Trong vùng có một tiệm vàng lớn. Ông chủ tiệm vàng có một cô con gái xinh đẹp. Một anh nhà nghèo muốn làm quen với cô mà không biết bằng cách nào. Cuối cùng, anh quyết định đến tiệm vàng mua một chỉ vàng.
Đều đặn ngày nào anh cũng đến mua một chỉ vàng. Cô gái con ông chủ tiệm vàng lấy làm lạ lắm. Sau một thời gian, anh cũng làm quen được với cô gái. Cô hỏi tại sao ngày nào anh cũng đi mua một chỉ vàng. Anh trả lời đó là tiền làm được trong ngày, mua vàng để dành để cưới vợ. Cô gái nhà giàu cũng đem lòng yêu và sau đó nhận lời kết hôn của anh nhà nghèo, vì nghĩ anh này hiền lành lại có nghề nghiệp ổn định.
Cưới nhau xong, cô gái mới biết anh không hề có tiền và hỏi tại sao có thể hàng ngày đến mua một chỉ vàng. Anh trả lời: “Buổi sáng, anh mua một chỉ vàng ở tiệm của em, sau đó đem sang tiệm kế bên bán”. Như vậy, thực chất anh chỉ phải trả một khoản tiền chênh lệch giữa giá bán và giá mua mà cưới được cô gái nhà giàu.
Câu chuyện một chỉ vàng có liên hệ với chứng khoán penny. |
Tương tự, chứng khoán penny là loại chứng khoán ngược với chứng khoán blue-chips. Thông thường, loại chứng khoán này có tính thanh khoản rất yếu. Nói đơn giản, loại chứng khoán penny rất ít người mua, khiến nhà đầu tư ít khi quan tâm. Tuy vậy, theo diễn biến trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, những toan tính không lành mạnh nhằm trục lợi bất chính từ loại chứng khoán penny đã xuất hiện.
Quy luật cung cầu là yếu tố quyết định đến giá của chứng khoán trên sàn. Để nâng giá của chứng khoán penny, việc đầu tiên cần làm là phải nâng cao tính thanh khoản của chứng khoán. Thủ thuật “phù phép” chứng khoán penny cũng tương tự như câu chuyện mối tình “một chỉ vàng” của anh nhà nghèo.
Theo đó, những người nắm giữ loại chứng khoán này sẽ tiến hành mua bán một cách giả tạo chứng khoán này với nhau. Ví dụ A, B, C là những người đang có ý định thao túng chứng khoán penny. Theo đó, A, B, C sẽ cùng đặt lệnh mua và bán chính chứng khoán của mình nắm giữ với nhau. Thông qua việc liên tục mua bán trong nội bộ ba người này, đồng nghĩa họ đã phù phép để các nhà đầu tư khác nhầm tưởng rằng loại chứng khoán này đang được mua bán một cách liên tục (tính thanh khoản cao). Chi phí duy nhất mà nhà đầu tư phải bỏ ra là khoản phí rất nhỏ cho các công ty chứng khoán. Chi phí này cũng tương tự việc anh nhà nghèo chịu lỗ trong giao dịch mua - bán một chỉ vàng cùng một ngày.
Mặt khác, thực tế trên bảng điện tử thì chỉ có 3 mức giá chào mua tốt nhất và chào bán tốt nhất hiện lên. Do vậy, các nhà đầu tư khác không biết giá trị thật của các giao dịch chứng khoán Penny đang bị làm giá là bao nhiêu. Qua đó, thái độ của nhà đầu tư về loại chứng khoán này sẽ khác hẳn.
Cụ thể, trước khi thực hiện hành vi, chứng khoán này chỉ là loại chứng khoán giá thấp. Sau khi được “phù phép” các nhà đầu tư thấy một chứng khoán khác hẳn, tính thanh khoản cao (vì được giao dịch liên tục), giá hấp dẫn (vì bảng điện tử chỉ hiện 3 mức giá chào mua tốt nhất và chào bán tốt nhất).
Đến đây chu trình “lột xác” cho chứng khoán penny đã hoàn thành. Khi các nhà đầu tư đặt lệnh mua loại chứng khoán blue-chips được giải phẫu cũng là lúc những người thực hiện hành vi này trục lợi bất chính từ chu trình “phù phép” này.
Về nguyên tắc, mọi hành vi thao túng thị trường chứng khoán nhằm trục lợi bất chính đều bị pháp luật cấm. Cụ thể theo nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, người thực hiện hành vi này có thể phải đối mặt với mức phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với tổ chức đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn có thể bị tịch thu toàn bộ số thu nhập có được từ việc thao túng giá này.
Tuy nhiên, việc xử phạt này chỉ được áp dụng sau khi đã chứng minh được nhà đầu tư có tham gia vào quá trình thao túng. Do vậy, cách tốt nhất để tránh thiệt hại từ các trò phù phép chứng khoán penny là nghiên cứu kỹ thông tin về công ty niêm yết muốn đầu tư.
Hành vi làm giá trên thị trường chứng khoán được qui định (với cùng nguyên lý) tại khoản 3 điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị xử lí hình sự theo qui định tại điều 183 Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2013.
“Pháp luật Doanh nghiệp và Hội nhập” là một trong 15 chuyên đề thuộc Hệ thống đào tạo trực tuyến của Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây.