Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chuyện về ông chủ nhà hàng muốn thay đổi ngành giảm giá

Khai sinh JAMJA nhằm giải quyết vấn đề mà bản thân đang gặp phải khi vận hành nhà hàng, Lê Hùng Việt đang muốn biến dự án này thành một siêu ứng dụng tạo ảnh hưởng cho xã hội.

jamja la ung dung nao anh 1jamja la ung dung nao anh 2

Khai sinh JAMJA nhằm giải quyết vấn đề mà bản thân đang gặp phải khi vận hành nhà hàng, Lê Hùng Việt đang muốn biến dự án này thành một siêu ứng dụng tạo ảnh hưởng cho xã hội.

Nhà sáng lập Lê Hùng Việt tiếp phóng viên tại trụ sở đi thuê nằm ở tầng 4, trong một tòa nhà không có thang máy, trong không gian mở với vài chục con người ngồi quanh hai bàn dài, cùng làm việc và tương tác. Điểm chung của họ là đều còn trẻ. Sáng lập viên của ứng dụng này thuộc đời cuối 8X và thuộc nhóm "người già" trong đội ngũ. 

Anh không giấu diếm tham vọng "muốn tham gia vào cuộc chơi lớn". Và vì thế, anh sớm xác định tâm thế "không nên bo bo giữ cho mình phần nhiều".

"Nếu mình chọn được nhà đầu tư tốt thì việc cùng nhau tạo ra một công ty lớn quan trọng hơn việc mình giữ được bao nhiêu cổ phần. Chừng nào doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh thì dù cổ phần của mình nhỏ, không ai muốn thay thế mình cả", anh nói. 

jamja la ung dung nao anh 3

- Chúc mừng anh và JAMJA với thành công ở vòng gọi vốn mới từ các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản. Cơ duyên nào đã đưa anh khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng giảm giá, khuyến mại? 

- JAMJA ra đời 2015, nhưng ý tưởng về nó hình thành từ năm 2014, khi mình thất bại trong việc kinh doanh. 

Khi đó, nhà hàng mình mở ra chỉ đạt 20-30% số bàn vào thời điểm trưa và tối, lúc mình cần đông khách nhất. Con số này không thể đáp ứng doanh thu và lợi nhuận. 

Thời điểm đó, lĩnh vực ứng dụng di động rất phát triển nên mình mới nghĩ sao không có ứng dụng di động cho phép các chủ cửa hàng trực tiếp chụp ảnh món ăn và đăng thông tin giảm giá để tiếp cận tới người dùng trong bán kính từ 3-5 km xung quanh đấy và ngay lập tức khách hàng có thể đến sử dụng sản phẩm, dịch vụ, từ đó giúp cho hàng quán luôn đông khách. 

Các nền tảng giảm giá lúc đó chủ yếu hoạt động dưới dạng nền tảng trang web bán voucher, trong khi mình cần một giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn để lấp được số bàn trống mà mình đang bị thiếu khách. 

jamja la ung dung nao anh 4

Mình nói chuyện với những người bạn am hiểu kỹ thuật và họ rất thích ý tưởng đó. Đến cuối năm 2014, đầu 2015 khi mình chuẩn bị đóng cửa nhà hàng, họ bảo tại sao không khởi nghiệp luôn bằng ý tưởng mình đã nói với họ ngày trước. 

- Là dân tay mơ về công nghệ, anh đã bắt đầu startup trong lĩnh vực này ra sao? 

- Mình là dân kinh tế, cũng không nghĩ có thể mở một công ty về công nghệ được. Tuy nhiên mình đọc một vài cuốn sách hướng dẫn đơn giản rằng để thành lập một startup công nghệ thì bạn chỉ cần một người làm kinh doanh, một người làm kỹ thuật và một người vẽ, thiết kế giao diện đồ họa của ứng dụng. Mình đã cố gắng tìm những điều mình còn thiếu và sau vài tháng JAMJA ra đời. 

- Từng thất bại kinh doanh trước đó, điều gì giúp anh không an phận làm công ăn lương mà bỏ ra làm startup? 

- Mình từng trải nghiệm ít nhất 2 thất bại. Thời sinh viên mình có dự định thành lập một trang thương mại điện tử dạng như Vật Giá nhưng dự án chưa kịp ra đời thì nhóm đã tan rã. 

Hai năm sau, mình mở nhà hàng, đã mở 3 địa điểm nhưng sau đó phải đóng cửa 2 cái, chỉ còn một cái rất nhỏ để cho vui thôi.  

Động lực để mình tiếp tục kinh doanh không đến ngay. Ban đầu mình chỉ muốn có một cái gì đó mới mẻ, vừa làm công ăn lương, vừa có một cái gì đó nhỏ xinh để tạo thu nhập thụ động.  

Nhưng rồi mình nhận ra kinh doanh mới là đam mê của mình, đã chảy ở trong máu rồi chứ không chỉ là làm cho vui hay để kiếm thêm thu nhập. Mình muốn làm một cái gì đó lớn hơn để mở rộng doanh nghiệp. Mình quyết định nghỉ việc để chuyên tâm làm nhà hàng. 

Những thất bại ban đầu củng cố cho mình một ý tưởng là nếu thất bại tiếp thì vẫn phải tiếp tục vì con đường đã xác định là kinh doanh. Mình đã xác định nếu nhà hàng thất bại, mình vẫn sẽ khởi nghiệp tiếp. Đen đủi là nó thất bại thật (cười). Tuy nhiên do đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên mình bắt tay luôn vào làm ứng dụng. 

- Giữa ý tưởng và thực tế triển khai JAMJA có khoảng cách nào không? 

- Đúng là có rất nhiều khoảng cách. Khoảng cách quan trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt là những đơn vị như JAMJA luôn muốn có mức giảm giá sâu nhất, người dùng cũng muốn có mức giảm giá sâu nhất để tiết kiệm chi phí nhưng các chủ nhà hàng, doanh nghiệp không thể liên tục chạy các chương trình giảm giá sâu được vì chạy như vậy họ không thể có lợi nhuận.  

Trong 1,5 năm đầu tiên, chúng tôi đi theo con đường cố gắng để có giảm giá sâu và nhận ra một vấn đề là nhiều doanh nghiệp không thể hợp tác lâu dài được. 

Thực tế đó đã giúp chúng tôi tạo ra một sản phẩm mới mà nay là sản phẩm cốt lõi đó là giảm giá theo khung giờ.

Sản phẩm này giải quyết vấn đề cơ bản là kể cả các nhà hàng có đông như thế nào, họ cũng sẽ có một lượng bàn trống, có một lượng suất ăn không thể bán được vào mỗi khung giờ nhất định. Giờ đông nhất có thể bán được 70-80% công suất và giờ vắng có thể được 30% công suất thôi. Vậy lượng bàn trống trên phải làm như thế nào trong khi nguyên liệu đã được đầu tư mua trước, nhân công đã thuê.

Giải pháp của chúng tôi là cho phép các chủ nhà hàng đưa ra các mức giảm giá khác nhau theo từng khung giờ. Giờ đông thì chủ nhà hàng chỉ cần giảm 20% trong khi giờ vắng như 1h chiều hay 11h sáng có thể giảm tới 50%. 

Bằng cách giảm như vậy, chúng tôi giải quyết được bài toán cho chủ doanh nghiệp là giảm giá sẽ đi theo tình hình kinh doanh còn khách hàng sẽ có nhiều dải giảm giá khác nhau. Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, bạn có thể đến sớm hơn một chút hoặc muộn hơn một chút để hưởng mức giảm giá sâu. Còn nếu bạn không có thời gian bạn có thể đến đúng giờ cao điểm nhưng sẽ nhận mức giảm giá thấp hơn.  

Cách này sẽ giúp doanh nghiệp, khách hàng và chúng tôi kết nối với nhau theo dạng hình tròn, lợi ích được đảm bảo cân bằng các yếu tố. 

- Doanh thu của các anh đang tới nhiều nhất từ nguồn nào? 

Chúng tôi hiện có 2 nguồn doanh thu, một nguồn là phí hoa hồng thông qua việc giúp kéo khách hàng đến cho các doanh nghiệp đối tác và thu một phần hoa hồng từ đối tác.

Nguồn doanh thu thứ hai, nhỏ hơn, đến từ việc các doanh nghiệp sử dụng ứng dụng như một công cụ để truyền thông khuyến mãi của họ. Giả sử có nhiều doanh nghiệp chạy chương trình khuyến mãi nhưng thiếu đi kênh truyền thông vì họ không có tập khách hàng quan tâm tới sản phẩm giảm giá và tiêu dùng ngay lập tức trong khi chúng tôi có tập đối tượng đó lên tới hàng triệu người dùng.

jamja la ung dung nao anh 5

- Có nhiều nét giống với mô hình mua chung từng rất phổ biến trước đây rồi tàn lụi, anh có nghĩ rằng tương lai của JAMJA cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự? 

JAMJA sẽ đi vào vết xe đổ đó nếu chúng tôi làm giống mô hình mua chung, đơn giản chỉ bán voucher. Thị trường sẽ đến giai đoạn cạnh tranh duy nhất bằng mức giảm giá, các nền tảng mua chung muốn cửa hàng giảm thật sâu dẫn tới không thể sinh lợi nhuận và không thể cộng tác lâu dài. Người dùng khi đó sẽ mất đi lựa chọn về sản phẩm giảm giá. 

jamja la ung dung nao anh 6

1-2 năm gần đây chúng tôi nhận ra điều đó và chiến lược trong tương lai sẽ đi theo hai hướng, một là mở rộng nhanh nhất các sản phẩm giảm giá có thể để đa dạng lựa chọn cho người dùng và cái thứ hai quan trọng hơn là tích hợp theo chiều dọc sản phẩm của mình. 

Câu hỏi đặt ra là có cách nào để tiện lợi hơn cho người dùng, không chỉ là giảm giá không? Hiện chúng tôi đã có chức năng đặt chỗ giảm giá, bạn không chỉ có mã giảm giá mà bạn còn có thể đặt được chỗ giảm giá mà không cần gọi tới cửa hàng.  

So sánh với mô hình mua chung trước đây, bạn phải mua voucher giấy, gọi điện đến cửa hàng để xác nhận hợp lệ, nhiều trường hợp đông khách nhà hàng có thể từ chối sử dụng voucher nhưng với ứng dụng của chúng tôi, bạn có thể được đảm bảo cứ lấy được mã giảm giá là bạn đã có chỗ ở cửa hàng. 

Phương án tích hợp theo chiều dọc sẽ giúp chúng tôi có nhiều cánh cửa để mở rộng hơn. Tương lai mình có thể nhìn thấy là người dùng sau khi có mã giảm giá có thể chọn được món ăn ngay trên nền tảng ứng dụng. Việc tích hợp chiều dọc sẽ mang lại sự tiện dụng cho người dùng và giúp chúng tôi cạnh tranh với các nền tảng khác không phải ở giảm giá nữa mà ở sự tiện lợi cho người dùng. 

- Anh đánh giá thế nào về tương quan của các anh với các đối thủ? Cơ sở nào để anh tự tin trong cuộc đua với các đối thủ? 

Các đối thủ trong ngành giảm giá là tương đối rộng, có các mô hình mua chung kiểu cũ, có mô hình mới như cách mà chúng tôi đang làm.

Điểm mạnh lớn nhất hiện tại chính là tốc độ phát triển. Nếu so sánh với các mô hình cùng cạnh tranh thì chúng tôi đang phát triển tương đối tốt và mục tiêu trong thời gian tới là đẩy nhanh tốc độ phát triển người dùng hơn nữa vì thị trường này rất lớn và rất nhiều đối thủ cũng có ý tưởng như chúng tôi đang làm.  

Do đó JAMJA cần mở rộng sản phẩm dịch vụ, tích hợp các tính năng cho người dùng thật nhanh. Đó là cái giúp chúng tôi tồn tại được. May mắn là thời điểm này chúng tôi đang có ưu thế về tốc độ. 

- Vậy đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình vận hành JAMJA? 

Mỗi giai đoạn phát triển, mình lại gặp một khó khăn khác nhau. Như giai đoạn tìm kiếm người đồng sáng lập, ý tưởng của mình rất sơ khai và mình không có hiểu biết nào về lập trình. Mình mất tới 6 tháng để làm được bởi ban đầu dù kết nối với rất nhiều bạn làm công nghệ nhưng đều bị từ chối vì không thể chứng minh cho họ thấy tiềm năng của ý tưởng. 

May mắn là mình tìm được người đồng hành sáng lập một cách rất tình cờ và cũng mất khá nhiều thời gian để đôi bên quyết định sẽ đầu tư thời gian và công sức cho ý tưởng này. 

Khó khăn tiếp theo là tại giai đoạn gọi vốn. Từ tháng 3/2015 đến hết năm 2015 là giai đoạn mình không thể gọi được vốn, gần như toàn bộ số tiền ban đầu của các đồng sáng lập đã tiêu hết sạch và đã phải đi vay rồi. 

Từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016, mình có gặp người cố vấn của mình rất nhiều để chia sẻ tình hình của JAMJA cũng như khó khăn về vốn mình đang gặp phải. Sau đó anh ấy có giới thiệu với một bên mà anh nghĩ sẽ quan tâm tới mô hình của chúng tôi. 2 tháng sau đó, mình đã nhận lượt góp vốn đầu tiên và lượng vốn đó đến từ Foody. 

jamja la ung dung nao anh 7

Mình nghĩ gọi vốn sẽ là khó khăn đến liên tục, kể cả thời điểm gọi vốn xong. Khi đó, cả cố vấn và đối tác góp vốn đều yêu cầu mình cần phải làm mới hoàn toàn mô hình kinh doanh của JAMJA, nếu không sẽ không thể có sự đột phá và không gọi vốn thêm được nữa.

Đến giữa năm 2016, sau khi có những điều chính mô hình nhất định, có tăng trưởng tốt, chứng minh được tiềm năng mô hình, ESP Capital đã quyết định rót vốn đầu tư. 

-  Sau nhiều vòng gọi vốn như vậy, giờ các anh đang kinh doanh ra sao? 

- Gọi vốn với chúng tôi chỉ giúp công ty tiếp tục tồn tại và tiếp tục chứng minh mô hình này có thể phát triển trong thực tế. Cái để đánh giá thành công trong thời giam vừa qua có lẽ là những yếu tố như chúng tôi là nền tảng đặt chỗ giảm giá theo giờ số 1 trên thị trường với 100.000 lượt đặt chỗ trong tháng 7/2018. Số lượng người dùng tích cực cũng đã cán mốc 1 triệu người dùng mỗi tháng. Số lượng đối tác chạy giảm giá theo khung giờ cũng đã tới con số 1.000. Tăng trưởng chung luôn ở mức 25-30% mỗi tháng. 

Những con số trên giúp chính chúng tôi và các nhà đầu tư hiểu được doanh nghiệp đang đi đúng hướng và vẫn phát triển được.

-  Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp startup tại Việt Nam chỉ chờ phát triển đủ lớn để bán mình, anh có nghĩ JAMJA là một trường hợp như vậy? 

- Mình cho rằng quan điểm làm doanh nghiệp để bán không phải là sai, nó phụ thuộc vào quan điểm làm kinh tế của mỗi người. Có những người xây để bán và cũng có những người xây để gắn bó, hi vọng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, lâu dài. Mình thuộc nhóm thứ 2 và tới tận bây giờ ý niệm bán JAMJA gần như là không có. 

Cũng nhiều người hỏi rằng liệu anh có bán hay không? Mình nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra khi có 2 điều kiện hội tụ. Thứ nhất là mình muốn xây dựng  một doanh nghiệp lớn, rất lớn và phải dẫn đầu thị trường và ảnh hưởng tới hàng triệu, chục triệu người dùng. Nếu mình cảm thấy JAMJA không đạt được ngưỡng đó, hay mô hình này không mang lại lợi ích cho hàng triệu người dùng, không thể có ảnh hưởng xã hội sâu rộng thì mình sẽ cân nhắc. 

Yếu tố thứ hai chính là bản thân mình. Nếu doanh nghiệp có tiềm năng trở thành số một nhưng bản thân mình không thể giúp nó phát triển tới mức đó. Khi hai yếu tố đó hội tụ thì mình nghĩ là nên bán vì khi đó doanh nghiệp của mình sẽ về với một doanh nghiệp lớn hơn, nằm trong chuỗi tổng thể của một doanh nghiệp lớn hơn, có ảnh hưởng sâu rộng hơn, họ có thể giúp JAMJA thành số một, mạnh hơn so với việc hoạt động độc lập. 

- Gọi vốn của quỹ đầu tư cũng khiến nhà sáng lập đứng trước nguy cơ mất kiểm soát doanh nghiệp. Anh đánh giá ra sao về rủi ro đó? 

Rủi ro đó hoàn toàn là có và chúng tôi luôn xác định như vậy.  

Để hạn chế rủi do trên, việc đầu tiên cần làm đúng là lựa chọn nhà đầu tư và nói cho họ câu chuyện gì. Các nhà đầu tư của chúng tôi đều có tiền, có tiếng, có tâm hoặc có tầm.

jamja la ung dung nao anh 8

Câu chuyện chúng tôi mang đến cho họ là chúng tôi không tạo ra một doanh nghiệp sẽ có lời ngay trong 2-3 năm mà đang cố thay đổi thói quen của một thị trường giảm giá rất có tiềm năng nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang làm chưa đủ và chưa đúng. Mục tiêu trước mắt là tăng trưởng người dùng và tạo ra thay đổi trước rồi mới quan tâm đến lợi nhuận. Chính câu chuyện đó đã giúp mình tìm được những nhà đầu tư đi được với chúng tôi tới thời điểm này. 

Hai là, ở mỗi giai đoạn gọi vốn, startup cần cân bằng thời điểm hết tiền và thời điểm tăng trưởng tốt. Nếu mình đang tăng trưởng tốt mà hết tiền, nhà đầu tư sẽ đầu tư theo giá trị đủ cao còn nếu mình rơi vào điểm tăng trưởng kém mà lại hết tiền thì định giá của mình sẽ rất nhỏ trong khi mình cần một lượng vốn nhất định để duy trì. Do đó việc thiết kế điểm gọi vốn là vô cùng quan trọng, quyết định đến mức độ pha loãng sở hữu. 

Điều cuối cùng chính là tâm thế của người sáng lập. Nếu mình muốn tham gia vào cuộc chơi lớn thì tốt nhất không nên bo bo giữ cho mình phần nhiều. Nếu mình chọn được nhà đầu tư tốt thì việc cùng nhau tạo ra một công ty lớn quan trọng hơn việc mình giữ được bao nhiêu cổ phần. 

Mình tin chừng nào doanh nghiệp của mình vẫn phát triển mạnh thì dù cổ phần của mình nhỏ, không ai muốn thay thế mình cả. Họ chỉ thay thế mình khi mình kém, năng lực của mình không đảm bảo. Nếu điều đó xảy ra, mình nghĩ là người sáng lập nên ra đi là điều đương nhiên, bởi nếu mình đặt câu chuyện là doanh nghiệp của mình phát triển chứ không phải mình phát triển thì mình nên ra đi để có người tốt hơn vận hành doanh nghiệp.

- Trong kinh doanh, anh có thần tượng ai không? 

Thần tượng lớn đầu tiên của mình là Steve Jobs. Đây chính là người đã truyền cảm hứng cho mình để đến với kinh doanh. 

Người thứ 2 chính là Einstein bởi trí tưởng tượng cực kỳ phong phú của nhà bác học này. Trong kinh doanh khởi nghiệp rất cần trí tưởng tượng để biết được mọi người sẽ ra sao, sản phẩm của mình nên như thế nào trong 5-10 năm nữa khi mà dữ liệu còn đang rất mơ hồ.

- Cá nhân một chút, thu nhập hàng tháng hiện nay của anh là bao nhiêu? 

Mình có lương (cười). Mình không thể tiết lộ mức lương nhưng lương của mình và các quản lý ở JAMJA đều thấp hơn so với mức chung của thị trường lao động rất nhiều và còn thấp hơn thu nhập những người giỏi của chúng tôi rất nhiều. 

Đối với những người sáng lập, nếu gọi được vốn thì sẽ được tăng lương một chút như một sự tưởng thưởng bản thân. 

Ngô Minh

Ảnh: Hoàng Hiệp
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm