Nam và Sylvie là cuốn tiểu thuyết tự truyện của nhà văn Phạm Duy Kiêm, một chàng trai xứ An Nam nhận học bổng sang Pháp yêu cô gái người bản xứ là Sylvie. Màu da và sắc tộc đã làm cho câu chuyện tình của họ trải qua nhiều sự giằng co, tranh đấu giữa lý trí và con tim.
Yêu nhau, hai người đều nhận thức đó là một mối tình bất khả, không có kết quả tốt đẹp. Bởi vì Sylvie là người Pháp, còn Nam là người Việt. Dù mối tình có nồng thắm đến đâu đi chăng nữa thì khi học xong, chàng trai da vàng cũng sẽ không thể đưa cô gái da trắng về nước, cùng xây đắp hạnh phúc lứa đôi.
Cuốn tiểu thuyết là những mảng ký ức, những lá thư mà đôi tình nhân trao gửi cho nhau cùng cuốn nhật ký của chàng trai phác họa một mối tình đầy thử thách từ ngày này sang ngày khác để rồi đi tới kết cục: Sylvie sẽ đánh mất lòng can đảm và rời bỏ chàng trai... Còn Nam trở về xứ Đông Dương một mình, đau đớn nhưng vượt qua chính mình. Tác giả cuốn sách, nhà văn Phạm Duy Khiêm không lập gia đình, hẳn cũng bởi ông không thể vượt qua mối tình dang dở ấy...
"Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên", có lẽ câu tục ngữ Việt Nam này vẫn đúng với mối tình Việt - Pháp ấy. Qua năm tháng, sau khi lửa lòng đã tắt và mơ ước tiêu tan, khi những vết thương xưa không để lại sẹo, họ thỉnh thoảng vẫn gặp lại nhau. "Bởi vì không có gì kết thúc hẳn trong thế giới của con tim. Hay đúng hơn, không có gì nên như thế".
Pol Vandromme, nhà văn, nhà phê bình văn học người Bỉ đã ca ngợi Nam và Sylvie: "Cuốn sách này mang một vẻ kín đáo và ý tứ tuyệt vời: vì sợ nói quá nhiều nên nó vượt qua cả những tình cảm được thể hiện. Nhưng sự khiêm nhường này không bao giờ mang tính gò bó; đó là một sự khiêm nhường tự nhiên, tự nhiên như thanh điệu của phẩm cách vậy..."
Tiểu thuyết Nam và Sylvie đạt Giải thưởng Louis Barthou của Viện Hàn lâm Pháp. |
Mỗi bức thư đôi bạn trẻ trao gửi cho nhau giống như một khu vườn lãng mạn đầy hoa và nắng. Chính sự bẽn lẽn và mẫn cảm của họ, sự trong sáng và tươi trẻ trong ngôn ngữ đã mang đến cho người đọc cảm xúc về sự vô giá của những gì chỉ trải qua một lần trong cuộc đời mỗi con người.
"Anh thấy tâm hồn em như xuống ngập vào bàn tay em, tay em tìm kiếm tay anh. Và thế là anh tưởng tượng - anh vốn là một kẻ mơ mộng bất trị mà: nàng sẽ viết thư cho ta! Anh tin thế, anh chắc chắn thế; thế là anh chờ."
Nhiều nhà phê bình văn học Pháp đã hết lời ngợi ca Nam và Sylvie. Họ cho rằng cuốn tiểu thuyết này có thể sánh với La Princesse de Clèves (1678) của Madame de La Fayette hay Dominique (1863) của Eugène Fromentin. Năm 1975, Viện Hàn lâm Pháp đã trao giải Louis Barthou cho tiểu thuyết này.
Bên cạnh tác phẩm Nam và Sylvie, Phạm Duy Khiêm còn có những tác phẩm đã được xuất bản như Từ Hà Nội đến La Courtine, Huyền thoại miền thanh lãng.
Phạm Duy Khiêm là con trai của Phạm Duy Tốn, một trong những nhà văn viết truyện ngắn đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và cũng là người Việt đầu tiên thi đậu trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Phạm Duy Khiêm nhận chức Bộ trưởng đặc nhiệm phủ thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1955 đến 1957, ông quay lại Paris với tư cách Đại sứ Việt Nam Cộng hòa. Là một người cô đơn trong tình cảm, thất vọng vì không có đóng góp chính trị cho đất nước, bị giới văn chương hờ hững, ông lâm vào tuyệt vọng và tự sát vào ngày 30/11/1974.