt Nam đã đi học trở lại. Ảnh: Reuters. |
Không phải tình cờ
Nữ du khách nói nhìn từ bên ngoài "Việt Nam đã thoát nạn dễ dàng, nhưng được như thế cũng không phải sự tình cờ". Lockhart có mặt tại Việt Nam từ tháng 1, trước khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM.
"Trên hành trình của tôi về phía bắc, từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tam Cốc và cuối cùng là Hà Nội, tôi nhìn thấy chính phủ cẩn thận khoanh vùng những cộng đồng có rủi ro (lây nhiễm), truy vết tiếp xúc với công dân và cách ly mọi cá nhân nhập cảnh", Lockhart chia sẻ.
Việt Nam đến nay ghi nhận 288 ca dương tính với virus corona và không có trường hợp tử vong nào. Việt Nam đã tạm thời đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ cuối tháng 1 và hoãn visa để hạn chế người nước ngoài.
"Đất nước Đông Nam Á này hành động nhanh hơn phần lớn các nước khác", nữ du khách cho biết.
"Cách quản lý nhanh chóng và thông minh của đất nước, cùng với các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ, đã giúp Việt Nam dập tắt virus hiệu quả hơn nhiều nước khác", cô đánh giá cao hệ thống tuyên truyền của Việt Nam khi "dường như ở bất kỳ lúc nào, mọi người đều biết rõ chi tiết những ca bệnh mới nhất ở đâu".
Lockhart nhận định cách ứng phó dịch hiệu quả đã tạo điều kiện để Việt Nam dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, một cách từ tốn và an toàn. TP.HCM tuần qua đã cho phép một số cơ sở vui chơi giải trí và ngành nghề không thiết yếu hoạt động trở lại bao gồm các rạp chiếu phim, spa và quán bar.
"Hà Nội tuần này cũng khôi phục hoạt động tại các điểm di tích lịch sử cho khách du lịch tham quan. Phố đi bộ và những khu chợ tại quận Hoàn Kiếm mở cửa trở lại vào ngày 15/5", cô chia sẻ.
Người dân Hà Nội đến cầu an tại đền Ngọc Sơn ngày 23/4, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Ảnh: Reuters. |
Cuộc sống trở lại bình thường
Khi các biện pháp giãn cách xã hội được thả lỏng vào ngày 23/4, điều đầu tiên Katie Lockhart thực hiện là đi mua cà phê dừa tại quán yêu thích của mình.
"Bàn ghế xung quanh tôi kín chỗ. Những người trẻ tuổi nói chuyện lớn hơn bình thường, hoặc có lẽ tôi chưa kịp làm quen lại với âm thanh từ giọng nói của người khác. Dù sao đi nữa, khá rõ là họ rất phấn khởi khi được quay trở lại quán cà phê, một phần quan trọng trong văn hóa của người trẻ tại Việt Nam", cây bút của CNN chia sẻ.
Lockhart ghi nhận cuộc sống tại Hà Nội dường như đã trở lại với nhịp sống bình thường của mình, từ hàng quán đến sinh hoạt giao tiếp của người dân.
"Những ngày này, dường như thành phố chưa từng thay đổi gì quá lớn. Đúng là giờ đây mọi người ra đường đều mang khẩu trang, và mới khoảng 75% hoạt động kinh doanh được khôi phục. Nhưng Hà Nội có vẻ đã trở lại với hình ảnh của chính mình trước Covid. Khác xa sự tàn khốc và đau thương ở nhiều nơi như Italy hay Mỹ, (tại Việt Nam) virus chỉ như một đốm nhỏ", Lockhart viết.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn không nhỏ, đặc biệt là những người làm trong ngành du lịch và khách sạn. Trong giai đoạn hai tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam mất gần 7 tỷ USD doanh thu.
Nhiều khách sạn quyết định tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 5 hoặc lâu hơn nữa vì ế ẩm. Một số đơn vị điều hành tour vẫn tạm dừng hoạt động vì không có du khách. Nỗ lực hồi phục ngành kinh tế này vẫn đang tập trung vào du lịch nội địa. Ngày 23/4, Bộ Giao thông vận tải bắt đầu cho phép tăng chuyến bay và vận tải đường sắt nội địa, dù vẫn còn duy trì hạn chế về năng lực tiếp nhận hành khách.
"Ngay khi chính phủ tuyên bố tình hình đã an toàn và sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng 4, tôi đã lên kế hoạch bắc tiến, lên Sapa, ủng hộ những người kinh doanh địa phương và hít thở chút không khí trong lành", nữ du khách chia sẻ.