Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyện về tỷ phú giúp Premier League bùng nổ

Đằng sau sự phát triển và vươn mình của Premier League là những chiêu trò, sử dụng các ngón đòn kinh tế hay gây sức ép nơi hậu trường.

Cuốn sách với tên gọi: “Các CLB: Hành trình trở thành giải đấu khó đoán, giàu có và đột phá của Premier League” của 2 tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg cung cấp cho người đọc những kiến thức và câu chuyện đằng sau sự trỗi dậy của giải đấu hàng đầu xứ sương mù.

Người Anh luôn tự nhận mình là quê hương của bóng đá. Người Anh cũng là những CĐV hâm mộ bóng đá được xếp vào loại cuồng nhiệt bậc nhất thế giới.

Tuy nhiên, những chất liệu ấy là chưa đủ để Premier League trở thành giải đấu thu hút nhiều sự chú ý nhất hành tinh.

Premier League anh 1

Chuyện chưa kể của Premier League

Gần 3 thập niên kể từ ngày mang tên gọi Premier League, giải đấu số một nước Anh đã trở thành hình mẫu tiêu biểu cho ngành công nghiệp bóng đá trên toàn thế giới.

Người ta đã nói nhiều về sự ra đời của Premier League vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Cách các nhà làm bóng đá Anh tạo ra sự thay đổi, những cuộc cách mạng hay đột phá về cách làm giải đấu cũng được nói nhiều.

Trong cuốn sách của mình, Joshua Robinson và Jonathan Clegg đã hé lộ nhiều câu chuyện ly kỳ của cuộc đàm phán giữa ban tổ chức Premier League, các CLB với những ông trùm của truyền hình thế giới.

Cuộc chơi đó có sự xuất hiện của Rupert Murdoch, ông trùm đã khuynh loát những chính trường lớn nhất thế giới từ Mỹ, Anh đến Australia.

Quyền lực của Murdoch lớn đến mức tháng 5/2019, New York Times phải có bài điều tra dài về sức mạnh “không thể đụng tới” của tỷ phú này.

Trong suốt lịch sử, có rất ít người có tầm ảnh hưởng lớn đến vậy lên các sự kiện toàn cầu. Và sự bùng nổ của Premier League như ngày hôm nay có bàn tay của Murdoch.

Premier League anh 2

Premier League đã bay cao nhờ khoản thu nhập từ bản quyền truyền hình trong nhiều năm qua. Ảnh: Getty.

Trước thời Daniel Levy, Tottenham Hotspur có một chủ tịch khá đồng bóng là Alan Sugar, nhưng đừng coi thường doanh nhân này.

Tháng 5/1992, 3 tháng sau cuộc hẹn ăn tối nổi tiếng bên bờ sông Thames khai sinh ra Premier League, Sugar đã có cuộc nói chuyện mang tính bước ngoặt với Murdoch.

Khi những thông tin về format mới của Premier League hình thành, các đơn vị truyền hình hàng đầu nước Anh đã vào cuộc.

ITV đề nghị trả 205 triệu bảng cho bản quyền giải đấu và sau đó tăng lên tới 262 triệu bảng. Tuy nhiên, Sugar đã khiến các tay đàm phán của ITV đỏ mặt và xấu hổ khi công khai nói với Murdoch qua điện thoại: “Hãy thổi bay bọn ITV ra khỏi mặt nước”.

Murdoch khi đó cần cú hích cho hệ thống truyền hình trả tiền Sky Television (sau này cực kỳ nổi tiếng với các kênh như Sky Sports) đang thua lỗ nặng nề của mình, và ông đã tạo ra một trong những màn trả giá gay cấn cũng như đầy chiêu trò trong buổi đầu của truyền hình bóng đá thế giới.

Ngay từ khi được Sugar giới thiệu về Premier League phiên bản mới, Murdoch đã mường tượng ra được tầm ảnh hưởng của giải đấu trong tương lai. Ông tin Premier League có thể là giải đấu sẽ cứu rỗi, thậm chí nuôi sống hệ thống truyền hình trả tiền đang thua lỗ của mình.

Murdoch không lạ gì việc kinh doanh nhờ bóng đá. Từ năm 1969, Murdoch cho ra đời một ấn phẩm báo chí với tên The Sun, là tập hợp của bóng đá, tin đồn và những người mẫu hở hang. Sau 3 năm, The Sun trở thành tờ báo bán chạy nhất ở Anh.

Murdoch đã sử dụng tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ của mình, thuyết phục những người khai sinh ra Premier League rằng ông và hệ thống truyền hình của mình mới là đơn vị có thể tạo ra bước ngoặt thay đổi cho giải đấu.

Tất nhiên, sức mạnh tài chính của Murdoch là vũ khí mạnh nhất của họ. Các nhân viên của ông đã hứa hẹn về khoản tiền trị giá hơn 30 triệu bảng gửi đến ban tổ chức để hỗ trợ việc điều hành giải đấu.

Premier League anh 3

Trước khi có được thành quả như ngày hôm nay, giải đấu số một bóng đá Anh từng bị đánh giá thấp về mặt thương mại. Ảnh: Sky Sports

Bóng đá Anh từng là “món hàng ế”

Các CLB bóng đá Anh muốn thay đổi, nhưng họ chú ý nhiều hơn đến lợi ích riêng có thể nhận được thay vì những thứ bao quát như là hình ảnh hay thương hiệu của giải đấu.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bóng đá xứ sương mù rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tình hình kinh tế của các CLB gặp khó, sân vận động xuống cấp, trong khi nạn bạo lực trên khán đài vì hooligan lan tràn.

Bóng đá Anh vì thế không được nhiều đơn vị truyền hình ưa thích. Về cơ bản, giải Football League First Division của Anh chưa phải là món hàng truyền hình thực sự.

Sau những cuộc thương thảo bất thành với BBC và ITV, mùa giải 1985/86 của bóng đá Anh khởi tranh mà không bán được bản quyền truyền hình.

Không có các trận đấu được phát sóng trực tiếp, cũng không có các highlights sau trận. Đó gần như là mùa giải vô hình.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi các CLB Anh bị cấm thi đấu 5 năm tại cúp châu Âu vì thảm họa Heysel vào năm 1985. Sự quá khích của các CĐV Anh đã dẫn tới thảm kịch khi 39 người thiệt mạng và 376 người bị thương.

Bóng đá Anh trở nên lạc hậu không thể cứu vãn so với các cường quốc bóng đá trong khu vực. Giải đấu cao nhất xứ sương mù chứng kiến các ngôi sao hàng đầu như Paul Gascoigne, David Platt tháo chạy ra nước ngoài.

Những nhà lãnh đạo của nhóm 5 CLB lớn nhất nước Anh thời điểm đó gồm Arsenal, MU, Tottenham, Liverpool và Everton đã lên kế hoạch cải tổ nền bóng đá.

ITV nghĩ nhờ có mối quan hệ lâu năm với các nhà làm bóng đá Anh, họ đang chiếm lợi thế trong việc mua bản quyền của Premier League mới.

Ngày 18/5/1992, người của ITV đến khách sạn Royal Leicester rất sớm với phong bì trên tay. Biết được thông tin này, Ricky Parry, CEO đầu tiên của Premier League, lập tức đánh thức Murdoch, người đang ngủ ở New York và tỷ phú này lập tức ủy quyền cho một cuộc trả giá mới.

Lợi thế từ những kẻ tay trong như Parry hay Sugar (người vừa tiếp quản Tottenham) đã giúp Murdoch và Sky thắng thế. 14 CLB đồng ý bán bản quyền cho công ty của Murdoch. 6 CLB đồng ý bán cho ITV.

Sky khi đó đang nợ ngập đầu, nhưng cuối cùng họ vẫn thắng. Ngày 16/8/1992, trận Super Sunday đầu tiên của Premier League được diễn ra khi Liverpool gặp Nottingham Forest.

“Sự kết hợp với Sky là một trong những chìa khóa giúp Premier League thành công như hôm nay”, Parry hồ hởi nhớ lại.

Parry coi chiến thắng của Sky và Murdoch khi đó cũng chính là chiến thắng của Premier League. Chính phi vụ mua bán đó đã tạo ra sự bùng nổ về bản quyền truyền hình cho giải đấu như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, với nhiều thành viên trong đội đàm phán của ITV, thất bại cay đắng trước Murdoch và Sky thật khó nuốt trôi. Nhất là khi họ thấy Premier League đã bùng nổ như thế nào trong vài thập niên sau đó.

Gary Neville bị truy tìm khi Liverpool vô địch Premier League Đoạn video mang tính hài hước từ Sky Sports chế giễu sự xấu hổ và trốn tránh của cựu danh thủ MU Gary Neville, sau khi Liverpool vô địch Premier League mùa 2019/20.

MU cần mua những cầu thủ nào để đua vô địch Premier League

Nhiều chuyên gia bóng đá Anh nhận định rằng “Quỷ đỏ” cần nổ vài ba bom tấn nữa trên thị trường chuyển nhượng, để có thể đua vô địch Premier League mùa tới.

Hồng An

SÁCH HAY