Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển về văn phòng đại diện mới, Mỹ có chính sách mới với Đài Loan?

Mỹ sẽ chuyển văn phòng đại diện tại Đài Loan vào tháng sau. Nhưng với nhiều diễn biến gần đây, việc này có thể báo hiệu sự chuyển biến lớn về chính sách của Mỹ với Đài Loan.

Gần 500 nhân viên, bao gồm các nhân viên quân sự sẽ chuyển đến khu phức hợp mang tên Học viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), trị giá 255 triệu USD ở quận Neihu của Đài Bắc vào ngày 6/5.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Marie Royce đã nói AIT là “biểu tượng của hợp tác Mỹ - Đài Loan mạnh mẽ và năng động trong thế kỷ 21” trong một buổi lễ tháng 6/2018.

Nhưng các chuyên gia trả lời báo South China Morning Post đã thẳng thắn hơn trong nhận định, và cho rằng AIT cũng có thể được coi là cột mốc đánh dấu chính sách hoàn hoàn mới, đến từ cả tổng thống lẫn Quốc hội Mỹ, có mục tiêu xích lại gần hơn với Đài Loan mạnh dạn hơn hẳn so với hiện trạng mối quan hệ đã tồn tại 40 năm nay.

quan he My Dai Loan anh 1
Văn phòng đại diện mới của Mỹ ở khu phức hợp mang tên Học viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) ở Đài Bắc. Ảnh: AFP.

Mỹ xác nhận quân nhân làm việc ở Đài Loan

Washington đã luôn thận trọng trong quan hệ với Đài Loan từ khi thiết lập quan hệ với Bắc Kinh năm 1979. Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, cảnh báo Washington hãy cắt bỏ mọi quan hệ với Đài Loan.

Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan và đã có Đạo luật Quan hệ với Đài Loan từ năm 1979, theo đó cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan.

Giáo sư khoa học chính trị Wang Kung-yi ở Đại học Văn hóa Trung Hoa ở Đài Bắc nói với South China Morning Post rằng văn phòng đại diện của Mỹ đã luôn cố gắng thận trọng, tránh tạo căng thẳng với Trung Quốc, nhưng điều này không còn đúng từ thời Tổng thống Trump.

Trưởng đại diện của Mỹ ở Đài Loan Brent Christensen đã không ngại lên tiếng ủng hộ Đài Loan, phản đối các đe dọa của Trung Quốc đại lục trên mạng xã hội của AIT, đồng thời tổ chức hàng loạt sự kiện kỷ niệm quan hệ với Đài Loan. Ông còn tổ chức buổi họp báo chung chưa từng có với cơ quan đối ngoại của Đài Loan.

Trong một diễn biến nổi bật, ngày 3/4, AIT lần đầu tiên xác nhận sự hiện diện của quân nhân Mỹ ở văn phòng AIT tại Đài Loan kể từ năm 2005, và nói điều này sẽ tiếp tục.

“Kể từ 2005, nhân viên chính phủ Mỹ làm việc tại AIT bao gồm nhân viên quân sự, bao gồm các sĩ quan từ lục quân, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến”, người phát ngôn AIT xác nhận việc được nghi ngờ từ lâu.

quan he My Dai Loan anh 2
Hải quân Mỹ đã điều hai tàu chiến qua eo biển Đài Loan ngày 24/3, gây căng thẳng với Trung Quốc. Ảnh: AP.

"Đang dần bình thường hóa" quan hệ?

Sau lời xác nhận trên của AIT, chủ tịch ủy ban phòng vệ và đối ngoại trong hội đồng lập pháp của Đài Loan thậm chí còn nói Mỹ “đang dần bình thường hóa” các tương tác với Đài Loan, giống như phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần trước. Nghị sĩ Freddy Lim trong hội đồng cũng đã phát biểu tương tự.

Ngày 27/3, ông Pompeo đã nói Mỹ đang “có cái nhìn toàn diện hơn các chính quyền trước” về nguy cơ từ Trung Quốc và về nỗ lực giúp Đài Loan giữ lấy các đồng minh ngoại giao, đồng thời cam kết tận dụng Luật Đi lại Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao trong chính quyền đến hòn đảo này, để nâng tầm quan hệ Washington - Đài Bắc.

Ngày 21/3, Hạ nghị sĩ Mỹ Steve Chabot kêu gọi chính quyền Trump thách thức nguyên tắc Một Trung Quốc. Ngày 1/4, Hạ viện Mỹ cũng đề ra dự thảo nghị quyết tái khẳng định cam kết của Mỹ với Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.

Cũng có những ý kiến khác hoài nghi việc đang có nỗ lực bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ - Đài Loan, và cảnh báo Đài Loan phải thận trọng khi đứng giữa cạnh tranh nước lớn Mỹ - Trung.

“Thay đổi chính sách như trên liên quan nhiều hơn đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Trump, cũng là một chính sách mới của Mỹ với khu vực... là một công cụ để kiềm chế sự mở rộng kinh tế, quân sự của Bắc Kinh tại khu vực”, ông Yen Chen-shen, nhà nghiên cứu cao cấp ở Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nói với South China Morning Post.

Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan đã xấu đi kể từ khi chính quyền của bà Thái Anh Văn lên nắm quyền ở Đài Loan năm 2016 và từ chối công khai công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc" (tức các lãnh thổ Hong Kong, Macau và Đài Loan đều thuộc về Trung Quốc).

Gần đây, bà Thái đã phản bác cứng rắn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thống nhất với Đài Loan theo mô hình "một nhà nước, hai chế độ", giống Hong Kong và Macau.

"Đài Loan vẫn là một con tốt để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc, và trong quan hệ ngày càng phức tạp giữa Trung Quốc và Đài Loan, chính quyền Thái Anh Văn có thể mất tất cả nếu lạm dụng lá bài Mỹ", giáo sư Wang từ Đại học Văn hóa Trung Hoa nói.

Đài Loan sẽ 'quyết liệt tống khứ' máy bay Trung Quốc xâm phạm

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã ra lệnh "quyết liệt tống khứ" các máy bay Trung Quốc nếu chúng tiếp tục vượt qua "đường trung tuyến" phân định hòn đảo và đại lục trong tương lai.

Mỹ điều hai tàu chiến qua eo biển Đài Loan, thách thức Trung Quốc

Hai tàu thuộc lực lượng hải quân và tuần duyên Mỹ đi qua khu vực eo biển Đài Loan trong ngày 24/3, giữa lúc Washington đang gia tăng mật độ các hoạt động trên vùng biển chiến lược.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm