Vừa là một giảng viên đại học, trưởng bộ môn marketing tại Đại Học Hà Nội, vừa là một doanh nhân thành đạt, nhưng với Phó giám đốc công ty Toàn Cầu, chủ đầu tư công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, nghề kinh doanh đến với anh chỉ là một cái duyên. Với đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, doanh nhân này đã tìm thấy phân khúc thị trường bất động sản không cạnh tranh, không đóng băng, và mất tới hơn 8 năm để có được sản phẩm đầu tiên. Thế nhưng trong thời kỳ đầu, với nhiều người, ý tưởng kinh doanh mà công ty anh hướng tới lại khá "điên rồ", và dính nhiều tin đồn ác ý.
Phó tổng giám đốc Trần Tuấn Anh bên một sản phẩm của Lạc Hồng Viên. |
Ý tưởng xây dựng một nghĩa trang công viên xuất phát từ chính thực tế tại Việt Nam và những lần trải nghiệm trong thời gian dài sinh sống tại nước ngoài. Tại Việt Nam, hầu hết các nghĩa trang đều đang trong tình trạng quá tải, tự phát không theo quy hoạch, dịch vụ thiếu thốn, trong khi tính ổn định lại thấp. "Theo quan điểm của người Việt Nam, người sống có thể đổi nhà, chứ người chết không nên đổi mộ. Ai cũng muốn nằm xuống được mồ yên mả đẹp, đó vốn là truyền thống lâu đời của người Việt hướng đến những người đã khuất".
Sống và học tập nhiều năm ở nước ngoài, doanh nhân này cũng đã từng được thăm nhiều mô hình xây dựng nghĩa trang ở trời Tây. Một câu hỏi mãi trở thành ám ảnh của doanh nhân 7X, là vì sao người Việt vốn rất coi trọng cúng giỗ và nơi an nghỉ của người đã khuất lại không thể có những khu nghĩa trang đẹp và sạch như người phương Tây, những quốc gia ít coi trọng vấn đề tâm linh hơn Việt Nam. Từ đó, ý tưởng về việc xây dựng một công viên nghĩa trang, nơi yên nghỉ vĩnh hằng sạch đẹp cho người Việt, trở thành chiến lược kinh doanh chính của công ty anh.
Thời kỳ đầu bắt tay vào dự án, với diện tích dự kiến lên tới hàng ngàn m2, vấn đề đau đầu nhất với chủ đầu tư là tìm được vùng đất ưng ý. Đi nhiều nơi, lang thang hết tỉnh này đến tỉnh khác, có khi phải đi vào những khu vực xa dân cư, cách đường dân sinh tới vài km hay phải đi bộ, trèo đồi, nhóm dự án phải mang theo cơm nắm, nước uống để ăn trưa. "Anh em từng nghĩ có khi chưa tìm được đất xây dựng dự án thì đã phải nằm lại vì đói, mệt, trượt chân vách núi. Thế nhưng chúng tôi tự nhủ rằng, mình đang làm một dự án mang nhiều ý nghĩa nhân văn, ông trời chắc sẽ thương chúng tôi”, anh Tuấn Anh vui vẻ chia sẻ.
Ý tưởng dự án được lên từ năm 2004, nhưng mãi một năm sau dự án mới tìm được đất để thực hiện xây dựng. Mảnh đất Hòa Bình với lợi thế giáp thủ đô, sơn thủy hữu tình, hiền hòa, thân thiện là địa điểm lý tưởng để xây dựng dự án. Một phần vì cái tên Hòa Bình, khi nghe đã thấy nét nhẹ nhàng, yên bình, lại nằm ở hướng Tây Hà Nội, mà theo tín ngưỡng của người Việt, đi về phía Tây là đi về miền “Tây phương cực lạc”, đi về chốn thiên đường. Thế nhưng, cũng phải mất thêm 4 năm nữa để hoàn tất các thủ tục và thực hiện đền bù, đến năm 2009, Lạc Hồng Viên mới chính thức được khởi công.
Kinh doanh đất đai trong một phân khúc lạ, Trần Tuấn Anh và công ty anh đã không ít lần vướng phải những tin đồn ác ý. “Người ta thấy chúng tôi vào rừng, lên núi thì cho rằng đang đi đào vàng, hay là lập dự án ma. Tôi cũng trả lời họ là chúng tôi đi lập dự án ma thật”. Ngay cả người thân cũng từng nói anh bị điên, hoang tưởng, nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm của doanh nhân giảng viên này. Đến nay, Lạc Hồng Viên với số vốn đầu tư hàng chục triệu USD đã trở thành công viên nghĩa trang lớn nhất Việt Nam, mỗi năm bán hàng ngàn sản phẩm, đứng vững trong thời kỳ thị trường bất động sản đóng băng.