Khi Martin Sorrell, CEO của tập đoàn quảng cáo WPP Group, đến thăm Google vào mùa thu năm 2012, Larry Page đã điều một chiếc xe đặc biệt đi đón khách tại khách sạn Rosewood cách đó hơn 30 km. Ẩn trong vẻ ngoài bình thường của một chiếc Lexus SUV là hệ thống tự lái với một loạt thiết bị hỗ trợ công nghệ cao radar, cảm biến, máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu lượt đo mỗi giây.
Fortune mô tả, trong khoảng 20 phút, chiếc Lexus đã "lạng lách", rẽ cua, giảm tốc độ hoặc vượt qua những xe khác một cách chính xác trên xa lộ I-280 và khu vực đông đúc State Route 85. "Thật không thể tin được", Sorrell sau đó đã chia sẻ sự thán phục.
Dự án xe không người lái không phải là thú tiêu khiển hạng sang của Page. Ông tin đây là tương lai của giao thông. Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản với niềm tin dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người.
Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí. Và đây chính là điều làm nên sự khác biệt của Larry Page - doanh nhân vốn được coi là "gã người ngoài hành tinh đầy tham vọng".
Sinh năm 1973 tại tiểu bang Michigan, Mỹ, Larry Page may mắn có cha mẹ đều là những người hoạt động tiên phong trong ngành vi tính. Cha ông, Carl Victor Page, vốn là giáo sư chuyên ngành khoa hoc máy tính và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Michigan. Còn mẹ ông dạy môn hệ thống máy tính.
Vào cái thời mà máy tính còn là một khái niệm mới mẻ ngay cả đối với nước Mỹ, đồ chơi của cậu bé Larry Page 6 tuổi lại rất đặc biệt. Đó là những thiết bị máy tính tạp nham của cha vương vãi khắp nhà. Những món đồ chơi này đã kích thích sự tò mò và khơi lên ngọn lửa đam mê công nghệ của Page.
Larry Page từng có thời là một quản lý rất khắc nghiệt. Ảnh: Getty Images. |
Sau khi hoàn thành khóa học tại Đại học Michigan, chuyên ngành khoa học, Page quyết định chuyển tới Stanford - ngôi trường vốn được xem là địa điểm tập hợp hàng nghìn kỹ sư máy tính của Mỹ. Ở đây, ông gặp Sergey Brin, bạn học, trợ lý đắc lực, đồng thời là người cùng ông tạo nên Google.
Tháng 1/1996, cùng với Brin, Page bắt tay thực hiện dự án công cụ tìm kiếm đầu tiên mang tên BackRub trong kí túc xá trường Stanford. Ông đã tạo ra một thuật toán riêng của mình, lấy tên là PageRank, dùng để chuyển đổi các dữ liệu backlink đến các trang xếp hạng. Ngay lập tức, BackRub trở thành một công cụ tìm kiếm hữu hiệu và là tiền thân của Google ngày nay.
Cùng với Sergey Brin, ông huy động được 1 triệu USD từ bạn bè và gia đình để bắt đầu khởi nghiệp, chuyển từ khuôn viên trường Stanford đến một garage cho thuê. Tại văn phòng làm việc mới, Larry Page - đóng vai trò là Giám đốc điều hành, cùng với Sergey Brin - Chủ tịch của Google - đã thực hiện mục tiêu “tổ chức và sắp xếp lại thông tin và làm cho chúng dễ dàng tiếp cận”.
Tháng 2/1999, công ty khởi nghiệp của họ đã phát triển vượt tầm với chiếc garage, và dời đến một văn phòng bên trên một cửa hàng xe đạp ở Palo Alto, California với 8 nhân viên. Google lúc này có 500.000 lượt truy cập mỗi ngày.
7 tháng sau đó, Google lớn mạnh hơn và chuyển về một tòa nhà khuất trong một khu văn phòng, cách đường cao tốc gần Mountain View vài dặm. Lúc này, việc điều hành trong nội bộ Google hầu hết nằm trong tay Larry Page, còn Brin chuyên xây dựng chiến lược, thương hiệu và phát triển mối quan hệ giữa Google và các công ty khác.
Thời gian đầu, Larry Page thể hiện mình là một người thiếu lịch thiệp khi giao tiếp và tạo nên một môi trường khắc nghiệt tại Google. Page thậm chí đã tuyên bố sa thải tất cả các quản lý cấp trung trong một buổi họp thường niên của công ty, và chịu sự chỉ trích nặng nề về điều này nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi sau khi Eric Schmidt xuất hiện, và Larry Page - theo một cách nào đó - đã chuyển giao quyền điều hành lại cho CEO này, tự lui vào hậu trường với đúng công việc mà ông yêu thích: lên ý tưởng cho những điều phi thường.
Trong nhiều năm sau này, Page phát triển Gmail, Google Maps, và đặc biệt là mua lại Android, và biến hệ điều hành này trở thành giá trị lõi thứ hai của mình, bên cạnh Google. Trong khi Android bùng nổ và Page dần trưởng thành trong việc điều hành hệ thống tại Google, thì hoạt động kinh doanh của ông lớn công nghệ trong mảng tìm kiếm và quảng cáo cũng nở rộ dưới sự quản lý của Schmidt. Đến năm 2010, Google đạt vốn hóa thị trường 180 tỷ USD và có 24.000 nhân viên.
Tháng 12/2010, Page, Brin và Schmidt đã gặp nhau để thảo luận vấn đề niềm tin trong nội bộ Google. Ngày 20/1/2011, Schmidt tuyên bố ông sẽ từ chức CEO. Công việc này một lần nữa thuộc về Larry Page. Schmidt, người sẽ trở thành Chủ tịch điều hành, sau ngày hôm đó đã viết trên trang Twitter của mình: "Không cần người lớn trông nom nữa rồi".
Có một câu chuyện đùa về Larry Page được lan truyền tại phòng thí nghiệm Google X (phòng thí nghiệp các sản phẩm tương lai) như sau: Một hôm, một nhà khoa học có trí thông minh siêu phàm làm việc trong phòng thí nghiệm của Google bước vào phòng làm việc của Page, mang theo một phát minh có thể làm thay đổi thế giới – một cỗ máy thời gian. Khi nhà khoa học này đi tìm sợi dây nguồn để bắt đầu bản demo, Larry Page lập tức sa thải ông ta với lý do: “Tại sao lại cần phải cắm điện?”
Câu chuyện này được các nhân viên lâu năm làm việc trong phòng thí nghiệm tương lai nhắc đi nhắc lại bằng một thái độ trìu mến vì nó mô tả chính xác sự gấp gáp cũng như ước nguyện đưa nền công nghệ tiến lên của Larry Page.
CEO Google thuộc kiểu người luôn cho rằng sự "không thể" chỉ là hữu hạn và hầu như mọi sự đều là có thể. Ông không bước trước đội ngũ kỹ sư và nhà khoa học của mình một hai bước. Ông dường như sống ở một vũ trụ khác, nơi tương lai của trái đất đã là chuyện quá khứ của hành tinh này.
Giờ đây, Larry Page được coi là linh hồn của một công ty có giá trị lớn thứ 2 thế giới, khoảng hơn 470 tỷ USD. Theo Forbes, bản thân ông cũng là một trong những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới, với tài sản cá nhân khoảng 37,6 tỷ USD, dù với công việc tại Google, trong suốt 10 năm qua, Page chỉ nhận lương 1 USD.