Đại dịch Covid-19 đã sản sinh hàng nghìn ảnh chế, phổ biến nhất là "Điệu nhảy quan tài" (Coffin Dance hay Dancing Pallbearers) với hình ảnh những chàng trai mặc suit, đeo kính râm khiêng quan tài nhảy múa trong đám tang.
Nếu với đa số chúng ta, đám tang diễn ra trong không khí đau buồn, lặng lẽ thì tại quốc gia Tây Phi Ghana, mọi người muốn tổ chức nó một cách vui vẻ, hào hứng. Đó là nguồn gốc ra đời của nhóm khiêng quan tài nhảy múa, họ trở nên nổi tiếng hơn sau video "hành nghề" ghép với bài nhạc điện tử (EDM) có tên Astronomia được đăng lên mạng xã hội.
Hình ảnh nổi tiếng mùa dịch Covid-19
Dancing Pallbearers là những chàng trai làm việc trong dịch vụ tang lễ tại Ghana do Benjamin Aidoo làm đội trưởng. Lúc đầu đây chỉ là dịch vụ tang lễ bình thường, song Aidoo đã nảy sinh ý tưởng đưa nhảy múa vào các buổi tang lễ. Họ thường nhảy múa trong lúc vác quan tài trên vai trong suốt thời gian đưa tang.
Những anh chàng khiêng quan tài nhảy múa vốn đã được ưa thích trước khi nổi tiếng trong giới meme. Đoạn clip đầu tiên được người dùng Travelin Sister đăng lên YouTube ngày 22/1/2015 đã thu hút hơn 4,8 triệu lượt xem, sau đó là phóng sự của BBC News Châu Phi ngày 27/7/2017 đạt hơn 9,6 triệu lượt xem.
Ngày 2/5/2019, đoạn clip thứ 3 quay cảnh Dancing Pallbearers làm rơi quan tài trong lúc nhảy được đăng lên Facebook, sau đó là YouTube vào ngày 3/5/2019 thu hút hơn 3,1 triệu lượt xem.
Phải đến ngày 26/2, thì Dancing Pallbearers mới thực sự nổi tiếng sau khi tài khoản TikTok lawyer_ggmu đăng đoạn clip quay cảnh một người trượt băng bị té, sau đó là hình ảnh những chàng trai khiêng hòm nhảy múa trên nền nhạc Astronomia. Hiện đoạn clip đã có hơn 4,5 triệu lượt xem với hơn 490.000 lượt thích.
Từ đó, hình ảnh những vũ công khiêng quan tài trở thành chất liệu cho vô số meme trên Internet, hoặc được cắt ghép vào video ghi lại các pha vụng về hài hước. Các video có sự xuất hiện của Dancing Pallbearers luôn thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn tương tác trên mạng xã hội.
Nét văn hóa tại nhiều nơi trên thế giới
Nhảy múa với người đã khuất không phải điều mới mẻ. Từ thời trung cổ, người ta đã sáng tác những bức tranh vẽ cảnh con người khiêu vũ cùng các bộ xương với tên gọi “danse macabre” (vũ điệu của cái chết).
Và nhảy múa trong tang lễ cũng là một nét văn hóa ở vùng New Orleans, Mỹ, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, như một cách để tôn vinh cuộc đời người vừa nằm xuống, đồng thời vực dậy tinh thần thân nhân họ.
Những chàng trai mặc suit, khiêng quan tài nhảy múa đang là hình ảnh gây bão Internet những ngày qua. Ảnh: Giphy. |
Tại thị trấn Prampram thuộc quốc gia Tây Phi Ghana, Nana Otafrija Pallbearing & Waiting Services là dịch vụ tang lễ gồm 6 người đàn ông thường mặc suit, đeo kính râm.
Là phong tục truyền thống tại Ghana, người dân ở đây cho rằng khiêu vũ với quan tài trong đám tang sẽ khiến người quá cố cảm thấy an lòng, đám tang không phải đau buồn mà người đã mất sẽ tiếp tục cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Dù đời sống còn khó khăn, họ sẵn sàng chi 400 USD thuê đội nhảy múa và khiêng quan tài này.
Ca khúc EDM 10 năm bỗng nổi tiếng
Không chỉ nhóm khiêng quan tài, Dancing Pallbearers cũng giúp ca khúc Astronomia được chú ý. Ca khúc được nghệ sĩ người Nga Tony Igy ra mắt năm 2010, phiên bản mới kết hợp cùng nhóm nhạc Vicetone đến từ Hà Lan phát hành năm 2014.
Từ khi Dancing Pallbearers nổi tiếng, lượt nghe của Astronomia cũng tăng vọt. Vicetone cho biết ca khúc này đã được phát một triệu lần mỗi ngày trên Spotify trong tháng 4, trước đó con số trên chỉ là 75.000.
Tony Igy là tác giả ca khúc EDM nổi tiếng nhờ Dancing Pallbearers. Ảnh: Variety. |
Không chỉ vậy, Astronomia còn là ca khúc được "Shazam" nhiều thứ 2 (ứng dụng nghe nhạc để nhận diện tên bài hát), các phiên bản remix năm 2019 của nghệ sĩ Stefano Folegatti và Vicetone cũng lọt top 10, danh sách 50 ca khúc xu hướng toàn cầu của Spotify trong tuần cuối tháng 4/2020.
"Chúng tôi ghi nhận lượt nghe Astronomia tăng đột biến từ tháng 3, cao gấp 4 lần chỉ trong ít ngày", thành viên Victor Pool của Vicetone chia sẻ, trong khi thành viên còn lại, Ruben Den Boer cũng bày tỏ sự hạnh phúc khi ca khúc của mình bỗng chốc nổi tiếng sau nhiều năm. Cả 2 thừa nhận đều ngạc nhiên trước sự thành công bất ngờ này.
Chỉ trong vài tuần, sự phổ biến của Dancing Pallbearers lan rộng trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Twitter. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, hình ảnh của nhóm vũ công Ghana được lồng ghép vào những thông điệp cộng đồng khuyến cáo mọi người ở nhà tránh dịch.
Cảnh sát Peru nhảy theo phong cách Dancing Pallbearers để khuyến cáo người dân ở nhà tránh dịch. Ảnh: Twitter. |
Các cơ quan y tế, cảnh sát tại nhiều nơi đã sử dụng Dancing Pallbearers để cảnh báo những ai không nghiêm túc chấp hành các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội.
"Đoạn video giúp tôi được biết đến nhiều hơn. Mọi người liên lạc để được gặp gỡ, phỏng vấn tôi trong lúc công việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch", đội trưởng Aidoo chia sẻ với BBC ngày 4/5, cho biết sẽ lên kế hoạch đi khắp thế giới sau đại dịch để dạy cho mọi người điệu nhảy.
Trên Twitter của Aidoo, Dancing Pallbearers trong trang phục trắng đã cảm ơn các bác sĩ ngày đêm chiến đấu với đại dịch trên khắp thế giới, đồng thời gửi thông điệp đến những người không tuân theo quy định giãn cách xã hội: "Ở nhà hoặc nhảy cùng chúng tôi".