Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Claudio Ranieri xây dựng Leicester City thành một gia đình

Claudio Ranieri biến Leicester City thành đội bóng dẫn đầu Ngoại hạng Anh năm nay bằng phần thưởng là pizza, xúc xích và rượu Champagne.

Bạn luôn có thể cố gắng hơn nữa, chính xác hơn nữa, tập trung hơn nữa, nhưng đôi khi, thành công chỉ đến khi biết dừng đúng lúc. Ngoài đấu trường sân cỏ, không biết có bao nhiêu HLV linh hoạt và sắc sảo hơn Ranieri, nhưng chiến lược gia người Ý lại đang đạt hiệu quả công việc cao nhất ở thời điểm này.

Sau khi Jamie Vardy ghi bàn thắng thứ 10 và cân bằng kỷ lục của cựu danh thủ Ruud van Nistelrooy lập năm 2003, các đồng đội đề nghị anh có bài phát biểu ngắn để chào mừng sự kiện này. Vardy chấp nhận yêu cầu, nhưng không sa đà vào câu chuyện lâm ly bi đát hay màn hùng biện hoành tráng.

Anh chỉ nói ngắn gọn: "Chúc mừng các chàng trai. Chiến công này là thành tích của tập thể, tôi không đủ khả năng ghi được nhiều bàn như thế nếu không có sự giúp sức của mọi người. Và bây giờ, thầy Claudio Ranieri thông báo sẽ đem vài két bia lên máy bay và xe bus!"

HLV Ranieri đóng góp công lao trong màn tỏa sáng rực rỡ của Jamie Vardy. Ảnh: Getty.

Vardy nở 1 nụ cười và gật đầu thỏa mãn giữa tiếng hú hét của đồng đội. Từ đằng xa, HLV Ranieri gật đầu đầy tinh quái. Từ đầu giải đến giờ, sau mỗi trận thắng, ông toàn thưởng cho học trò pizza, hot dog, rượu champagne và bia.

Ranieri không phải mẫu HLV nhìn thấy kẻ thù và mối nguy hiểm ở mọi ngóc ngách. Nhiều nhà cầm quân ở Premier League đã cấm học trò đụng đến tương cà chua, ném hết các bịch kẹo khỏi xe bus của đội. Ranieri thì khác, ông thích thư giãn sau giờ làm việc, tháo cà-vạt thít chặt ở cổ, bật nắp 1 chai bia và tận hưởng. Đối với ông, bóng đá cũng là cuộc sống, và cuộc sống phải có những khoảng lặng để thư giãn.

Chiến thắng và thất bại là phần tất yếu của bóng đá, nhưng dù sao thì cũng phải chăm sóc bản thân, phải có cuộc sống sung túc cả về thể chất và tinh thần. Ranieri chẳng mấy bận tâm đến việc có bao nhiêu phần trăm mỡ trong cơ thể và điều ấy có ảnh hưởng đến kết quả 1 trận đánh hay 1 chiến dịch. Nhưng ông tin rằng, chỉ số hạnh phúc sẽ giúp thay đổi ít nhiều kết quả chiến dịch.

Jose Mourinho – người kế vị chính Ranieri hồi năm 2004, có nhiều “kẻ thù” trên toàn cõi châu Âu. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha cực kỳ ghét ông đồng nghiệp người Italy, thậm chí có phần xem thường và ác cảm. Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ trận Chung kết Copa Italia năm 2010. Năm ấy, Inter Milan của Mourinho đánh bại AS Roma của Ranieri với tỷ số 1-0. Mourinho cảm thấy muốn chế nhạo Ranieri. Thế là ông đem chuyện lên tận trang web chính thức của Inter.

Mourinho giận sôi máu với việc Ranieri cho toàn đội AS Roma đi xem phim vào buổi tối trước khi trận đấu diễn ra. Ông đá xoáy: “Tôi phải xem 6 trận đấu của AS Roma để tìm điểm yếu của họ. Trước mỗi trận đấu, tôi dành ra đến 3 tiếng đồng hồ và làm việc với nhiều phần mềm huấn luyện khác nhau để có sự chuẩn bị tốt nhất. Nếu tôi bảo với cầu thủ là, tối nay đi xem phim đi, có lẽ họ sẽ cười vào mặt tôi hoặc mời bác sĩ đến khám cho tôi.”

Những lời gièm pha Mourinho dành cho Ranieri kéo dài và có thể thay đổi từ năm này qua năm khác, nhưng nó chỉ xoay quanh các luận điểm: Ranieri là “chuyên gia thất bại”, Ranieri là kẻ thua cuộc, Ranieri không có tố chất để trở thành nhà vô địch.

Ông Ranieri thuộc lớp HLV kỳ cựu không quá đặt nặng về chiến thuật, luôn xem trọng việc xây dựng mối quan hệ gắn kết với các học trò. Ảnh: Getty.

Trong thế giới của Mourinho, chiến thắng là thước đo để đánh giá sự thành công. Và ông này khinh thường ra mặt những người đồng nghiệp không chiến thắng thường xuyên, không giành được nhiều danh hiệu.

Mourinho từng gièm pha Ranieri: “Tôi luôn đòi hỏi rất nhiều ở bản thân. Tôi muốn chiến thắng và đó là lý do vì sao tôi có được nhiều thành tựu trong cuộc đời mình. Cách suy nghĩ của ông Ranieri thì trái ngược, kiểu như ông ấy nghĩ mình chẳng cần phải giành lấy danh hiệu gì. Ông ta gần 70 tuổi, có trong tay Siêu cúp và vài chiếc cúp nhỏ khác. Ông ta đã quá già để có thể thay đổi cách suy nghĩ.”

Sự thực là khi Mourinho nói câu trên, Ranieri mới... 57 tuổi. Ranieri thường chẳng mảy may để ý đến những lời ngoa ngoắt phát ra từ miệng Mourino. Gã thợ hàn chỉ hay đáp lại ngắn gọn: “Tôi không cần chiến thắng để chắc chắn triết lý của bản thân và những gì tôi gây dựng.”

Mourinho gọi Wenger là “chuyên gia thất bại”. Cụm từ ấy có lẽ cũng đủ lột tả sự nghiệp cầm quân của Ranieri. Cho đến nay, Ranieri đã trải qua 30 năm làm công tác huấn luyện. Ông có 1 số thành công nhất định nhưng thua cuộc thì quá nhiều.

Ranieri không chỉ tồn tại sau những thất bại. Ông trở lại Ngoại hạng Anh với nhiều lý do, với sự tự tin và cả nhiệt huyết không cạn, khi nhiều người xung quanh ông đã mất đi sự cân bằng và thể diện.

64 tuổi, Ranieri có thể nhìn bao quát và thấu đáo thế giới bóng đá và đương đầu với mọi thử thách. Chẳng còn điều gì HLV này chưa trải qua, không còn điều gì ông không thể giải quyết ổn thỏa.

Ranieri đưa 1 ví dụ để nêu bật lên tinh thần không lùi bước: “Trong những bài học vỡ lòng ở trường đào tạo HLV, ông thầy nói với chúng tôi là nghiệp HLV cũng giống như nhảy dù vậy. Có nhiều khi dù không mở, bạn lao đầu xuống đất. Nhưng bạn vẫn phải tìm cách đứng dậy và quay trở lại.”

Chặng đường cầm quân của Ranieri đầy những sự kiện kỳ lạ. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là tìm người thay thế Diego Maradona ở Napoli. Kế tiếp, ông phải làm thế nào để chắc chắn Gabriel Batistuta đưa Fiorentina trở lại Serie A thành công. Rồi ông sang Valencia và bán đi Romario. Ông sang Atletico đúng lúc đội bóng đang khủng hoảng, chủ tịch Jesus Gil bị cảnh sát sờ gáy và tài sản của đội bóng bị phong tỏa.

Trải qua nhiều biến cố, người đàn ông Italy vẫn giữ nguyên tinh thần nhiệt tình của thuở mới gắn bó với sự nghiệp cầm quân. Ảnh: Getty.

Ấn tượng khó quên nhất của Ranieri có lẽ là ở Chelsea. Nhà tài phiệt Roman Abramovich tới từ nước Nga cùng với những đồng rúp đậm mùi giàu mỏ, làm cho bóng đá Anh rẽ sang hướng mới và dĩ nhiên, ảnh hưởng đến cả Ranieri. Lần này cái dù không mở, Ranieri buộc phải nhảy. Ông biết chắc chắn thời gian của mình ở Stamford Bridge chẳng còn lại bao nhiêu. Lúc ấy chưa có gì chắc chắn nhưng mọi người đều biết Abramovich sẽ thay thế Ranieri bằng Mourinho.

Ranieri tâm sự: “Nhiều CĐV hét lên từ khán đài rằng, ông sẽ bị sa thải trong mùa hè. Tôi đáp lại là sớm hơn đấy, khoảng tầm tháng năm thôi."

Khi các cầu thủ Chelsea cùng nhân viên đi vòng quanh sân, vỗ tay cảm ơn CĐV ở trận đấu cuối cùng trên sân nhà, Ranieri đã chuẩn bị sẵn trong túi áo 1 bức tâm thư kiêm thư từ chức trong áo vest. Ông bị CĐV và truyền thông gièm pha quá nhiều và ông quyết tâm không để tinh thần bị tê liệt.

Sự nghiệp của Ranieri vẫn tiếp tục. Ông chia sẻ: “Tôi thích những biến cố mà cuộc đời sắp xếp trước. Nhiệm vụ đặc biệt trong các tình huống đặc biệt. Bất kể đội nào tôi huấn luyện cũng thường xuyên dịch chuyển chứ không đứng yên 1 chỗ. Tôi không biết đó chỉ là sự trùng hợp hay số phận, nhưng sự dịch chuyển của câu chuyện của đời tôi.”

Mùa giải 2014/2015, Leicester City được dẫn dắt bởi HLV Nigel Pearson. Ông này trái ngược với Ranieri, tức là 1 vị HLV đầy cá tính và bạo miệng. Khuôn mặt của Pearson giống 1 diễn viên chuyên đóng vai phản diện. Ông Pearson có lần kể về kỷ niệm đuổi 1 bầy chó hoang hung dữ trong lần đi nghỉ ở Transylvania. Ông bóp cổ cầu thủ ngay trên sân bóng, ông gọi nhà báo là “con đà điểu”, ông bảo 1 CĐV lắm lời là “cút xuống địa ngục ngay”.

Có nhiều khác biệt, lớn có và nhỏ cũng có, giữa Leicester bây giờ và khi ấy. Chiến thuật vẫn giữ nguyên, bộ tứ vệ được thi đấu cùng nhau nhiều hơn. Các đường chuyền dài hơn 1 chút nhưng bầu không khí trong phòng thay đồ, môi trường làm việc giữa thầy và trò thì khác hẳn.

Nigel Pearson là ông thầy nghiêm khắc, cáu bẳn và giữ khoảng cách thầy trò. Ranieri thì khác, ông là người có tính cách ấm áp và luôn thân thiện với học trò. Cầu thủ được tự do hơn, không khí trong phòng thay đồ ấm áp như 1 gia đình chứ không còn là doanh trại quân đội thời Pearson.

Phòng thay đồ của các ông lớn, không chỉ ở giải Ngoại hạng Anh, thường là một phim trường với hàng loạt thước phim bi hài kịch (ví dụ ở MU, nhiều cầu thủ trẻ không dám ngước nhìn các đàn anh Ryan Giggs, Paul Scholes hay Roy Keane), hoặc là tập hợp của 1 nhóm các cầu thủ bản địa đối đầu với các ngôi sao ngoại quốc. Phòng thay đồ của Leicester City thì khác, đó là nơi các cầu thủ tài năng trên sân cỏ quây quần và trò chuyện.

Khi nắm 1 tập thể đầy mâu thuẫn và rời rạc như Hy Lạp, Ranieri đã phải ra đi chỉ sau 1 thời gian ngắn. Nhưng khi dẫn dắt 1 đội ngũ chăm chỉ, khát khao và cầu tiến như Leicester, Ranieri đã thành công với phương pháp của riêng ông.

Tại sao không gọi vài chai bia và bánh pizza cho buổi tối thứ 6? Phân tích video trận đấu? Ngoài rạp vừa công chiếu bộ phim mới của James Bond kìa. Cầu thủ đều biết rõ họ cần làm gì. Họ thích phong cách hiện tại, chơi bóng không cần suy tư quá nhiều, tiến xa đến đâu hay đến đấy.

Có lần Ranieri tâm sự là ông ấy sẽ được nhớ tới vì bị sa thải khi đội bóng của ông chỉ về nhì. Sau một chuyến đi dài qua nhiều đất nước, ông giành được một số chiếc cúp, giúp vài đội bóng thăng hạng. Bộ sưu tập của ông bị Mourinho cười khẩy nhưng cuộc sống sân cỏ của ông sẽ còn rất phong phú trong nhiều năm tới.

Leicester khó có khả năng vô địch Ngoại hạng Anh, cùng khó chen chân được vào tốp 2. Nhưng chắc chắn Ranieri sẽ không bị sa thải vì chuyện này. Có nhiều cách để trở thành người chiến thắng.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm