Chiều 7/12, hàng chục hộ dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiếp tục dùng ôtô, băng rôn tập trung phía nam cầu Bến Thủy 1 để phản đối Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 4 (Cienco 4) thu phí qua cầu này. Đây là ngày thứ 5 họ làm việc này.
Ông Nguyễn Văn An (45 tuổi) cho rằng người dân ở thị trấn Xuân An không sử dụng tuyến đường tránh Vinh nhưng vẫn phải gánh phí. “Đây là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi không sử dụng đường BOT tại sao lại bắt chúng tôi đóng?”, ông An đặt câu hỏi.
Trước đó, trong cuộc đối thoại với người dân, ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc tuyến đường BOT tránh Vinh cho biết từ ngày 1/1, người dân phụ cận cầu Bến Thủy đã được hỗ trợ giá vé tháng và quý. Nhưng hiện tại việc này không còn áp dụng do thực hiện theo thông tư mới.
Người dân thị trấn Xuân An (khoanh đỏ) cho rằng họ không đi qua cầu Bến Thủy 1 (đường màu trắng bắc qua sông) nên không thể trả phí. Ảnh: GoogleMaps. |
Ông Sỹ cho hay dự án BOT từ năm 2012 về trước chỉ giới hạn phạm vi đường tránh thành phố Vinh. Tuy nhiên, sau năm 2012 Cienco 4 thông xe tuyến tránh nam cầu Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh nên cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho kéo dài thêm 35 km từ cầu Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh.
Trước chất vấn của người huyện Nghi Xuân, ông Sỹ cho biết mình chỉ có thể trả lời được như thế còn các câu hỏi khác sẽ được ghi lại và báo lên cấp trên.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco 4 cho biết đơn vị này đang làm đề xuất báo cáo lên các bộ ngành liên quan sau khi Thường trực tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tạo điều kiện cho người dân lưu thông qua cầu Bến Thủy 1.
Cụ thể, sau sự cố người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tập trung để phản đối việc không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải gánh phí, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã làm việc với nhà đầu tư (Cienco 4) nhằm tìm giải pháp hợp lý nhất.
5 ngày liên tiếp người dân tập trung ở cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí của Cienco 4. Ảnh: Phạm Hòa. |
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Cienco 4 xem xét khôi phục lại việc bán vé tháng, quý cho bà con khu vực hai đầu cầu Bến Thủy như trước để tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Theo ông Nghĩa, ngày 8/12 Cienco 4 sẽ trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để có hướng giải quyết một cách hợp lý nhất. Cụ thể có hai phương án, một là dùng ngân sách để bù vé tháng cho chủ phương tiện hai bên trạm thu phí như đã triển khai từ tháng 1 đến tháng 11. Cách thứ hai là sửa thông tư 255 ngày 20/11.
Ông Nghĩa cho rằng phương án thứ nhất là không hợp lý vì lưu lượng phương tiện qua cầu ngày càng lớn. Từ 300 xe trong tháng 1 tăng lên 850 xe đến tháng 11, chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền gần 3,9 tỷ đồng để bù lỗ. Nếu kéo dài phương án này thì không nhà đầu tư nào chịu được.
Cũng 5 ngày liên tiếp lực lượng chức năng phải túc trực phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu này. Ảnh: Phạm Hòa. |
Phó tổng giám đốc Cienco 4 cho biết trước mắt, trong thời gian đang chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, trả lời thì Cienco4 sẽ tiếp tục sử dụng phương án đã áp dụng trước đó là bù lỗ trong thời gian tháng 12 và đầu năm 2017 (900.000 đồng/vé mỗi tháng so với 1,2 triệu đồng/vé mỗi tháng như từ sau thông tư 255 có hiệu lực). Nếu những chủ phương tiện nào mua vé tháng trong tháng 12 với số tiền lớn hơn thì chủ đầu tư sẽ trừ vào vé tháng 1/2017 tới đây.
Tuy nhiên, tiếp xúc với Zing.vn chiều 7/12, người dân huyện Nghi Xuân cho rằng, do không phải là hộ nghèo nên họ không cần tiền hỗ trợ của Cienco 4. Nếu họ đi đường BOT thì họ sẽ phải trả tiền phí là điều đương nhiên. Nhưng họ khẳng định không sử dụng một mét đường nào mà Cienco 4 đầu tư xây dựng cả.
“Chính vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến khi nào nhà đầu tư có cách giải quyết ổn thỏa thì mới chịu”, ông An nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 được cho phép thu phí BOT từ năm 2005, sau khi được bổ sung các dự án theo hợp đồng BOT cho cụm các dự án thì trạm được thu phí đến tháng 4/2044.