Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện về giống 'mai tiến vua'

Mai ngự là giống mai quý ở trong cung đình Huế ngày xưa, do các quan sưu tầm đưa vào cung nên gọi là “mai tiến vua”

Một ông khách vừa bước tới chỗ bà bán mai. Ông khách chắc tầm tuổi bà, bảy mươi có lẻ. Bà không đon đả mời mọc nói giá, chừng buông xuôi. Vị khách đứng ngắm lâu, đưa tay uốn thử mấy nhánh xem còn tươi không, lại vuốt mấy cái nụ chưa bung, nhìn trời lạnh ngắt ra vẻ tiếc nuối.

- Cái này mà nở kịp Tết tui mua, một bông thôi cũng được.

Ông khách thắp lên cho bà niềm hy vọng. Lời thách hứa có khi chỉ là một kiểu từ chối khéo rồi đi. Nhưng trông ông già cũng tử tế, hẳn không đến nỗi. Kể từ đó có ai ghé hỏi bà lại nâng giá. “Ba triệu, không thêm không bớt”. Lời lẽ cũng mạnh mẽ dứt khoát hẳn ra.

Anh bám theo ông già, đến một chỗ đã vượt ra ngoài tầm mắt của bà cụ, anh xí xớn giật vạt áo ông.

- Ông ơi, cháu hỏi chút.

Ông già quay lại, nheo nheo mắt trông chàng trai trẻ, à à cái anh chàng mới gặp vừa nãy, rồi ông cũng cười, biết đâu người quen đâu đó lâu rồi nay mới gặp lại.

- Cậu là...

- Dạ không, ông không biết cháu đâu. Chỉ là, cháu vừa thấy ông định mua cành mai của bà cụ. Cháu không biết sao ông lại muốn mua, mà phải chờ nó nở.

- Chắc cậu cũng có thú chơi mai vàng. Thôi ghé ngồi xuống đây uống chén nước đã.

Hàng bán nước tự phát mới mọc lên giữa chợ hoa, người bán bày ra mấy cái ghế nhựa cho khách ngồi, cái chỗ đặt ly cốc cũng là ghế luôn. Hai người, một già một trẻ, một người một cái ghế nhựa và một cốc nước trà nóng.

- Cậu đã nghe tên dòng mai ngự chưa. - Dạ chưa. - Ấy là giống mai quý ở trong cung đình Huế ngày xưa, do các quan sưu tầm đưa vào cung nên gọi là “mai tiến vua”. Mỗi mùa xuân mai nở, hương rất thơm, vua và quần thần thong thả đi qua vườn ngự lãm, nên cũng có tên khác là “mai ngự”. Ấy là tôi nghe kể vậy, có chút văn vẻ, cậu đừng cười.

- Dạ, cháu thấy hay mà. Nhưng, nó có nét gì đặc biệt không ông.

- À, cũng là thứ mai miền Trung, mỗi khi ra lộc đọt nhú xanh, trông chẳng phân biệt được đâu. Chỉ có tinh mắt thì nhìn cách nó chia nhánh so le, và cành dạng búp măng, tức thon dần từ gốc đến ngọn. Búp của nó cũng khác chút xíu, hơi ú tròn mập mạp. Nhưng, tất cả những dấu hiệu kia cũng chỉ là tương đối, rất khó nhận biết mai ngự. Chỉ đến khi nó nở ra thì mới biết. Mai ngự mỗi hoa chỉ có đúng năm cánh, không thừa không thiếu, đều tăm tắp. Các cánh hoa thì dày dặn bung căng, phẳng mịn, xếp khít vào nhau rất đầy đặn và tươi tắn. Trông cái hoa đẹp vô cùng và đầy sung khí.

- Không ngờ lại có thứ mai như thế, cháu cứ tưởng đã là hoàng mai thì như nhau cả.

- Khác chứ. Dân chơi mai suy tôn mai ngự là thượng đẳng, của vua mà. Lúc nãy tôi coi cành nhánh, với kiểu nụ ấy rất giống những đặc tính mai ngự. Nhưng phải đợi nó nở xem sao đã. Nếu đúng, tôi mua về để lấy “bo” ghép thôi. Chỉ có ghép đọt mai ấy vào gốc mai khác mới bảo tồn được nguyên bản giống, chứ gieo hạt trăm phần trăm sẽ bị thoái hóa giống. Cậu học môn sinh học rồi chắc rành hơn tôi.

- Dạ, cháu cũng có học nhưng... quên. Giờ ông nhắc thì cháu mới biết. Hy vọng cành mai kia nở đúng bông mai ngự như ông nói. Trông trời buồn quá ạ.

Trước khi chia tay, ông cụ dặn:

- Chuyện tôi kể, cậu tin hay không cũng được, vì dân chơi cây nghệ thuật đôi khi hay thêu dệt, thêm thắt cho ra vẻ ly kỳ. Âu cũng là vì quá yêu mà ra. Có điều, cậu đừng nói cho bà ấy biết, lỡ bà tưởng đang giữ của quý lại thêm tội nghiệp.

Trời không hửng chút nắng nào. Có vẻ rét hơn nữa. Không mưa là may, rét càng đúng không khí xuân. Đợt rét đậm cuối năm kéo từ giữa chạp làm cho mai trong vùng nín nụ hết cả. Rét, hoa gì cũng tươi lâu trừ giống mai vàng. Và rét bây giờ đang phản bội bà. Chùm năm cái nụ vừa bung vỏ trấu trên cành cũng co ro như thân già. Nhìn kỹ, có mấy nếp sọc nhăn nơi vỏ lụa, kiểu đấy còn lâu hoa vàng mới bung.

Hoàng Công Danh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY