Đại gia nghĩa trang kể chuyện buôn địa ốc 'cõi âm'
Ông Trần Tuấn Anh cho biết thị trường đất nghĩa trang có đặc thù riêng nên năm 2013 vẫn không sợ “đóng băng”.
Trong khi tảng băng bất động sản đang ngày càng "rắn" hơn thì thị trường lại chứng kiến cảnh bất động sản dành cho người cõi âm nóng lên từng ngày với những khu mộ lên đến cả tỷ đồng. Những con số hàng tỷ đồng về giá trị của ngôi mộ khiến nhiều người tò mò tìm đến những công viên nghĩa trang thăm quan và mua đất nhiều hơn.
Ông Trần Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: Từ ngày còn du học ở nước ngoài và được đi thăm các công viên nghĩa trang ở khu vực Đông Nam Á, trong ông đã nhen nhói ý tưởng xây dựng một công viên nghĩa trang hiện đại nhất Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh giới thiệu về dự án Lạc Hồng Viên, Toàn Cầu. |
6-7 năm trước, ông và một vài cộng sự của mình lặn lội đi tìm đất để xây dựng ý tưởng tâm linh của mình. Việc lựa chọn Kỳ Sơn Hòa Bình cũng là cái duyên và theo tín ngưỡng của người Việt, đi về phía Tây là đi về miền “Tây phương cực lạc - miền quê của Phật”. Hướng tây là hướng giúp cho mọi người có cảm giác bình yên, thanh thản. Ngoài ra, do yếu tố đặc thù của một tỉnh miền núi, Kỳ Sơn cận kề Hà Nội, không phù hợp cho phát triển nông lâm nghiệp, khu chế xuất công nghiệp hoặc thương mại dịch vụ. Việc xây dựng Công viên Nghĩa trang Kỳ Sơn sẽ làm thay đổi góc nhìn vốn đã cố hữu trong cộng đồng.
Thời gian đầu ở đây chỉ là đồi núi, ông nhớ lại: “Nhiều người bảo chúng tôi bị điên mà đi bán mồ mả”. Lúc đó, người ta nghe đến việc bán đất nghĩa trang nhiều người còn e ngại. Vậy mà, vài năm sau trên các mặt báo người ta lại nhắc đến những ngôi mộ tiền tỷ, nhiều người gọi ông là “đại gia nghĩa trang”. Nghe từ đại gia đất nghĩa trang, ông Tuấn Anh chỉ cười: “Làm gì có đại gia, Lạc Hồng Viên còn có cả những ngôi mộ chỉ 15 triệu đồng. Lạc Hồng Viên phục vụ tất cả những khách hàng từ người có tiền đến người thu nhập thấp”.
Không tiết lộ về doanh số kinh doanh của công ty năm nay nhưng ông Tuấn Anh cho biết năm 2012, công ty vẫn đạt doanh thu đề ra. Năm 2012, Lạc Hồng Viên đi vào khai thác và hoàn thiện các khuôn viên, mộ phần ở một số khu vực nên có nhiều khách ký hợp đồng mua bán. Đa số khách mua đất đều là những người có tiền họ mua với diện tích lớn nên giá trị hợp đồng lớn.
Trả lời câu hỏi về thị trường đất nghĩa trang năm 2013, ông Tuấn Anh cho biết thị trường này có đặc thù riêng nên năm tới đất nghĩa trang vẫn không sợ “đóng băng” như bất động sản dành cho người sống.
Ai dám đầu tư vào đất nghĩa trang?
Nhận định về thị trường kinh doanh bất động sản năm 2013, ông Tuấn Anh nhận xét, năm tới thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn nên việc kinh doanh của các công ty bất động sản cũng chưa thể khả quan hơn năm nay. Nhiều người có thiên hướng đầu tư vào đất nghĩa trang nhưng ông khẳng định: “Chẳng có ai dám vào đầu tư đất nghĩa trang kiếm lời”.
Theo lý giải của ông Tuấn Anh, đất nghĩa trang rất đặc thù và mang yếu tố tâm linh nên không có yếu tố đầu cơ trong loại hình mua bán này. Đất dành cho người cõi âm nên không thể cò kè bớt một thêm hai. Lạc Hồng Viên xây dựng theo thiết kế chung của công ty và được giám sát chặt chẽ về giá. Khách hàng muốn đầu tư giao dịch theo kiểu lướt sóng như bất động sản cho người sống cũng khó vì không thể có chuyện mua 3 bán 7 trong tổng thể toàn công viên nghĩa trang.
Hơn nữa, với nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng như công ty có đưa ra một số lượng suất mua ưu đãi nhất định hàng năm cho các cụ, trong đó có hỗ trợ về giá cả và tiến độ thanh toán. Ví dụ như chỉ thu tiền một nửa và các cụ trả góp dần với mức 1 triệu đ/tháng, có thể đóng trong vòng 2 - 3 năm tùy theo trị giá phần mộ mua. Điều này tạo điều kiện cho người nghèo cũng có khả năng tự tìm đến công ty ký hợp đồng không phải qua các “cò”.
Theo Giáo dục Việt Nam