Cựu giám đốc CIA George Tenet và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tại trụ sở CIA năm 2001. . |
Hôm 9/12, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã công bố bản báo cáo điều tra về chương trình bắt giữ và tra tấn của CIA, tiết lộ những kỹ thuật tra tấn “tàn bạo, phi đạo đức” mà cơ quan tình báo này đã áp dụng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.
Bản báo cáo về các biện pháp tra tấn của CIA như trấn nước, dộng đầu vào tường, nhốt vào hộp nhỏ như quan tài, hay đe dọa giết hại người thân đã khiến dư luận cả thế giới bàng hoàng. Thế nhưng ít ai ngờ rằng chương trình tra tấn tàn bạo trên lại là “sản phẩm” của hai chuyên gia tâm lý, những người đã bỏ túi hàng chục triệu USD để dạy cho CIA cách tra tấn tù nhân.
Hai nhà tâm lý này chính là James Elmer Mitchell và Bruce Jessen, những chuyên gia ký hợp đồng với CIA để xây dựng “chương trình thẩm vấn tăng cường” mặc dù họ không có kinh nghiệm thẩm vấn trong thực tế.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ nhấn mạnh cặp đôi này đã phát triển “nghệ thuật tra tấn” cho CIA, áp dụng chúng một cách bừa bãi, kiếm bộn tiền từ đó, và liên tục dối trá về hiệu quả của chúng.
Hai nhà tâm lý này trước kia là huấn luyện viên trong một chương trình mang tên SERE của Không quân Mỹ chuyên huấn luyện cho các binh sĩ cách đối phó với các cuộc thẩm vấn nếu rơi vào tay đối phương.
Bruce Jessen (trái) và James Elmer Mitchell, "cha đẻ" chương trình bắt giữ và thẩm vấn tàn bạo của CIA. |
Trước đây, CIA từng thừa nhận rằng việc thẩm vấn bằng tra tấn không có hiệu quả. Năm 1989, CIA thông báo với Quốc hội Mỹ rằng “những kỹ thuật tra tấn về tâm lý và thể xác vô nhân đạo là phản tác dụng vì chúng không tạo ra thông tin tình báo và có thể khiến đối tượng nói dối”.
Tuy nhiên từ sau vụ khủng bố 11/9, CIA đã phớt lờ chính những tuyên bố trên của mình và thuê hai chuyên gia tâm lý trên thiết kế một chương trình “thẩm vấn tăng cường” dựa trên tra tấn để moi thông tin của tù nhân.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nhấn mạnh: “Cả hai nhà tâm lý trên đều không có kinh nghiệm thẩm vấn, cũng không có kiến thức chuyên sâu về al Qaeda, chưa từng làm việc trong lĩnh vực chống khủng bố, cũng không có chuyên môn về văn hóa hay ngôn ngữ”.
Thế nhưng, hai chuyên gia này đã thuyết phục được CIA và chính quyền Mỹ rằng nếu họ được phép sử dụng lại các kỹ thuật thẩm vấn từng áp dụng trong chương trình SERE, họ có thể bẻ gãy ý chí kháng cự của tù nhân để có được những thông tin tình báo hữu ích.
Mặc dù họ không đưa ra được bất cứ bằng chứng chứng minh nào, CIA và Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho họ áp dụng các kỹ thuật thẩm vấn trong chương trình huấn luyện đó đối với các nghi phạm khủng bố.
Trước khi chương trình này được áp dụng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã sử dụng kỹ thuật xây dựng quan hệ để thu được thông tin tình báo quan trọng từ Abu Zubaydah, một trong những nghi phạm khủng bố đầu tiên bị bắt.
Từ một bệnh viện ở Thái Lan, Zubaydah đã khai với FBI rằng chính Khalid Shaikh Mohammed mới là kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công 11/9.
Các tù nhân trong một cơ sở giam giữ của quân đội Mỹ. |
Đúng lúc đó, CIA xuất hiện ở Thái Lan, tiếp quản nghi phạm này và bắt đầu áp dụng các biện pháp tra tấn để hạ gục Zubaydah như nhốt anh ta vào một chiếc hộp nhỏ, mở nhạc mạnh suốt ngày đêm, bỏ vào phòng lạnh.
CIA tuyên bố rằng những biện pháp tra tấn này là có hiệu quả, và nó bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở các nhà tù và trung tâm thẩm vấn do CIA quản lý. Họ đã cố tình quên một thực tế rằng các kỹ thuật tra tấn này được rút ra từ chương trình SERE, một chương trình vốn đào tạo cho người ta cách khai báo thông tin giả.
Nhiều nhân viên CIA tham gia vào chương trình thẩm vấn này đã nhận ra sự tàn bạo và kém hiệu quả của nó nên đã gửi nhiều email và báo cáo tới các đồng nghiệp và cấp trên về những gì đang diễn ra.
Một trong những báo cáo đó cho biết nghi phạm Khalid Shaikh Mohammed đã bị trấn nước 183 lần nhưng hầu như không khai báo thông tin gì có giá trị, thậm chí còn cung cấp thông tin giả.
Các kỹ thuật tra tấn tù nhân của CIA bị đánh giá là quá tàn bạo và kém hiệu quả. |
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, CIA và các lãnh đạo ở Nhà Trắng vẫn tin tưởng vào chương trình tra tấn do Michell và Jessen thiết kế, giám sát và đánh giá. Đổi lại, hai người này đã được CIA chi trả 180 triệu USD, trong đó một khoản tiền 81 triệu USD được trả vào thời điểm thỏa thuận giữa hai bên chấm dứt vào năm 2009.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ khẳng định các kỹ thuật thẩm vấn trên không hề có hiệu quả, và không hề có chứng cứ đáng tin cậy nào chứng minh hiệu quả của chúng.