Phân tích
Việc thủ môn Đặng Văn Lâm đầu quân cho CLB Cerezo Osaka và chiến lược đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản của CLB Sài Gòn đã mở lại con đường xuất ngoại sang Nhật cách đây 5 năm của HAGL. Nếu Văn Lâm là trường hợp cá biệt theo dạng chuyển nhượng, CLB Sài Gòn và HAGL đều có kế hoạch, cách làm khác nhau.
HAGL với 2 cầu thủ Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh vào năm 2016 đã không thành công ở J2 League. Họ trở về với những thống kê không khởi sắc, để lại con đường trống trải và dấu hỏi về khả năng của cầu thủ Việt Nam ở Nhật Bản. 5 năm sau, CLB Sài Gòn đi lại con đường ấy với cách làm bài bản hơn, kỹ lưỡng hơn.
J.League hóa đội bóng Sài Gòn
Chủ tịch CLB Sài Gòn, ông Trần Hòa Bình, vạch ra một kế hoạch rõ ràng khi rút kinh nghiệm từ bước đi tiên phong của bầu Đức. Tại những buổi họp báo công bố, ông thường xuyên nhắc lại những bài học của bóng đá Việt Nam trong quá khứ khi đưa cầu thủ đi nước ngoài thi đấu. Điều đó cho thấy ông và cộng sự đã nghiên cứu và chuẩn bị kỹ cho chiến lược này.
Việt Nam cũng có cầu thủ sang Nhật Bản, nhưng không được thi đấu nhiều. Chúng ta đã phải trả giá cho một số trường hợp đi, nhưng không đạt được kỳ vọng.
Trước khi mua lại CLB Sài Gòn cuối năm 2019, bầu Bình và các nhà đầu tư đã có chuyến đi nhiều ngày sang Nhật Bản để thực hiện kế hoạch của mình. HLV Vũ Tiến Thành cũng đi chuyến này để tìm hiểu bóng đá Nhật Bản sau thời gian dài ở Mỹ làm bóng đá cộng đồng. Ông Bình cho biết chuyến đi mang lại kết quả tốt khi họ ký hợp đồng hợp tác toàn diện với FC Tokyo ở giải J1 League.
Ngày 30/4/2020, FC Tokyo công bố kế hoạch hợp tác với CLB Sài Gòn. Từ đó, đội bóng này đón 2 chuyên gia kinh doanh toàn cầu và giám đốc học viện FC Tokyo sang Việt Nam làm việc. Sau đó, họ mời cựu GĐKT Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, ông Masahiro Shimoda, đến Việt Nam và bổ nhiệm ông này làm HLV trưởng thay ông Thành.
CLB Sài Gòn tạo ra môi trường bóng đá Nhật Bản ngay trong đội bóng để giúp các cầu thủ Việt Nam tiếp thu và cải thiện trình độ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Có chuyên gia Nhật Bản, nhưng để xây dựng một CLB Việt Nam theo tiêu chuẩn J.League, thì đội bóng cần có cầu thủ Nhật Bản. Đội bóng đưa 4 cầu thủ, trong đó có 3 người Nhật và một cầu thủ Hàn Quốc sinh sống và thi đấu ở Nhật đến CLB Sài Gòn. Đáng chú ý trong số này là cựu tuyển thủ Nhật Bản từng dự World Cup Daisuke Matsui. Ngay lập tức anh gây chú ý ở Nhật Bản khi chấp nhận sang Việt Nam thi đấu.
Bản thân chủ tịch cũng là một người có thâm niên học tập và sinh sống ở Nhật Bản hơn 20 năm trước khi về Việt Nam. Ngay cả chuyên viên y tế của đội bóng cũng là người Nhật. Văn hóa Nhật Bản được xây dựng trong môi trường CLB Sài Gòn theo đúng xướng "J.League hóa" mà bầu Bình muốn tạo dựng. Cầu thủ Việt Nam ở đây dần quen với các bài tập, sinh hoạt theo phong cách J.League.
"Chúng tôi muốn đưa cầu thủ, chuyên gia Nhật Bản để J.League hóa CLB Sài Gòn. Đó là cách nâng cao chuyên môn, văn hóa cho cầu thủ. Đây là cách đi tắt đón đầu và vừa để phát triển bền vững. Chúng tôi hợp tác với FC Tokyo ở J1 League, FC Ryukyu ở J2 League và sắp tới hợp tác với đội J3 League", ông Bình chia sẻ.
Trang bị đầy đủ cho cầu thủ
Có được một môi trường J.League ngay trong CLB Sài Gòn, cầu thủ Việt Nam như Cao Văn Triền có nhiều lợi thế trước khi đi Nhật thi đấu. Năm 2016, Công Phượng và Tuấn Anh sang chơi cho Mito Hollyhock, Yokohama với hành trang quá ít ỏi về văn hóa, con người Nhật Bản. Họ không có sự hỗ trợ tối đa như Văn Triền hiện tại.
Ngay cả CĐV khi đó cũng chưa hiểu hết văn hóa và các hoạt động cộng đồng của các đội bóng Nhật Bản. Công Phượng không có cơ hội ra sân nhiều ở giải J2 League. Trong khi đó, Tuấn Anh liên tục dính chấn thương, ra sân quá ít ỏi trong sự chờ đợi và kỳ vọng của khán giả Việt Nam.
Công Phượng và Tuấn Anh chưa đạt được thành công ở J2 League khi đến Nhật Bản năm 2016. Ảnh: J.League. |
Công Phượng, Tuấn Anh khi đó là những cầu thủ nổi tiếng ở Việt Nam, nên nhận được sự quan tâm lớn từ các CĐV. Vì vậy, khi họ không thể thể hiện ở Nhật Bản thì đi kèm với đó là sự hụt hẫng của những người đặt niềm tin. Vì sao hai cầu thủ có chất lượng của Việt Nam không thành công vào thời điểm đó đã để lại nhiều câu hỏi, nhiều tranh luận và phân tích.
Đó cũng là vấn đề để người đi sau như bầu Bình phải giải quyết được bài toán ra sân thi đấu. Ông cho rằng J2 League là thử thách với các cầu thủ Việt Nam. Vì để được ra sân, những người như Văn Triền ngoài thể hiện được năng lực, phải hòa nhập được lối sống, cách sinh hoạt ở Nhật Bản. Thậm chí, ông Bình đưa ra yếu tố địa lý để chọn Ryukyu là đối tác của CLB.
FC Ryukyu nằm trên hòn đảo Okinawa nằm ở phía Nam của Nhật Bản. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ quanh năm ít khi nào dưới 15 độ C, rất giống với khí hậu ở Việt Nam. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là việc Văn Triền thích nghi tốt với các bài tập theo kiểu J.League mà tân HLV Shimoda đánh giá. Cựu GĐKT người Nhật Bản khẳng định Triền có thể trụ lại CLB Ryukyu.
J2 là thử thách, J3 là thực tiễn cho cầu thủ Việt Nam. Chúng tôi sẽ gửi 4 cầu thủ sang Nhật trong năm 2021 và 6 cầu thủ trong năm 2022.
Văn Triền khác Công Phượng và Tuấn Anh không chỉ ở việc anh không phải là một ngôi sao bóng đá. Điều giúp anh có thể thành công trong chuyến đi này là sự chuẩn bị chu đáo của ông chủ đội bóng. Những cầu thủ Nhật Bản ngay trong đội Sài Gòn chính là cầu nối nhanh nhất giúp tiền vệ trung tâm này hòa nhập ngay khi đang ở Việt Nam.
Cầu thủ sinh năm 1993 sẽ được học thêm tiếng Nhật, giao tiếp luôn với các đồng đội đang sinh hoạt ở CLB. Thậm chí, CLB cử một phiên dịch được đào tạo kiến thức bóng đá để làm bạn và sinh sống cùng Văn Triền ở Nhật. Một cầu thủ ưu tú CLB được trang bị kỹ năng và kiến thức sẽ mang theo tâm huyết của ông chủ đội bóng để thành công ở Nhật Bản.
Điều cốt lõi trong chiến lược này được ông Bình đánh giá chính là thái độ hợp tác của CLB Nhật Bản. Ông cho biết đã làm việc rất kỹ với FC Ryukyu để họ tạo điều kiện cho cầu thủ Sài Gòn cạnh tranh vị trí. Ông Bình tâm huyết với dự án này, nên chuẩn bị cho Văn Triền. Cầu thủ người Bình Định cũng xác định mình là người tiên phong mở đường trong chiến dịch này.