“Quan trọng, thân thiết, hữu nghị và thành quả phong phú”.
Đó là 4 cụm từ mà Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã dùng trong buổi gặp mặt phóng viên chiều 2/11 để đánh giá kết quả chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lý giải với Zing về sự lựa chọn trên, vị đại sứ cho hay “quan trọng” nhằm để chỉ chuyến thăm này là chuyến thăm mang tính lịch sử, để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển Việt - Trung, có ảnh hưởng sâu rộng vượt qua hẳn ý nghĩa, phạm vi song phương. Ông nhận định chuyến thăm này nhận được sự quan tâm, theo dõi lớn từ nhân dân 2 nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, ý nghĩa “thân thiết” của chuyến thăm không chỉ đề cập tới những kết quả làm việc tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo, mà còn thể hiện tình cảm cá nhân giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Tập Cận Bình, ông Hùng Ba nói.
Đại sứ chỉ ra trong nội dung hội đàm giữa 2 tổng bí thư, ông Tập có đề cập khi trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy “nói càng nhiều càng thấy thú vị và cảm thấy thân thiết”. Ông Hùng Ba cũng nhắc tới trong tiệc trà, 2 tổng bí thư vừa thưởng trà, vừa trao đổi.
“Sự giao lưu giữa 2 tổng bí thư có ý nghĩa lớn, giữa 2 nhà lý luận, tư tưởng kiệt xuất”, ông nói.
Còn từ “hữu nghị” ông Hùng Ba dành cho bầu không khí của chuyến thăm. “Điểm nhấn nổi bật nhất của chuyến thăm là lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị. Cả buổi lễ đó đều mang không khí tượng trưng cho tình hữu nghị”, ông nói.
Về từ “thành quả phong phú”, đại sứ cho hay điều này thể hiện rõ trong văn kiện và tuyên bố chung, cũng như những thỏa thuận hợp tác mà 2 bên ký, nhận thức chung về mặt chính trị đạt được, tiếp tục làm sâu sắc hơn tình hữu nghị.
“Chuyến thăm này không chỉ có ảnh hưởng lâu dài tới phát triển quan hệ Việt - Trung mà còn tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”, ông kết luận.
Trước đó, nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Trung Quốc trong ngày 30/10-1/11.
Quy cách tiếp đón “chưa từng có tiền lệ”
Đại sứ Hùng Ba chỉ ra Trung Quốc đã có các nghi thức cao nhất trong chào đón nguyên thủ khi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam.
Điểm nhấn nổi bật nhất của chuyến thăm là lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị. Cả buổi lễ đó đều mang không khí tượng trưng cho tình hữu nghị.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba
Ông cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc đón tiếp sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, mà còn là nhà lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc đón theo nghi thức cấp nhà nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ngoài ra, lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là lần đầu tiên trong 3 năm gần đây Trung Quốc bắn đại bác ở quảng trường Thiên An Môn, tổ chức lễ đón, lễ diễu binh.
Ngoài hội đàm chính thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được mời tiệc trà. “Đây là điều rất hiếm thấy khi Trung Quốc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài”, ông Hùng Ba nói.
Vị đại sứ cho rằng điểm nhấn nổi bật của chuyến thăm phải kể tới Tổng bí thư Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Huân chương Hữu nghị là huân chương quan trọng, mang tính vinh dự cao nhất tại Trung Quốc, chỉ dành cho những nhà lãnh đạo nước ngoài có đóng góp to lớn cho sự nghiệp tiến bộ nhân loại, cho tình hữu nghị hợp tác với Trung Quốc”, ông Hùng Ba nói.
Ngoài ra, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã giới thiệu với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 6 thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị mới được bầu, theo Đại sứ Hùng Ba.
Những quy cách đón tiếp lần này "có nhiều đột phá và chưa từng có tiền lệ”, ông Hùng Ba nhận định.
Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau 5 năm.
“Hai tổng bí thư như người bạn cũ, đều là lãnh đạo cao nhất trong Đảng và nhà nước Trung Quốc và Việt Nam, là đối tác tốt, là đồng chí tốt, là bạn bè tốt”, đại sứ kết luận.
Thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới
Ông Hùng Ba cho hay cả Việt Nam và Trung Quốc đều có vị trí quan trọng trong mối quan hệ đối ngoại của nhau.
“Quan hệ 2 nước có đặc điểm rất nổi bật, khi Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Quan hệ hai đảng có vai trò định hướng trong quan hệ hai nước”, ông nói. “Sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa là đặc trưng và lợi ích chung giữa 2 nước. Đây cũng chính là định hướng chiến lược cho quan hệ Trung Quốc và Việt Nam”.
Từ đó, đại sứ Trung Quốc nhận định chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm “kế thừa quá khứ và mở ra tương lai”.
Ông chỉ ra Trung Quốc vừa kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021 và hoàn thành mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ nhất, xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ hai.
Hai tổng bí thư như người bạn cũ, đều là lãnh đạo cao nhất trong Đảng và nhà nước Trung Quốc và Việt Nam, là đối tác tốt, là đồng chí tốt, là bạn bè tốt.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba
Trong khi đó, Việt Nam cũng bước vào hành trình mới sau Đại hội Đảng Cộng sản XIII, phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu 100 năm là thành lập Đảng và thành lập nước.
Với việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX, ông Hùng Ba khẳng định điều này thể hiện tính quan trọng trong quan hệ 2 đảng, 2 nước, không những tăng cường trao đổi chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao nhất, mà còn là sự trao đổi chiến lược kịp thời giữa tập thể lãnh đạo của cả 2 đảng.
Ông nhấn mạnh ý nghĩa quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vượt qua phạm vi song phương.
“Trong hội đàm cũng như trong tuyên bố chung, chúng ta có viết hai nước sẽ ‘kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa’. Điều này có ý nghĩa với sự nghiệp tiến bộ và hòa bình của nhân loại. Đây chính là tính đại diện và thế giới của chuyến thăm”, ông Hùng Ba nói.
"Chuyến thăm này mang tính phi thường, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam trong thời kỳ mới, tình hình mới, phát triển mới, lên tầm cao mới", ông nói thêm.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay.
Sau chuyến thăm, hai nước đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.
Với Đại sứ Hùng Ba, thành tựu quan trọng nhất sau chuyến thăm là 2 bên đã đạt được nhận thức chung về mặt chính trị.
“Hai bên đều khẳng định, ghi nhận thành quả trong con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đánh giá cao thành công của Đại hội XX và thành tựu Trung Quốc đạt được trong 5 năm từ Đại hội XIX và 10 năm từ Đại hội XVIII. Ngược lại, Trung Quốc đánh giá cao thành quả Việt Nam đạt được kể từ sau Đại hội XIII. Hai bên trao đổi, ủng hộ lẫn nhau thực hiện mục tiêu lâu dài”, ông Hùng Ba nhận định.
Ngoài ra, ông Hùng Ba cũng nhắc tới 13 văn kiện và tuyên bố chung sau chuyến thăm. “Đây là những văn kiện chính thức, nội dung tuyên bố rộng rãi, đề cập tới nhiều lĩnh vực”, ông nói.
Mối quan hệ vượt tầm song phương
Đề cập cơ hội trong quan hệ Việt - Trung, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh điểm nổi bật nhất là thế mạnh chính trị của 2 nước.
“Cả 2 nước đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, duy trì sự ổn định lâu dài về mặt chính trị và xã hội”, ông nói.
Ông giải thích cả Trung Quốc và Việt Nam đều đưa ra mục tiêu phát triển trong 10 năm, 20 năm và 30 năm. Do đó, sự phát triển quan hệ song phương có thể căn cứ vào mục tiêu phát triển để lên kế hoạch lâu dài. Từ đó, quan hệ song phương giữa 2 bên có tính ổn định và có thể dự đoán được.
Ngoài ra, một cơ hội khác phải đề cập tới là quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính bổ trợ lẫn nhau, ông Hùng Ba nói.
“Sản phẩm Trung Quốc có thế mạnh, ưu thế thì Việt Nam có nhu cầu. 2 bên có mối quan hệ mật thiết liên quan tới chuỗi cung ứng. Trung Quốc và Việt Nam là nước láng giềng, núi sông liền một dải, có điều kiện tốt để phát triển kết nối cơ sở hạ tầng và giao thông”, ông lấy ví dụ, đề cập thêm một cơ hội nữa là giai đoạn phát triển của 2 nước có điểm tương đồng, từ đó bổ trợ, phát huy, tăng cường tính hợp tác.
Về mặt thách thức, ông Hùng Ba nhận định quan hệ Việt - Trung đứng trước các rủi ro chủ yếu từ môi trường bên ngoài, với tính không ổn định của môi trường quốc tế hiện tại.
“Điều này dẫn tới rủi ro về chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, an ninh truyền thống và phi truyền thống”, ông cho hay, nói thêm sự phát triển của Trung Quốc và Việt Nam đều cần môi trường ổn định, hòa bình và kinh tế cởi mở, bao trùm, thương mại tự do.
Trả lời câu hỏi của Zing, đại sứ cho hay quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng tích cực tới hòa bình ổn định khu vực và thế giới. Ông Hùng Ba nhấn mạnh cả 2 nước đều có vị trí quan trọng trong khu vực và quốc tế.
“Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng góp vào tăng trưởng thế giới, là đối tác thương mại lớn của các nước ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, luôn phát huy vai trò (trong tổ chức), sự phát triển của Việt Nam tràn đầy sức sống và sôi động”, ông dẫn ví dụ.
Do đó, đại sứ khẳng định ảnh hưởng quan hệ Trung - Việt vượt qua cả song phương, có ảnh hưởng quan trọng tích cực tới hòa bình ổn định khu vực và thế giới.
“Trung Quốc mong cùng với Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN, hợp tác tiểu vùng, trong khuôn khổ Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương, tại tất cả diễn đàn lớn. Trung Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, nên quan hệ Trung Quốc - Việt Nam có thể phát huy vai trò lớn hơn nữa”, ông Hùng Ba kết luận.